10:53 27/06/2022

Nga chính thức vỡ nợ lần đầu tiên kể từ năm 1918

Đức Anh

Lần đầu tiên kể từ năm 1918, Nga vừa vỡ nợ trái phiếu chính phủ bằng đồng ngoại tệ - kết quả của một loạt các biện pháp trừng phạt hà khắc chưa từng thấy của phương Tây, trong đó có việc ngăn chặn Moscow thanh toán cho chủ nợ quốc tế...

Ảnh minh họa: Getty Images
Ảnh minh họa: Getty Images

Kể từ khi chiến tranh ở Ukraine nổ ra hồi tháng 2, Nga đã tìm các phương thức để “lách” trừng phạt. Tuy nhiên, vào cuối ngày 26/6, thời gian ân hạn 1 tháng đối với khoản thanh toán lãi cố định trị giá khoảng 100 triệu USD - đáo hạn ngày 27/5 - đã hết. Việc bỏ lỡ thời hạn chót này  khiến Nga bị xem là vỡ nợ.

Theo Bloomberg, đây là một dấu mốc nghiệt ngã trong quá trình Nga trở thành một quốc gia bị phương Tây cô lập về kinh tế, tài chính và chính trị. Kể từ đầu tháng 3, ít ngày sau khi Moscow phát động chiến tranh ở Ukraine, các trái phiếu quốc tế của Chính phủ Nga bị giao dịch hạn chế, trong khi dự trữ nước ngoài của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bị đóng băng, còn các ngân hàng lớn của nước này bị loại khỏi hệ thống tài chính toàn cầu.

Nhưng theo giới phân tích, nếu xét tới những thiệt hại mà các biện pháp trừng phạt gây ra cho nền kinh tế và thị trường tài chính Nga, vụ vỡ nợ trên hầu như chỉ mang tính biểu tượng và không mấy quan trọng với người Nga trong bối cảnh nước này đối mặt lạm phát ở mức 2 con số và suy giảm kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều năm.

Thời gian qua, Chính phủ Nga liên tục phản đối việc bị xem là sắp vỡ nợ, lập luận rằng nước này có đủ tiền để thanh toán mọi khoản nợ và đang bị buộc để rơi vào tình thế không thể thực hiện thanh toán. Nằm trong nỗ lực thoát khỏi tình thế này, tuần trước, Moscow thông báo rằng sẽ chuyển sang thanh toán khoảng 40 tỷ USD trái phiếu Chính phủ bằng đồng Rúp, đồng thời chỉ trích phương Tây đã gây ra “tình huống bất khả kháng này”.

“Đây là sự kiện vô cùng hiếm, khi một chính phủ bị buộc rơi vào tình cảnh vỡ nợ bởi một chính phủ nước ngoài”, nhà phân tích Hassan Malik tại Loomis Sayles & Company LP nhận xét.  

Thông thường, việc công bố vỡ nợ chính thức thường đến từ các hãng xếp hạng tín nhiệm. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của châu Âu đã khiến những công ty này ngừng xếp hạng đối với các thực thể của Nga.

Theo các tài liệu liên quan số trái phiếu hết thời giạn ân hạn vào ngày 26/6, các trái chủ có thể tự xem đây là sự kiện vỡ nợ nếu chủ sở hữu của 25% số trái phiếu thống nhất rằng “sự kiện vỡ nợ” đã xảy ra.

Các trái chủ có thể không cần hành động ngay và chọn cách giám sát diễn biến của cuộc chiến ở Ukraine với hy vọng rằng những biện pháp trừng phạt rồi sẽ được nới lỏng. Theo tài liệu trên, các yêu cầu bồi thường chỉ trở nên vô hiệu ba năm kể từ hạn chót thanh toán.

“Hầu hết chủ sở hữu trái phiếu quốc tế của Chính phủ Nga sẽ lựa chọn cách tiếp cận chờ đợi và xem tình hình”, nhà kinh tế Takahide Kiuchi tại Viện Nghiên cứu Nomura tại Tokyo, cho biết.

tính tới đầu tháng 4/2022, trái chủ nước ngoài đang nắm giữ gần 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ Nga - Ảnh: AP
tính tới đầu tháng 4/2022, trái chủ nước ngoài đang nắm giữ gần 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ Nga - Ảnh: AP

Trước đây, trong khủng hoảng tài chính và sự sụp đổ của đồng Rúp năm 1998, Chính phủ của Tổng thống Nga Boris Yeltsin cũng từng vỡ nợ 40 tỷ USD trái phiếu bằng đồng nội tệ.

Lần gần đây nhất Moscow vỡ nợ trái phiếu quốc tế là hơn một thế kỷ trước, khi chính quyền Lenin vào năm 1918 từ chối thanh toán các khoản nợ quốc tế của Sa hoàng. Theo Loomis Sayles ’Malik, tác giả cuốn sách “Bankers and Bolsheviks: International Finance and the Russian Revolution”, tổng giá trị trái phiếu mà Chính phủ Nga vỡ nợ khi đó lên tới 1.000 tỷ USD theo giá trị đồng USD hiện tại. Trong khi đó, tính tới đầu tháng 4/2022, trái chủ nước ngoài đang nắm giữ gần 20 tỷ USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ Nga.

 

"Bất kỳ ai cũng có thể tuyên bố điều họ muốn. Nhưng những người hiểu chuyện gì đang xảy ra đều biết rằng đây không phải là một vụ vỡ nợ".

BỘ TRƯỞNG TÀI CHÍNH NGA ANTON SILUANOV

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov gọi tình huống này là “một trò hề”. Ông cho biết, với hàng tỷ USD vẫn đổ vào ngân sách mỗi tuần từ việc xuất khẩu năng lược, bất chấp xung đột ở Ukraine, Chính phủ Nga vẫn có đủ nguồn lực và ý chí để thanh toán các khoản nợ.

“Bất kỳ ai cũng có thể tuyên bố điều họ muốn. Nhưng những người hiểu chuyện gì đang xảy ra đều biết rằng đây không phải là một vụ vỡ nợ”, ông Siluanov nói.

Sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra, Mỹ và nhiều nước phương Tây áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt đối với Nga, nhưng Mỹ cũng đưa ra một giấy phép miễn trừ cho phép Moscow tiếp tục thanh toán các khoản nợ trái phiếu quốc tế cho trái chủ Mỹ. Tuy nhiên, hồi cuối tháng 5, Bộ Tài chính Mỹ đã không gia hạn giấy phép này, khiến việc thanh toán nợ trái phiếu quốc tế của nga rơi vào bế tắc. Một tuần sau đó, cơ quan thanh toán của CHính phủ Nga, Cơ quan Lưu ký Quốc gia, cũng bị Liên minh châu Âu (EU) cấm vận.

Phản ứng trước tình thế này, Tổng thóng Nga Vladimir Putin đã đưa ra các quy định mới trong đó nói rằng các nghĩa vụ của Nga đối với trái phiếu bằng đồng ngoại tệ sẽ được hoàn thành khi một lượng tiền tương ứng bằng đồng Rúp được chuyển tới Cơ quan Lưu ký Quốc gia.

Bộ Tài chính Nga đã thực hiện khoản thanh toán lãi khoảng 400 triệu USD theo các quy định mới này vào ngày 23 và 24/6. Tuy nhiên, không có trái phiếu quốc tế nào của Nga có các điều khoản cho phép thực hiện thanh toán bằng đồng Rúp.

Hiện chưa rõ liệu các trái chủ trái phiếu quốc tế của Nga sẽ làm theo quy định mới này hay không và liệu các biện pháp trừng phạt có cho phép họ thu hồi tiền đầu tư của mình hay không.

Theo ông Siluanov, việc các chủ nợ tìm kiếm tuyên bố vỡ nợ thông qua các tòa án sẽ không có nhiều ý nghĩa bởi vì Nga không từ bỏ quyền miễn trừ chủ quyền của mình và không tòa án nước ngoài nào có thẩm quyền xét xử.