08:00 28/05/2007

“Nền kinh tế Việt Nam hiện không có gì gọi là yếu kém”

Hà Linh

Hỏi chuyện ông Takatoshi Kato, Phó tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF)

"Hiện đang có một số vấn đề đặt ra, trong đó có vấn đề của thị trường vốn, làm như thế nào để cổ phần hoá các công ty nhà nước được minh bạch".
"Hiện đang có một số vấn đề đặt ra, trong đó có vấn đề của thị trường vốn, làm như thế nào để cổ phần hoá các công ty nhà nước được minh bạch".
Hỏi chuyện ông Takatoshi Kato, Phó tổng giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), trong chuyến thăm Việt Nam trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam giữa kỳ (CG) tổ chức vào ngày 1/6 tới.

IMF đánh giá công tác quản lý hành chính ở Việt Nam như thế nào?

Mục tiêu nâng cao cải cách hành chính Nhà nước là nền móng cho sự phát triển của đất nước. Nhìn trên góc độ đó, tôi đánh giá cao Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp thống nhất vừa mới ra đời cũng như hàng loạt nghị định ban hành kèm theo. Đây là một đóng góp rất lớn cho việc nâng cao quản lý hành chính Nhà nước trong các lĩnh vực kinh tế.

Đồng thời, chúng tôi cũng ghi nhận và đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề về tham nhũng. Đây cũng là yếu tố góp phần nâng cao việc quản lý hành chính Nhà nước.

Nền kinh tế Việt Nam đang hướng về xuất khẩu, hàng năm, mức tăng trưởng đạt 7-8% và năm nay dự kiến là 8%. Theo IMF sự phát triển này có ảnh hưởng gì đến chính sách tiền tệ của Việt Nam hay không?

Hiện tại, “sức khoẻ” nền kinh tế Việt Nam tốt. Sau một thời gian dài, phát triển đều đặn đạt mức 7-8% cũng tạo ra sức ép đến tỉ giá hối đoái của Việt Nam. Hơn nữa, Việt Nam đang ngày càng hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Cấu trúc nền kinh tế đang thay đổi tạo rất nhiều đòi hỏi phải có chính sách về tiền tệ, tỉ giá hối đoái linh hoạt hơn. IMF vẫn đang tiếp tục đưa ra những hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Ông đến thăm Việt Nam trong bối cảnh trước thềm Hội nghị CG, ông có ghi nhận được ý kiến của các nhà tài trợ quốc tế khác về tình hình kinh tế Việt Nam?

Các yếu tố của thị trường Việt Nam tốt. Đây là nền tảng để Việt Nam có thể tiếp tục duy trì tốc độ phát triển cao từ 7-8%. Chính quyền có tiến bộ trong việc tiếp tục theo đuổi các lộ trình khác nhau đồng thời tạo ra những sân chơi mới, các cơ hội thách thức cho các doanh nghiệp phát triển. Nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể phát triển thành công khi tạo ra những cơ hội mới để cho các doanh nghiệp được thử thách.

Hiện đang có một số vấn đề đặt ra, trong đó có vấn đề của thị trường vốn, làm như thế nào để cổ phần hoá các công ty nhà nước được minh bạch.

Theo cách nhìn của ông, mảng nào trong kinh tế Việt Nam yếu kém nhất?

Yếu kém là một từ quá đáng. Nền kinh tế Việt Nam hiện không có gì gọi là yếu kém cả.

Nhìn chung, Việt Nam đang phát triển rất thuận lợi. Tuy nhiên, Việt Nam đang vấp phải những thách thức. Đó là thách thức của sự thành công. Thời gian qua, Việt Nam thành công do nền kinh tế phát triển rất nhanh, việc Việt Nam tham gia WTO dẫn đến các cơ quan quản lý gặp phải thách thức là làm thế nào để khu vực kinh tế nhà nước trở nên cạnh tranh hơn, hoạt động hiệu quả hơn trong một bối cảnh cạnh tranh toàn cầu. Đây là thách thức của sự thành công.

Về mặt kinh tế vĩ mô, thách thức của sự thành công là làm sao kiểm soát hiệu quả lạm phát mà vẫn đảm bảo tăng trưởng bền vững. Việc mở cửa đất nước để cho các luồng vốn chảy vào đảm bảo tăng trưởng phát triển thì việc kìm hãm lạm phát lại là điều khó khăn. Làm thế nào để các cơ quan quản lý Nhà nước vẫn hoạt động hiệu quả, vừa mở cửa cho các luồng vốn chảy vào vừa kìm hãm lạm phát?

Như vậy, để nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định, vai trò của Chính phủ ngày càng phức tạp hơn đặc biệt trong các chính sách về thuế, làm sao dùng công cụ thuế để quản lý lạm phát một cách hiệu quả hơn.

Một thách thức nữa là phát triển thị trường vốn hoá. Như các bạn đã biết, hiện Việt Nam đang bùng nổ thị trường chứng khoán, đây là cơ hội to lớn cho Chính phủ Việt Nam để tìm được nguồn tài chính thực hiện chương trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng như thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước.

Tuy nhiên, do lĩnh vực này hoàn toàn mới nên các nhà đầu tư Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm và do vậy thị trường chứng khoán có thể phát triển nhanh và cũng có thể rơi tự do rất nhanh. Chúng ta không chắc bao giờ nó rơi tự do, nhưng khả năng kiểm soát việc nới lỏng thị trường ra đến đâu của Chính phủ cũng là một thách thức.

Trước Hội nghị CG, ông thấy có định hướng mới gì từ các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam hay không?

Việt Nam là một quốc gia phát triển thành công. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam để đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam bằng việc tiếp tục tư vấn chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý thông qua các chương trình đào tạo, đặc biệt trong quản lý chính sách thuế, kế toán thống kê, nhất là thống kê về tình hình lạm phát, cũng như đào tạo nâng cao năng lực trong việc đưa ra những nghị định mới trong lĩnh vực thuế.