10:46 21/03/2023

Netflix đến Việt Nam tìm “danh phận”

Thủy Diệu

Trong chuyến sang Việt Nam lần này, rất có thể việc quan trọng nhất với Công ty dịch vụ phát video trực tuyến Netflix (Mỹ) là tìm cho mình một “danh phận”…

Netflix được đánh giá là hãng có tốc độ tăng trưởng thuê bao ổn định và nhanh nhất tại Việt Nam trong thời gian qua.
Netflix được đánh giá là hãng có tốc độ tăng trưởng thuê bao ổn định và nhanh nhất tại Việt Nam trong thời gian qua.

Thông tin từ hãng tin Reuters mới đây cho biết một phái đoàn kinh doanh "lớn nhất từ trước đến nay" của Mỹ gồm hơn 50 công ty sẽ sang Việt Nam từ ngày 21-23/3/2023 để thảo luận về các cơ hội đầu tư và kinh doanh theo chương trình hằng năm do Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN tổ chức. Trong số công ty này có gã khổng lồ dịch vụ phát video trực tuyến Netflix.

NETFLIX BUỘC PHẢI CÓ “DANH PHẬN”

Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình được Chính phủ ban hành vào đầu tháng 10/2022 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2023.

Nội dung được xem là căn bản nhất của Nghị định 71 là khẳng định quan điểm quản lý dịch vụ OTT TV VOD, gồm cả doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới vào Việt Nam phải được cấp phép.

Theo quy định, với loại hình dịch vụ OTT TV, doanh nghiệp có thể lựa chọn 2 mô hình cung cấp dịch vụ: (i) OTT TV cung cấp cả kênh trực tuyến và nội dung theo yêu cầu (VOD) và (ii) OTT TV chỉ cung cấp VOD (OTT TV VOD). Đối với dịch vụ OTT TV VOD, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện kê khai theo mẫu của Bộ Thông tin và Truyền thông, thay vì phải lập Đề án (Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 71/2022/NĐ-CP).

Nói với VnEconomy chiều ngày 20/3/2023, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), cho hay các doanh nghiệp nước ngoài tham gia thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam với loại hình dịch vụ OTT mà không có kênh, chỉ có nội dung theo yêu cầu (như Netflix, WeTV... – PV) thì phải được cấp giấy phép như doanh nghiệp trong nước. Và để có giấy phép, doanh nghiệp nước ngoài phải làm thủ tục để hình thành pháp nhân tại Việt Nam.

“Các doanh nghiệp không có giấy phép hoạt động tại Việt Nam chúng tôi sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông sử dụng những biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn việc cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp này đến người sử dụng tại Việt Nam”, ông Yên nói và cho biết, theo đúng tinh thần quản lý như trong Nghị định 71, thời gian tới, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV xuyên biên giới nếu không có giấy phép thì sẽ bị xử phạt theo quy định trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản và sẽ bị chặn truy cập.

DOANH NGHIỆP OTT TV TRONG NƯỚC SẼ PHẢI THAY ĐỔI ĐỂ CẠNH TRANH

Sự ra đời của Nghị định số 71/2022/NĐ-CP sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh dịch vụ trên cùng mặt bằng pháp lý, bảo đảm sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

CEO một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung trong đó có truyền hình OTT của Việt Nam (đề nghị không nêu tên), cho rằng việc Netflix cũng như các nhà cung cấp xuyên biên giới khác đưa dịch vụ vào Việt Nam từ nhiều năm nay, mặt tích cực là cung cấp một lượng nội dung khổng lồ, phong phú và chất lượng tới người tiêu dùng trong nước giúp người dùng có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, mặt ngược lại, do các doanh nghiệp OTT TV xuyên biên giới này không có giấy phép hoạt động nên cũng không chịu các quy định, quản lý như các doanh nghiệp OTT trong nước, gây những bất lợi cho doanh nghiệp trong nước, và như vậy vô hình chung Việt Nam đang “bảo hộ ngược” các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới.

Tuy nhiên, theo vị lãnh đạo này, khi các doanh nghiệp OTT xuyên biên giới, đặc biệt là Netflix có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, khi đó nhà cung cấp này có thể thực hiện các chiến dịch quảng cáo, marketing… để quảng bá thương hiệu và tiếp tục thu hút người dùng. Đồng thời OTT xuyên biên giới cũng có thể hợp tác với các nhà cung cấp đường truyền (doanh nghiệp viễn thông – PV) để có đường truyền riêng, ổn định và nâng cao chất lượng dịch vụ. Khi đó, chắc chắn sẽ tạo áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp OTT TV nội, vị này nhận định.

Chưa có con số thống kê chính thức về thuê bao cũng như doanh thu của Netflix tại Việt Nam được công bố, nhưng theo các doanh nghiệp cùng ngành, số thuê bao của Netflix cũng lên tới hàng triệu và doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Netflix được đánh giá là hãng có tốc độ tăng trưởng thuê bao ổn định và nhanh nhất tại Việt Nam trong thời gian qua. Trước đó, Netflix cũng đã đăng ký trên Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài để tiến hành nộp thuế sau khi cổng thông tin này được Tổng cục Thuế công bố vào tháng 3/2022. Sau đó Netflix cũng đã nộp 7,8 tỷ đồng (số thuế đã được kê khai, nộp trực tiếp trên Cổng tại kỳ kê khai Quý I/2022).

Các doanh nghiệp OTT trong nước, cho rằng ngoài áp lực cạnh tranh sau khi Netflix chính thức có tư cách pháp nhân tại Việt Nam thì cũng mở ra cơ hội hợp tác rất lớn cho các doanh nghiệp nội, đặc biệt là các nhà sản xuất nội dung với lợi thế sản xuất nội dung địa phương có chất lượng, mang tính tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng phục vụ chủ yếu cho khách hàng địa phương, và phân phối trên nền tảng Netflix.

 

Tháng trước, Netflix đã thông báo về việc cập nhật mức giá mới tại thị trường Việt Nam. Cụ thể, từ ngày 21/2/2023, nền tảng này sẽ giảm 72.000 đồng mức phí gói thuê bao Cơ bản. Giá của gói thuê bao này sẽ giảm từ mức 180.000 VND/ tháng xuống còn 108.000 VND/tháng tại thị trường Việt Nam. Ba gói thuê bao còn lại là Di động, Tiêu chuẩn và Cao cấp vẫn sẽ giữ nguyên mức giá cũ, lần lượt là 70.000 đồng/tháng, 220.000 đồng/tháng và 260.000 đồng/tháng.