13:28 14/07/2021

Ngân hàng lớn nhất Mỹ lãi gần 12 tỷ USD trong một quý

An Huy

JPMorgan Chase – ngân hàng lớn nhất của Mỹ - đang “hốt bạc” nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn nhất thế giới từ Covid-19...

CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase - Ảnh: Bloomberg.
CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase - Ảnh: Bloomberg.

Báo cáo tài chính công bố ngày 13/7 của JPMorgan Chase cho thấy nhà băng này đạt lợi nhuận 11,9 tỷ USD trong quý 2/2021, tăng 155% so với cùng kỳ năm 2020. Mức lợi nhuận này có được một phần nhờ việc giải phóng 3 tỷ USD dự trữ ròng – một động thái phản ánh sự tin tưởng vào đà phục hồi kinh tế.

Doanh thu của JPMorgan Chase giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 30,5 tỷ USD, do doanh thu mảng ngân hàng đầu tư Phố Wall giảm từ mức cao của năm ngoái.

Trong một tuyên bố, Tổng giám đốc (CEO) Jamie Dimon của JPMorgan Chase nói rằng tình hình tài chính của người tiêu dùng và doanh nghiệp ở Mỹ “đang rất mạnh nhờ triển vọng kinh tế tiếp tục cải thiện”. Ông Dimon nhấn mạnh việc nợ xấu giảm mạnh như một bằng chứng về “tình trạng ngày càng lành mạnh của khách hàng của chúng tôi”.

“Chúng tôi tin tưởng vào những tiến bộ tiếp theo trong cuộc chiến chống virus và sự phục hồi kinh tế đang diễn ra, đặc biệt ở Mỹ”, Giám đốc tài chính (CFO) Jeremy Barnum của JPMorgan Chase phát biểu trong một cuộc gọi hội đàm với các nhà phân tích.

Tuy nhiên, ông Barnum thừa nhận rằng đang có một “sự bấp bênh gia tăng” về diễn biến của đại dịch và biến chủng Delta là một trong những nhân tố của sự bấp bênh đó.

Một rủi ro khác đối với sự phục hồi kinh tế Mỹ là lạm phát leo thang. Trong tháng 6 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng mạnh nhất 13 năm.

Ông Dimon không dám chắc là lạm phát có hạ nhiệt nhanh như Cục Dự trữ Liên bang (Fed) vẫn kỳ vọng hay không. “Lạm phát có thể nghiêm trọng hơn những gì mọi người nghĩ. Tôi cho rằng tình hình lạm phát xấu hơn một chút so với đánh giá của Fed. Tôi không cho rằng đây là một vấn đề tạm thời”, ông Dimon phát biểu trong cuộc gọi hội đàm với giới phân tích.

Người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu là một nguyên nhân đẩy lạm phát ở Mỹ lên cao. Theo JPMorgan Chase, tổng chi tiêu bằng thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ qua hệ thống nhà băng này tăng 45% trong quý 2 so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 22% so với cùng kỳ 2019.

Lượng tiền gửi của khách hàng cá nhân tại JPMorgan Chase trong quý 2 tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Tài sản đầu tư tăng 36%, nhờ thị trường chứng khoán Mỹ cao kỷ lục.

Tuy nhiên, bộ phận ngân hàng đầu tư ở Phố Wall của JPMorgan Chase có sự giảm tốc, khi doanh thu của mảng này giảm 30% so với cùng kỳ 2020, dẫn đầu là cú giảm 44% ở bộ phận thị trường trái phiếu.

Dù vậy, JPMorgan Chase vẫn thu về những khoản phí khổng lồ từ hoạt động tư vấn mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) và phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Doanh thu từ bộ phận ngân hàng đầu tư toàn cầu tăng 37%, đạt 1,2 tỷ USD.