14:33 16/03/2012

Ngân hàng cũng đua bảo hiểm

Khánh Chi

Khi mảng tín dụng gặp nhiều khó khăn, một số nhà băng đã mở hướng đi mới như kết hợp kinh doanh ngân hàng với bảo hiểm

Tại BIDV, hướng đi này triển khai muộn hơn (bắt đầu từ 2008) nhưng được đầu tư mạnh để nhanh chóng tạo sức cạnh tranh.
Tại BIDV, hướng đi này triển khai muộn hơn (bắt đầu từ 2008) nhưng được đầu tư mạnh để nhanh chóng tạo sức cạnh tranh.
Khi mảng tín dụng gặp nhiều khó khăn, một số nhà băng đã mở hướng đi mới như kết hợp kinh doanh ngân hàng với bảo hiểm (bancassurance), nhằm tăng doanh thu từ dịch vụ với nguồn ổn định và ít rủi ro.

Trong số các nhà băng triển khai sớm bancassurance, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và HSBC là những tổ chức tiên phong (triển khai từ năm 1993). Trong khi HSBC kết hợp với Bảo Việt để triển khai thì BIDV kết hợp với AIA và đã sớm thành lập công ty con là BIC vào năm 2006.

Vài năm gần đây, cuộc đua bancassurance trở nên nóng hơn khi nhiều ngân hàng cần đến sự bù đắp từ loại hình này trong bối cảnh tín dụng khó khăn, đặc biệt là chính sách giới hạn tăng trưởng thấp trong năm 2011 và 2012.

Đại diện BIDV cũng cho biết, việc phát triển sự liên kết dịch vụ đó nằm trong chiến lược đẩy mạnh nguồn thu từ dịch vụ tài chính, giảm bớt sự phụ thuộc quá lớn vào tín dụng.

Tại Ngân hàng Kỹ thương Techcombank, dịch vụ bancassurance được đẩy mạnh trong những năm gần đây, dù nguồn thu chưa lớn nhưng là một hướng đi quan trọng trong việc phát triển gói dịch vụ tài chính, gia tăng giá trị cho các sản phẩm ngân hàng. “Triển khai bancassurace tốt cũng thể hiện trình độ công nghệ và khả năng phục vụ khách hàng của một tổ chức tài chính”, một lãnh đạo của Techcombank nói.

Tại BIDV, hướng đi này triển khai muộn hơn (bắt đầu từ 2008) nhưng được đầu tư mạnh để nhanh chóng tạo sức cạnh tranh. Đến nay, nhà băng này đã kết hợp với BIC cung cấp tới 13 sản phẩm đặc thù (nhiều nhất trên thị trường) và đã triển khai thành công hệ thống bán hàng online (tích hợp giữa hệ thống của BIC và BIDV).

Ông Phạm Quang Tùng, Phó tổng giám đốc BIDV, nói rằng: “Bancassurance là một dịch vụ có tiềm năng lớn đối với cả ngân hàng và công ty bảo hiểm nếu được đầu tư mạnh và đúng hướng. Đây cũng là một hướng đi giúp ngân hàng tăng được nguồn thu từ dịch vụ, vốn ít rủi ro và bền vững. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh hoạt động tín dụng ngày càng trở nên khó khăn và rủi ro”.

Bên cạnh BIDV, HSBC và Techcombank, nhiều ngân hàng khác cũng kết hợp với các công ty bảo hiểm triển khai dịch vụ tương tự. Ngân hàng Quốc tế (VIB) đang kết hợp với Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PTI); Ngân hàng An Bình (ABBank) hợp tác với Prudential; Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank) với Bảo Việt…

Tuy nhiên, có thể nhận thấy sự liên kết dịch vụ này tại Việt Nam hiện vẫn còn sơ khai, chủ yếu ở mức giới thiệu khách hàng hoặc làm đại lý thu hộ cho các công ty bảo hiểm. Ở cấp độ này, các công ty bảo hiểm cũng không mấy mặn mà bởi chi phí giới thiệu cao và không tạo hiệu quả kinh doanh cũng như lợi ích cho khách hàng.

Hình thức hợp tác tạo ra hiệu quả cao và đem lại giá trị gia tăng cho cả ba bên (ngân hàng, công ty bảo hiểm, khách hàng) là bán chéo sản phẩm (ngân hàng trực tiếp bán bảo hiểm) và đưa gói dịch vụ tích hợp (gồm cả sản phẩm bảo hiểm và ngân hàng) thì chưa có nhiều tổ chức thực hiện được.

Hiện tại, trên thị trường mới có BIDV, Techcombank và HSBC đang triển khai bancassurance ở cấp độ cao hơn. Trong số này, hợp tác giữa BIDV và BIC chiếm thị phần doanh thu về gói sản phẩm tích hợp cao nhất trên thị trường.

Trong năm 2011, chỉ riêng doanh thu từ bán chéo sản phẩm và gói dịch vụ tích hợp bảo hiểm - ngân hàng của BIDV - BIC là hơn 25 tỷ đồng. Còn tổng doanh thu từ các sản phẩm bancassurance nói chung của BIC là 320 tỷ đồng. Trong khi đó, các gói dịch vụ bảo hiểm mang lại doanh thu cho Agribank - ABIC, Vietcombank - Cadiff, VietinBank - VietinBank Insurance lần lượt là 70 tỷ đồng, 27 tỷ đồng và 7 tỷ đồng.
 
Mặc dù hầu hết các công ty bảo hiểm có triển khai bancassurance từ chối cung cấp doanh thu có được từ việc bán chéo sản phẩm và dịch vụ tích hợp nhưng họ có chung nhận định đây là một lĩnh vực rất tiềm năng và sẽ được đầu tư mạnh trong thời gian tới.

Còn lãnh đạo một ngân hàng lớn nhìn nhận rằng: “Ai cũng hiểu lợi ích về hiệu quả kinh tế cũng như quảng bá thương hiệu của việc triển khai thành công gói dịch vụ tích hợp ngân hàng - bảo hiểm. Thế nhưng, việc triển khai thành công gói dịch vụ này thì không đơn giản bởi việc chia sẻ dữ liệu và hệ thống giữa hai đơn vị đòi hỏi thời gian và sự tin tưởng lẫn nhau cao. Nếu là hai đơn vị cùng hệ thống, cùng văn hóa thì việc tiến hành sẽ thuận lợi hơn nhiều”.
 
Theo đó, một số ngân hàng thương mại hiện đang có kế hoạch trực tiếp lập công ty bảo hiểm để dễ có được tiếng nói chung đó, cũng như để nắm cơ hội phát triển trực tiếp và mạnh hơn nguồn thu dịch vụ này. Trong số đó, Agribank đã khai trương Công ty Bảo hiểm ABIC, còn VietinBank đã lập Công ty Bảo hiểm Vietinbank Insurance (Bảo Ngân) và mới thành lập  Công ty Bảo hiểm nhân thọ Vietinbank Aviva…

Đại diện của BIDV – ngân hàng đang có vị trí dẫn đầu trong hoạt động bancassurance nhìn nhận, hiện tại, ngoài việc khó phối hợp tốt trong kênh bán chéo, các công ty bảo hiểm còn gặp khó khăn khi hợp tác với ngân hàng do kênh đại lý vẫn chiếm ưu thế vì nhiều lý do. Tuy nhiên, trong những năm tới khi mà chi phí bán hàng của đại lý ngày càng đắt đỏ, mà việc bán qua ngân hàng được triển khai tốt với chi phí thấp hơn, bancassurance sẽ phát triển rất mạnh.

“Vì thế, nếu không đầu tư đón đầu từ bây giờ thì các nhà băng và công ty bảo hiểm sẽ lỡ cơ hội”, ông này nói.

Ngay tại BIDV, ngoài việc triển khai cùng công ty con BIC trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, ngân hàng này cũng khá mạnh dạn và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ; ngoài việc đã triển khai cùng AIA và Manulife, BIDV còn đang tiếp cận với một số công ty bảo hiểm nhân thọ như Manulife, Cathay Life và Meiji…