21:34 08/04/2025

Ngân hàng Nhà nước duy trì hỗ trợ thanh khoản trong lúc tỷ giá căng thẳng

Hoàng Lan

Ngày 8/4/2025, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND giao dịch quanh ngưỡng 25.945 VND, cao nhất 52 tuần. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa kích hoạt kênh tín phiếu mà duy trì bơm thanh khoản cho hệ thống…

Ngân hàng Nhà nước bơm ròng ngày 8/4/2025.
Ngân hàng Nhà nước bơm ròng ngày 8/4/2025.

Ngày 8/4/2025, trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá USD/VND giao dịch quanh mức  25.945, tăng 0,6% so với chốt phiên 4/4/2025, đứng ở mức cao nhất 52 tuần. Đến 8/4/2025, tỷ giá tăng 1,8% so với thời điểm đầu năm (2/1/2025).

Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND tăng mạnh ngay khi mở cửa và đồng loạt ghi nhận mức tăng từ 140 đến 160 đồng mỗi USD so với chốt phiên 4/4.

Cụ thể, Vietcombank niêm yết tỷ giá USD ở mức 25.740 – 26.130 VND/USD (mua – bán), tăng 140 đồng ở cả hai chiều. VietinBank niêm yết giá mua, bán USD ở mức 25.730 – 26.120, tăng 160 đồng cả 2 chiều.

Techcombank điều chỉnh giá mua, bán lên 25.741 – 26.141 VND mỗi USD, tăng 135 đồng. BIDV niêm yết ở mức 25.750 – 26.110 VND mỗi USD (mua-bán), tăng 150 đồng so với phiên giao dịch ngày 4/4.

Giá bán USD tại các ngân hàng thương mại hiện phổ biến trong khoảng 26.110 – 26.141 VND mỗi USD. Giá mua vào dao động từ 25.720 – 25.768 VND mỗi USD.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 ngày 5/4/2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết rủi ro thuế đối ứng đang tạo áp lực lớn lên tỷ giá và điều hành chính sách tiền tệ.

Theo giới phân tích, tỷ giá tăng mạnh phản ánh tâm lý lo ngại của thị trường trước thông tin Tổng thống Donald J. Trump công bố chính sách thuế đối ứng.
Theo đó, Việt Nam có thể phải sử dụng thêm ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ nhằm cân bằng cán cân thương mại, kim ngạch xuất khẩu có thể thu hẹp, dẫn đến nguồn cung ngoại tệ suy giảm. Thặng dư cán cân thương mại sụt giảm sẽ tác động đến cán cân thanh toán tổng thể và dự trữ ngoại hối.

Một số ý kiến cho rằng trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp nhập khẩu và nhà đầu tư tăng mua USD để phòng ngừa rủi ro tỷ giá, khiến cầu ngoại tệ tăng trong ngắn hạn. Ngoài ra, dòng vốn ngoại rút ròng trên thị trường chứng khoán cũng tạo thêm áp lực lên tỷ giá.

Trước diễn biến này, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì bơm ròng nhằm hỗ trợ thanh khoản hệ thống và đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Nguồn: VnEconomy cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước.
Nguồn: VnEconomy cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước.

Ngày 8/4/2025, Ngân hàng Nhà nước chào thầu trên kênh cầm cố ở các kỳ hạn 7 ngày, 14 ngày, 35 ngày và 91 ngày. Cụ thể, kỳ hạn 7 ngày ghi nhận 7 tổ chức tham gia và trúng thầu toàn bộ, với khối lượng 20.000 tỷ đồng.

Kỳ hạn 14 ngày có 5 tổ chức trúng thầu, đạt khối lượng 9.813,32 tỷ đồng. Kỳ hạn 35 ngày có 4 tổ chức tham gia, 3 đơn vị trúng thầu với khối lượng 1.931,82 tỷ đồng.

Kỳ hạn 91 ngày có 1 tổ chức tham gia và trúng thầu toàn bộ 2.071,25 tỷ đồng. Tổng khối lượng trúng thầu đạt 33.816,39 tỷ đồng. Mức lãi suất trúng thầu cho tất cả các kỳ hạn đều là 4%/năm.

Cùng ngày, không phát sinh giao dịch tín phiếu. Có 29.967 tỷ đồng đáo hạn trên kênh cầm cố, như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 3.849 tỷ đồng qua thị trường mở.

Hiện kết quả cụ thể của các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Hoa Kỳ liên quan đến mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam chưa được công bố. Tuy nhiên, Việt Nam đã chủ động đưa ra phản ứng chính sách kịp thời.

Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam đã đề nghị Hoa Kỳ tạm hoãn áp thuế trong thời gian từ 1 đến 3 tháng để tạo điều kiện đàm phán, bảo đảm cân bằng lợi ích hai bên.

Thứ hai, Việt Nam đã tăng cường trao đổi cấp cao với phía Hoa Kỳ. Tối 4/4/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald J. Trump, trao đổi về quan hệ giữa Việt Nam – Hoa Kỳ, tạo nền tảng cho các cuộc đàm phán song phương tiếp theo.

Cùng đó, Chính phủ Việt Nam cũng nhanh chóng thành lập Tổ phản ứng nhanh về thuế đối ứng do Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng, thành viên là đại diện các bộ, ngành. Tổ công tác có nhiệm vụ đánh giá tác động, đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phối hợp đàm phán song phương và kiến nghị giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, bảo vệ lợi ích xuất khẩu.