18:28 01/09/2011

Ngân hàng chống rủi ro đạo đức

Nguyễn Hoài

Bên cạnh các loại rủi ro khác, đời sống của tổ chức tín dụng hiện nay đang đối mặt với một loại rủi ro đáng sợ: rủi ro đạo đức

Chấp nhận rủi ro và quản lý rủi ro là hai mặt của một vấn đề trong hoạt động của ngân hàng.
Chấp nhận rủi ro và quản lý rủi ro là hai mặt của một vấn đề trong hoạt động của ngân hàng.
Hàng loạt vụ việc xảy ra gần đây như cán bộ tín dụng móc nối với bộ phận liên quan lấy phôi trắng lập sổ tiết kiệm khống; tự ý lấy sổ tiết kiệm khách hàng điền thêm số tiền rồi đem thế chấp ở ngân hàng khác, rút tiền đánh chứng khoán, buôn đất… đang mỗi ngày một nhiều thêm.

Điều này cho thấy, bên cạnh các loại rủi ro khác, đời sống của tổ chức tín dụng hiện nay đang đối mặt với một loại rủi ro đáng sợ: rủi ro đạo đức.

Khó quản trị nhất

Chấp nhận rủi ro và quản lý rủi ro là hai mặt của một vấn đề trong hoạt động của ngân hàng. Theo giới phân tích tài chính, rủi ro ngân hàng tạm chia thành 4 nhóm: rủi ro thị trường (lãi suất, ngoại hối, chứng khoán…); rủi ro tín dụng (người vay vỡ nợ hoặc các sự cố tín dụng khác…); rủi ro thanh khoản (mất khả năng chi trả dẫn đến rút tiền ồ ạt) và rủi ro tác nghiệp.

Trong số 4 nhóm rủi ro nói trên thì nhóm rủi ro tác nghiệp hay còn gọi là rủi ro vận hành rất khó  quản trị vì chúng liên quan trực tiếp đến công nghệ và đạo đức cán bộ ngân hàng.

Đánh giá về mức độ nguy hiểm của loại rủi ro này, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank, nói: “Rủi ro đạo đức có thể xảy ra ở bất kỳ các lĩnh vực nào, nhưng ngân hàng là ngành thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với tiền, tài sản quý nên chúng xuất hiện nhiều và rõ nét hơn. Những bộ phận tiếp xúc với khách hàng, với tiền mặt thường có nguy cơ cao về loại hình rủi ro này”.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó tổng giám đốc OceanBank cho rằng, thực tiễn hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cho thấy, rủi ro tiềm ẩn trong tất cả các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, đặc biệt trong điều kiện kinh tế thị trường, rủi ro tín dụng chiếm tỷ trọng lớn nhất và hoạt động tín dụng cũng tiềm ẩn yếu tố rủi ro đạo đức nhiều nhất.

Một cán bộ bộ phận tái thẩm định của ngân hàng cho biết, hình thức rủi ro đạo đức gần như muôn hình vạn trạng: nhận hối lộ khách hàng để cấp tín dụng đảo nợ, cho vay dự án nhiều rủi ro; lợi dụng lòng tin khách hàng để vay ké, vay kèm; cố ý gây khó với khách hàng để nhận “bồi dưỡng”.

Điểm lại các vụ việc vi phạm gần đây, hầu hết đều có sự tiếp tay của cán bộ ngân hàng với nhiều thủ  đoạn tinh vi. Ví dụ, cán bộ một ngân hàng thương mại hà nước đã thông đồng với lãnh đạo của mình móc nối với cán bộ ngân hàng khác lấy 115 khế ước vay có giá trị lên tới 258 tỷ đồng, sửa chữa, làm giả, đánh tráo, thế chấp sang ngân hàng khác, rút tiền ra đánh chứng khoán và buôn đất.

Hoặc, cán bộ tín dụng một ngân hàng đã tiếp tay cho khách hàng làm trái quy định để hưởng lợi và sau đó, khách hàng chiếm đoạt luôn số tiền vay 10 tỷ đồng.

Gần đây, khi Chính phủ triển khai gói kích cầu hỗ  trợ lãi suất, thanh tra Chính phủ đã phát hiện tại một ngân hàng vốn nổi tiếng minh bạch lâu nay, quy mô tổng tài sản rất lớn nhưng có tới 83 khế ước vay không đúng đối tượng hoặc cho vay nhiều hơn nhu cầu để doanh nghiệp chiếm đoạt chênh lệch lãi suất trái quy định 22 tỷ đồng.

Cách làm của Techcombank

Trò chuyện với người viết, Tổng giám đốc Techcombank Nguyễn Đức Vinh nhìn nhận, điểm mấu chốt của rủi ro đạo đức là yếu tố con người. Vì vậy, trước hết ngân hàng này chú trọng xây dựng môi trường làm việc, trong đó, các cán bộ lãnh đạo thường xuyên đào tạo, hướng dẫn để nâng cao năng lực và kiến thức cho cán bộ cấp dưới, giúp phát hiện những rủi ro có thể xảy ra.

Nhưng đồng thời, ngân hàng này cũng xây dựng một mô hình quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn ngân hàng hiện đại. Cụ thể, bất kỳ hoạt động nghiệp vụ nào cũng có hai người cùng tiến hành (một thực hiện, một duyệt) theo nguyên tắc “4 mắt”; các bộ phận kiểm soát làm nhiệm vụ kiểm tra chéo phần việc của các bộ phận khác; thêm nữa định kỳ bộ phận kiểm toán nội bộ kiểm tra hoạt động của tất cả các phòng ban và cuối cùng là nhóm làm việc về rủi ro nhóm họp hàng tháng nhằm thảo luận và đưa ra phương hướng giải quyết các vấn đề rủi ro hoạt động trọng yếu của ngân hàng.

Đây cũng gần như là ngân hàng đầu tiên áp dụng mô hình phê duyệt tín dụng tập trung, phân luồng và phân cấp phê duyệt hồ sơ tín dụng theo các mức từ chi nhánh, đến các khối chức năng và hội đồng tín dụng cao cấp. Mô hình này có thể đảm bảo cho ngân hàng luôn kiểm soát được rủi ro, đồng thời hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra.

Ngoài ra, ngân hàng cũng chú trọng vào công tác truyền thông định kỳ cập nhật các thông tin  liên quan tới  các vụ việc vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong ngành ngân hàng cùng với những bài học kinh nghiệm để  gửi tới toàn bộ cán bộ nhân viên, đặt hòm thư góp ý tại các điểm giao dịch; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin tố giác gian lận; sử dụng phần mềm hiện đại để kiểm tra logic trong mọi nghiệp vụ để đưa ra những trường hợp nghi vấn sớm...

Quan điểm của Techcombank, ông Vinh nói, là những trường hợp vi phạm dù nhỏ tại ngân hàng cũng sẽ được xử lý nghiêm khắc. Với những sai phạm nghiêm trọng, ngân hàng chủ động hợp tác với cơ quan pháp luật, đưa ra xử lý công khai.