Nền tảng công nghệ từ Viettel Digital giúp SME tiếp cận tín dụng
Giải pháp này tập trung vào điều doanh nghiệp cần nhất: khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn, minh bạch hơn trong chuỗi cung ứng...
Gần 40 năm kể từ Đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế, đóng góp hơn 50% GDP, sử dụng khoảng 82% lực lượng lao động. Nghị quyết 68-NQ/TW được ban hành thời gian qua là lời hiệu triệu mạnh mẽ nhất từ trước đến nay về vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân, với mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả, bền vững.
Nhưng để hiện thực hóa được kỳ vọng ấy, một trong những rào cản lớn nhất vẫn nằm ở khả năng tiếp cận vốn chính thống của khu vực này, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Đặt trong bối cảnh đó, việc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital) cho ra mắt nền tảng VT Finance vào đầu tháng 6/2025 không chỉ là một bước tiến công nghệ, mà còn là hành động cụ thể hưởng ứng tinh thần của Nghị quyết 68.
TỪ GIAO DỊCH THƯƠNG MẠI ĐẾN HÀNH TRÌNH TÍN DỤNG MINH BẠCH
VT Finance là nền tảng giúp kết nối ba chủ thể trọng yếu trong chuỗi tài chính cung ứng, gồm: doanh nghiệp trung tâm (bên mua), doanh nghiệp cung ứng (bên bán), và ngân hàng. Khi doanh nghiệp trung tâm (bên bán) xác nhận hoàn tất nghĩa vụ thanh toán, nền tảng sẽ ghi nhận giao dịch này như một căn cứ dữ liệu để ngân hàng đánh giá tín nhiệm của doanh nghiệp cung ứng.

Chia sẻ xoay quanh việc ra mắt VT Finance, ông Võ Anh Tâm - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel (Viettel Digital) cho rằng: “Chúng tôi chọn chuỗi cung ứng không chỉ vì tiềm năng, mà vì đây là môi trường mà các giao dịch có thể được chuẩn hóa và xác thực dễ dàng thông qua nền tảng công nghệ”.

“Không ít doanh nghiệp nhỏ hiện nay vẫn phụ thuộc vào tín dụng phi chính thức từ ứng vốn nội bộ chuỗi, các mối quan hệ cá nhân, thậm chí là… tín dụng đen. Tình trạng này khiến chi phí vốn bị đội lên, đồng thời kéo dài khoảng cách giữa doanh nghiệp vừa và nhỏ với hệ thống tín dụng chính thống.
Việc thiết lập một nền tảng số minh bạch như VT Finance không chỉ giúp rút ngắn khoảng cách đó, mà còn góp phần xây dựng lại niềm tin giữa doanh nghiệp và thị trường tài chính. Đây vốn thứ tài sản vô hình nhưng vô cùng thiết yếu cho sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân”, ông Tâm chia sẻ.
ĐỒNG HÀNH CÙNG MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ
VT Finance không chỉ là nền tảng để doanh nghiệp tiếp cận vốn, mà còn là một cơ chế giúp ngân hàng cải thiện hiệu suất vận hành. Bằng việc nhận dữ liệu xác thực từ các hóa đơn đã được phê duyệt trong chuỗi cung ứng, ngân hàng có thể rút ngắn quy trình xét duyệt tín dụng từ 2 - 4 tuần xuống chỉ còn 3 - 7 ngày, đồng thời nâng cao khả năng kiểm soát rủi ro nhờ hệ thống thông tin rõ ràng, xuyên suốt.
Về mặt chính sách, sự xuất hiện của các mô hình như VT Finance được kỳ vọng sẽ là trợ lực đắc lực cho hệ thống ngân hàng trong bối cảnh Nghị quyết 68 đề ra yêu cầu vừa thúc đẩy kinh tế tư nhân, vừa giảm áp lực lên kênh tín dụng truyền thống. Khi doanh nghiệp có thể cung cấp dữ liệu đã được xác thực thông qua nền tảng số, ngân hàng có thêm công cụ để quyết định cấp vốn nhanh chóng hơn, chính xác hơn.
Trong bối cảnh mục tiêu quốc gia là xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nhưng vẫn hội nhập sâu rộng, việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nội địa, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận tín dụng theo chuẩn mực hiện đại có thể xem là nhiệm vụ mang tính lâu dài.
Sự xuất hiện của các nền tảng như VT Finance là bước tiến đáng ghi nhận trong quá trình số hóa hệ sinh thái tài chính doanh nghiệp. Khi từng hóa đơn thương mại trong chuỗi được xác thực và ghi nhận một cách minh bạch, thì tín dụng chính thống sẽ không còn là một đặc quyền xa vời, mà trở thành công cụ thực sự phục vụ tăng trưởng: minh bạch, hiệu quả và bền vững.