15:56 05/02/2015

Nga nhấn mạnh vũ khí hạt nhân, phương Tây lo lắng

Diệp Vũ

Các nhà hoạch định quân sự ở Moscow có thể sẽ hạ thấp giới hạn được phép sử dụng vũ khí hạt nhân

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh: Getty/CNBC.<br>
Theo hãng tin Reuters, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ngày càng lo ngại về chiến lược hạt nhân của Nga và những dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định quân sự ở Moscow có thể sẽ hạ thấp giới hạn được phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong các cuộc xung đột.

Giới chức NATO cho biết, tổ chức này đã thực hiện một phân tích về chiến lược hạt nhân của Nga và phân tích này sẽ được đem ra thảo luận trong một cuộc họp của các bộ trưởng bộ quốc phòng trong khối tại Brussels, Bỉ vào ngày hôm nay (5/2).

Phân tích về chiến lược hạt nhân của Nga được NATO thực hiện trong bối cảnh căng thẳng cao trong quan hệ giữa khối này với Moscow liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine và sự nghi ngờ giữa hai bên có nguy cơ đẩy châu Âu vào một đối đầu kiểu chiến tranh lạnh.

Lo ngại của phương Tây còn bị đẩy lên cao khi Nga đẩy mạnh các cuộc tuần tra đường biển và hàng không sát biên giới các nước NATO. Tuần trước, hai máy bay ném bom có năng lực hạt nhân của Nga đã bay trên eo biển Anh.

Nguy cơ chiến tranh hạt nhân từng một thời phủ bóng lên thế giới đã giảm đi kể từ thời chiến tranh lạnh nhờ số đầu đạn hạt nhân giảm mạnh. Tuy vậy, Nga và Mỹ vẫn duy trì kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của mỗi nước.

“Điều khiến chúng tôi lo ngại nhất ở chiến lược này là sự hiện đại hóa của các lực lượng hạt nhân Nga, sự gia tăng trong mức độ đào tạo của các lực lượng đó, và khả năng phối hợp giữa hành động truyền thống và sử dụng lực lượng hạt nhân, có thể trong khuôn khổ của một cuộc chiến tranh hỗn hợp (hybrid war)”, một nhà ngoại giao NATO phát biểu.

Phương Tây cáo buộc Nga đang sử dụng mô hình chiến tranh hỗn ở Ukraine, bao gồm các yếu tố như binh sỹ không đeo phù hiệu, đưa thông tin sai lệch để đánh lạc hướng, và các cuộc tấn công mạng.

Nga phủ nhận những cáo buộc này. Tuy vậy, NATO nói rằng, cách làm của Nga khiến họ phải rà soát lại chiến lược ứng phó với Nga.

Trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây gia tăng, Nga đã không ngại khẳng định vị thế của mình với tư cách một cường quốc hạt nhân. Tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh Nga là một cường quốc hạt nhân và cảnh báo phương Tây “tốt nhất không nên làm phiền chúng tôi”.

Một báo của Quốc hội Mỹ năm ngoái nói rằng, Nga “có vẻ như đã gia tăng sự phụ thuộc vào vũ khí hạt nhân trong quan niệm về an ninh quốc gia”.

Hiện nay, Nga đang theo đuổi một chương trình hiện đại hóa quân đội trị giá nhiều tỷ USD.

Tuần trước, tướng quân đội Nga Valery Gerasimov tuyên bố, sự hậu thuẫn dành cho các lực lượng hạt nhân chiến lược của nước này, cùng với sự cải thiện các lực lượng truyền thống, sẽ đảm bảo rằng Mỹ và NATO không thể giành thế thượng phong về quân sự.

Theo tướng Gerasimov, quân đội Nga sẽ tiếp quản hơn 50 tên lửa hạt nhân xuyên lục địa mới trong năm nay.

Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Putin đã đặt bút ký vào một học thuyết quân sự mới, trong đó xác định sự mở rộng của NATO là một rủi ro chính. Với học thuyết này, Nga duy trì quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để phản ứng trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí truyền thống đe dọa sự tồn tại của Nhà nước Nga.

Washington và Moscow đã cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận kiểm soát vũ khí thời chiến tranh lạnh. Mỹ tố Nga vi phạm hiệp ước về tên lửa tầm trung ký kết năm 1987 khi thử một tên lửa tuần tiễu phóng từ mặt đất. Ngược lại, Nga tố Mỹ sử dụng máy bay không người lái và các vũ khí tầm trung khác, vi phạm quy định của hiệp ước này.

Arms Control Association (ACA), một tổ chức có trụ sở ở Washington, ước tính Nga có khoảng 1.512 đầu đạt hạt nhân chiến lược hoặc tầm xa, cộng thêm 1.000 đầu đạn chiến lược dự trữ, và khoảng 2.000 đầu đạn hạt nhân chiến thuật - loại đầu đạn có thể gắn vào các tên lửa tầm ngắn, đạn pháo, mìn và bom.

Cũng theo ước tính của ACA, Mỹ có 4.804 đầu đạn hạt nhân tính đến tháng 9/2013, bao gồm các đầu đạn chiến thuật, chiến lược và dự trữ.