11:14 23/09/2008

Nga mở rộng quỹ cứu trợ khẩn cấp ngành tài chính

Lê Hường

Cuối ngày 21/9, Bộ Tài chính Nga đã công bố mở rộng ngân sách cứu trợ cho hệ thống tài chính nước này

Thị trường chứng khoán Nga vừa trải qua một đợt chao đảo mạnh.
Thị trường chứng khoán Nga vừa trải qua một đợt chao đảo mạnh.
Cuối ngày 21/9, Bộ Tài chính Nga đã công bố mở rộng ngân sách cứu trợ cho hệ thống tài chính nước này.

Đây là một dấu hiệu cho thấy, bất chấp gói trợ cấp trị giá 130 tỷ USD được bơm vào để hỗ trợ tính thanh khoản của thị trường, hệ thống ngân hàng nước này vẫn phải đối mắt với nhứng thách thức lớn.

Trước đó, số lượng các ngân hàng tiếp cận với quỹ ngân sách này, với thời hạn vay dài hơn các khoản cho vay của ngân hàng trung ương, chỉ được giới hạn với 3 ngân hàng lớn nhất của Nga, đó là, Sberbank, VTB và Gazprombank, nhưng ngày chủ nhật, Chính phủ nước này đã quyết định nâng số lượng các ngân hàng được trợ giúp lên 28.

Bộ Tài chính Nga cho biết sẽ cung cấp khoảng 600 tỷ Rúp (24,21 tỷ USD) thông qua hình thức tín dụng 3 tháng với lãi suất thấp nhất là 8,75% tại một phiên đấu giá ngày thứ hai. Công bố này được đưa ra sau cuộc họp ngày chủ nhật giữa Bộ trưởng Tài chính Alexei Durin và đại diện của hơn 20 ngân hàng của Nga, những đơn vị rất nỗ lực yêu cầu có biện pháp của chính phủ.

Chính phủ Nga tiếp tục “giang rộng cánh tay” khi nhiều ngân hàng nước này than phiền, các khoản tín dụng của Chính phủ dành cho 3 ngân hàng hàng đầu đã không đến được tay họ, và thị trường cho vay liên ngân hàng đã không thực hiện đúng chức năng để tạo tính thanh khoản cho cả hệ thống ngân hàng.

Cả 3 ngân hàng lớn chiếm 40% tài sản trong hệ thống ngân hàng của Nga và 60% các khoản tiết kiệm. 25 ngân hàng nhỏ hơn chỉ chiếm ngót nghét 30% tổng tài sản.

David Nangle, chuyên gia phân tích khu vực ngân hàng tại Renaissance Capital ở Moscow, cho rằng, động thái được Bộ Tài chính Nga đưa ra hôm chủ nhật cho thấy “chúng ta vẫn chưa thoát ra khỏi khu rừng và các cơ quan quản lý thị trường tiền tệ phải tiếp tục cảnh giác, mặc dù tuần trước đã diễn ra những bước đi lớn và vẫn còn những bước đi mới”.

Khi khối lượng tín dụng và các biện pháp kích thích liên tiếp được đẩy vào nền kinh tế để hỗ trợ hệ thống ngân hàng, ngày 20/7, Alexei Ulyukayev, Chủ tịch thứ nhất của Ngân hàng trung ương Nga, lo ngại rằng các biện pháp bảo vệ thị trường đã đẩy xa mục tiêu kiềm giữ lạm phát năm 2008 ở mức 11%. Trong quý 2 vừa qua, ngay trước cuộc khủng hoảng, lạm phát đã ở mức 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, ông Ulyukaev cũng là người đưa ra nhận định thị trường Nga có thể phục hồi sớm. Phát biểu trên Đài phát thanh Trung ương ông Ulyukaev nói: “Tôi nghĩ xu hướng sẽ thay đổi. Vì chúng ta suy sụp nhanh hơn thị trường thế giới, nên rất có thể chúng ta sẽ phục hồi nhanh hơn”.

Nhờ những gói giải pháp của chính phủ, thứ sáu tuần trước, chỉ số chứng khoán Nga đã nhảy vọt gần 30% sau khi Chính phủ tuyên bố kế hoạch thúc đẩy tính thanh khoản trị giá hơn 100 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất của thị trường này trong một thập kỷ qua.

Mặc dù trước đó, ngày 19/9, Standard & Poor đã hạ thấp mức độ triển vọng của thị trường Nga từ tích cực sang ổn định bất chấp những thành công ban đầu của gói chính sách của chính phủ nước này.

Báo cáo của S&P cho biết: “Việc xem lại triển vọng của thị trường này dựa trên những yếu tố không chắc chắn của chính sách kinh tế của Nga khi khủng hoảng thanh khoản trong thị trường tài chính ngày càng sâu rộng”.

Các ngân hàng của nước này đều đồng tình với cảnh báo rằng sự tổn thương vẫn còn ở phía trước, khi khủng hoảng tín dụng toàn cầu vẫn chưa nguôi ngoai.