16:27 15/11/2008

“Nếu được toàn quyền, bộ trưởng có thể hứa”

Minh Thúy

Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã có nghị quyết về hoạt động chất vấn, một việc chưa từng có tiền lệ

Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội có sự cải tiến cách chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề - Ảnh: Việt Tuấn.
Tại kỳ họp này, lần đầu tiên Quốc hội có sự cải tiến cách chất vấn và trả lời chất vấn theo nhóm vấn đề - Ảnh: Việt Tuấn.
Tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã có nghị quyết về hoạt động chất vấn, một việc chưa từng có tiền lệ.

Ngay trước khi nghị quyết này  được thông qua, VnEconomy đã có các cuộc phỏng vấn Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng.

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả và xin khép lại những ghi nhận từ nghị trường, liên tục trong một tháng qua.

"Tăng cường căn cứ pháp lý để giám sát"

(Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu - nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp)

Thưa ông, ra nghị quyết về hoạt động chất vấn là việc được nói đến nhiều nhưng chưa từng có tiền lệ. Vậy đâu là lý do dẫn đến Quốc hội quyết định cần phải có nghị quyết tại kỳ họp này?

Thực ra, trong luật giám sát cũng như nội quy kỳ họp nói rằng khi thấy cần thiết Quốc hội mới ra nghị quyết chứ không phải cứ chất vấn là phải có nghị quyết.

Tại kỳ họp này, qua chất vấn, có nhiều vấn đề rất bức xúc của cuộc sống, của trách nhiệm quản lý điều hành của Chính phủ và các thành viên Chính phủ nên cần xác định rõ trách nhiệm đó để các thành viên Chính phủ có được những giải pháp để tới đây thực hiện lời hứa của mình trước Quốc hội. Quốc hội cần có nghị quyết để ghi nhận lại việc đó, có căn cứ pháp lý để giám sát việc đó.

Nghị quyết này đánh giá về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong kỳ họp, xác định các vấn đề mà đại biểu yêu cầu các thành viên Chính phủ phải thực hiện lời hứa.

Nghị quyết cũng giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong khoảng thời gian từ giờ tới kỳ họp tới, tổ chức chất vấn tiếp một số nội dung do thời gian hạn chế, chưa được trả lời trực tiếp trong kỳ họp này.

Dĩ nhiên, nghị quyết sẽ có sức nặng hơn, và trước Quốc hội, nghị quyết sẽ có giá trị pháp lý cao hơn là kết luận chung như mọi kỳ họp trước.

Nghị quyết có nêu rõ việc trách nhiệm của bộ trưởng thế nào nếu không hoàn thành lời hứa không, thưa ông?

Phải để xem các bộ trưởng và thành viên Chính phủ  có làm đúng những gì đã hứa không thì mới nói được.

Hiện tại, mới chỉ là nêu vấn đề. Tới đây, trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm, trong phạm vi họ đã xác định trách nhiệm của mình để xem họ làm thế nào đã chứ.

Khi bàn bạc về việc ra nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cân nhắc việc Bộ trưởng Cao Đức Phát nhận trách nhiệm trong vụ xuất khẩu lúa gạo vừa qua?

Tôi nghĩ rằng đó là một thái độ rất chân thành và ý thức trách nhiệm của Bộ trưởng Cao Đức Phát.

Qua việc trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phát thì thấy rằng chưa đến mức xử lý trách nhiệm với ông.

Có ý kiến cho rằng, trong số các chất vấn, ngoài những câu hỏi thật sự, có cả những câu hỏi chỉ để “gỡ” trách nhiệm cho người trả lời chất vấn?

Tôi không nghĩ như vậy bởi chất vấn là quyền của đại biểu. Họ có thể nghĩ vấn đề gì, quan tâm vấn đề gì thì họ nói vấn đề đó. Chỉ có điều là cách nêu câu hỏi còn có lúc đúng là chưa đạt yêu cầu như đoàn chủ tịch đã gợi ý.

Ông có kỳ vọng sau khi có nghị quyết, hoạt động giám sát sau chất vấn sẽ được nâng cao?

Tôi nghĩ chắc chắn là như vậy bởi đây là cơ sở pháp lý để đại biểu Quốc hội và cử tri căn cứ vào để giám sát việc các thành viên trả lời chất vấn thực hiện lời hứa của mình thế nào theo trách nhiệm được phân công..

"Nghị quyết cần cụ thể hơn nữa"

(Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên)

Là đại biểu chuyên trách, lại rất “chăm”chất vấn, ông suy nghĩ thế nào khi lần đầu tiên Quốc hội có nghị quyết về hoạt động này?

Khi có nghị quyết, cả người được chất vấn và đại biểu Quốc hội đều có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện lời hứa và việc giám sát.

Nhưng nếu như nghị quyết nêu cụ thể nữa thì tốt hơn. Nghị quyết nói bộ trưởng và các cá nhân phải thực hiện tốt hơn nữa lời hứa của mình nhưng chưa chỉ ra được một số nội dung quan trọng.

Chẳng hạn về môi trường, về các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là hai vấn đề mà đại biểu rất quan tâm thì cần chỉ rõ hơn.

Nếu chỉ nêu chung chung như vậy thì nghị quyết khác các kết luận thông thường ở điểm nào, thưa ông?

Khác ở chỗ nó được văn bản hóa, so với biên bản mức độ ràng  buộc sẽ cao hơn. Nhưng nghị quyết chỉ là một khâu, quan trọng sau đó là giám sát thực hiện nghị quyết như thế nào.

Ông có nghĩ đễn việc thực hiện quyền bỏ phiếu tín nhiệm?

Nếu cần, chắc chắn sẽ tiến hành. Nhưng ở kỳ này chưa đến mức phải dùng hình thức đó.

Thưa ông, lâu nay dường như các ý kiến nhận xét quá thiên về trách nhiệm cúa người trả lời chất vất, trong khi chất lượng của hoạt động này còn phụ thuộc rất nhiều vào người hỏi?

Tôi thấy hầu hết ý kiến chất vấn đều có chất lượng và chọn lọc, trúng vấn đề, bên cạnh một số câu còn dài.

Vậy theo ông  cần tập huấn kỹ năng chất vấn cho các đại biểu không?

Rất cần tập huấn nhưng hiện nay mới tập huấn chung. Nên có tập huấn chuyên đề về chất vấn cho đại biểu

Một điều cần rút kinh nghiêm trong điều hành là khi vào phiên họp thì chủ tọa mới thông báo nhóm vấn đề sẽ chất vấn. Trong khi đại biểu đã chuẩn bị sẵn, có cả những câu hỏi bên ngoài các nhóm vấn đề đó nên bị động.

"Nếu được toàn quyền, bộ trưởng có thể hứa"

(Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng)

Ông có nghĩ việc ra nghị quyết sẽ giúp các bộ trưởng thực hiện tốt hơn lời hứa của mình không?

Để thực hiện lời hứa phải phụ thuộc quyết tâm của bộ trưởng, nhưng cũng bị chi phối từ nhiều yếu tố khác, các mối quan hệ khác nữa.

Dù không ra nghị quyết, các bộ trưởng cũng đều luôn nhớ đến việc mình phải làm. Nhưng có nghị quyết thì sẽ nghiêm minh, kỷ cương hơn. Cũng là để bộ trưởng tăng cường hơn trách nhiệm của mình và Quốc hội có điều kiện giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của ngành.

Ông có nói đến điều kiện khách quan trong việc thực hiện lời hứa?

Còn tùy vào nội dung công việc gì và quy chế làm việc nữa, vì không phải một vấn đề, một ngành có thể giải quyết. Còn quan hệ với địa phương, bộ, ngành, cơ chế chính sách, thiên tai, rủi ro... thì không lường trước hết được.

Quốc hội đã từng bước ra được cơ chế chính sách để tăng trách nhiệm và tính chủ động trong từng ngành, nhưng chưa phải đã đáp ứng được nhu cầu.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là một bộ trưởng, ông “chấm điểm” phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng thế nào?

Có những vấn đề được trả lời xác đáng, chặt chẽ, nhưng cũng có nhiều câu trả lời tôi thấy chưa được thuyết phục lắm.

Đã từng được chất vấn, ông thích nhất dạng câu hỏi nào?

Đó là những mổ xẻ, đối thoại... ở tầm vĩ mô về chiến lược, quy hoạch chứ không phải một vấn đề cụ thể.

Làm như cách đi theo cụm vấn đề tốt hơn là hỏi và nắm thông tin đơn thuần. Ở nơi khác có thể làm chi tiết, nhưng ở Quốc hội nên tập trung ở tầm vĩ mô

Dường như, các bộ trưởng đang giảm dần lời hứa sau mỗi kỳ họp?

Bộ trưởng chắc chắn khi nói ra điều gì là muốn làm, chứ không phải thích gì nói nấy, nói rồi cứ để đó.

Trải bao năm làm quản lý, ngồi lên đến cương vị bộ trưởng rồi, không phải cứ thích nói gì thì nói. Ai cũng muốn làm được việc mà mình đã nói.

Nhưng nếu bộ trưởng được toàn quyền, thì bộ trưởng có thể hứa, nhưng hiện bộ trưởng còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác.

Dùng chữ hứa là rất thận trọng. Do chưa tính được hết những yếu tố bên ngoài nên các bộ trưởng có phần dè dặt. Họ có lý do chứ không phải cứ bảo họ không hứa.