09:50 09/06/2022

Nga dừng thỏa thuận đánh bắt cá với Nhật gần các đảo tranh chấp

Ngọc Trang

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Nga – Nhật đang căng thẳng sau khi Tokyo tham gia cũng Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây áp đặt trừng phạt đối với Moscow vì cuộc chiến tranh ở Ukraine...

Ngư dân sửa chữa lưới trên bờ Biển Okhotsk trên đảo Kunashiri thuộc quần đảo được gọi là Lãnh thổ phía Bắc ở Nhật và Nam Kurils ở Nga - Ảnh: Reuters
Ngư dân sửa chữa lưới trên bờ Biển Okhotsk trên đảo Kunashiri thuộc quần đảo được gọi là Lãnh thổ phía Bắc ở Nhật và Nam Kurils ở Nga - Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Nga vừa thông báo nước này sẽ đình chỉ thỏa thuận với Nhật Bản về việc cho phép ngư dân Nhật đánh bắt cá gần quần đảo Kurils – nơi hai bên đang tranh cấp.

Nguyên nhân được đưa ra là Tokyo đã không thực hiện các khoản thanh toán theo yêu cầu của thỏa thuận này, theo tin từ Kyodo News.

"Trong tình huống hiện tại, chúng tôi buộc phải đình chỉ việc thực thi thỏa thuận ký kết vào năm 1998 với Nhật Bản cho tới khi họ hoàn thành các nghĩa vụ tài chính của mình”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết trong một tuyên bố.

Tranh chấp liên quan tới quần đảo trên – được gọi là Nam Kurils ở Nga và Lãnh thổ phía Bắc ở Nhật, bắt nguồn từ khi Thế chiến thứ 2 kết thúc. Tranh chấp này khiến hai bên chưa thể ký hiệp ước hòa bình chính thức.

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh quan hệ Nga – Nhật đang căng thẳng sau khi Tokyo tham gia cũng Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây áp đặt trừng phạt đối với Moscow vì cuộc chiến tranh Nga- Ukraine. Mối quan hệ giữa Moscow với Tokyo - một đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Á - đã đi xuống kể từ khi Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.

"Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi Nga đơn phương tuyên bố đình chỉ thỏa thuận này”, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno phát biểu tại một cuộc họp báo.

Người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ Nhật thừa nhận rằng Tokyo chưa thực hiện khoản thanh toán gần nhất cho dự án phát triển tại Sakhalin, hòn đảo thuộc chủ quyền của Nga trên Thái Bình Dương, nằm ở phía Bắc Nhật Bản. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng dự án này không phải là điều kiện cho việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận hay không.

Thỏa thuận trên có hiệu lực trên vùng biển xung quanh các đảo do phía Nga kiểm soát nhưng phía Nhật tuyên bố nhận chủ quyền. Được ký vào năm 1998 sau một loạt vụ bắt giữ tàu cá Nhật của nhà chức trách Nga, thỏa thuận này cho phép ngư dân Nhật đánh bắt một số loại hải sản. Đổi lại, Nhật phải thanh toán “tiền hợp tác” cho phía Nga. Các điều kiện đánh bắt và hoạt động được xác định dựa trên kết quả đàm phán giữa hai bên hàng năm.

Trước đó, ngày 21/3, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ rút khỏi các cuộc đàm phán với Nhật Bản về hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt các hành động thù địch trong Thế chiến thứ hai. Nguyên nhân được đưa ra là "Nhật Bản đang gây tổn hại đến lợi ích của Nga với lập trường rõ ràng là không thân thiện với Moscow".

Đây là động thái nhằm phản ứng lại các biện pháp trừng phạt của Nhật áp đặt với Moscow do cuộc xung đột ở Ukraine. 

Ngoài việc rút khỏi các cuộc đàm phán về hòa bình, Nga cũng chấm dứt việc cho phép công dân Nhật đi lại miễn thị thực tới các hòn đảo đang tranh chấp. Bên cạnh đó, Moscow cũng dự định rút khỏi các cuộc thảo luận về hoạt động kinh tế chung tại các hòn đảo này và dự kiến không xem Nhật là đối tác của Nhật trong khuôn khổ Hợp tác Kinh tế Biển Đen.

Đến nay, Nhật Bản, Mỹ cùng nhiều nước châu Âu đến nay đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hôm 24/2. 

Nhật Bản - với vai trò một nước thuộc nhóm G7 - đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt đối với các tổ chức tài chính của Nga cũng như hoạt động xuất khẩu chip, tước bỏ trạng thái đối tác thương mại "tối huệ quốc" (Most Favoured Nation) đối với Nga, đóng băng tài sản được cho là thuộc sở hữu của Tổng thống Nga Vladimir Putin...