Ngân hàng Nhà nước tiếp tục “hào phóng” đối với thanh khoản hệ thống
Mua ngoại tệ bổ sung thanh khoản tiền đồng, nới room tín dụng, lùi siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, rất hiếm khi Ngân hàng Nhà nước nới lỏng đến vậy...
Ghi nhận trong tuần qua (22/11-26/11), thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục được hỗ trợ bởi lượng VND cung ứng từ nguồn Ngân hàng Nhà nước mua ngoại tệ kỳ hạn. Đồng thời, cơ quan này vẫn chưa phát đi tín hiệu muốn trung hòa lượng tiền dồi dào trên thị trường.
Ngoài ra, tại hội thảo “Xử lý nợ xấu trong đại dịch Covid-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14” ngày 24/11, ông Lê Trung Kiên, Phó Cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các Tổ chức tín dụng (Cục IV) thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, cho hay với tình hình hiện nay, nhiều khả năng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục lùi thời điểm áp dụng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn thêm 1 năm nữa để các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng
Trên thực tế, mặc dù tỷ lệ này hiện tại không còn đáng lo ngại khi hầu hết ngân hàng đều đáp ứng được quy định. Tuy nhiên, việc lùi thời điểm áp dụng thông tư sẽ phần nào giúp các tổ chức tín dụng có thêm nguồn lực hỗ trợ khách hàng, đặc biệt các dự án vay vốn trung-dài hạn xây dựng cơ sở hạ tầng như dự án cao tốc Bắc-Nam.
Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2021 cho một số ngân hàng, với việc nới thêm từ 1 – 6% tùy vào chất lượng tín dụng cũng như các chỉ số an toàn vốn của từng ngân hàng. Tăng trưởng tín dụng trên toàn hệ thống năm 2021 theo hạn mức mới dự kiến vào khoảng 13%.
Tuy nhiên, với dư địa đang có và nhà điều hành dự kiến tiếp tục “nới vòng tay” cho thanh khoản hệ thống, nếu các ngân hàng có đẩy mạnh tín dụng thì mặt bằng lãi suất nhìn chung sẽ không có quá nhiều biến động.
Thực tế cho thấy, suốt thời gian qua, trải qua nhiều đợt nới “room” tín dụng, lãi suất liên ngân hàng vẫn đi ngang ở vùng thấp. Kết thúc tuần trước, lãi suất kỳ hạn qua đêm dừng tại mức 0,64% và kỳ hạn 1 tuần là 0,74%.
Tương tự tại thị trường I (cư dân và tổ chức tín dụng) lãi suất huy động dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng. Lãi suất cho vay dao động từ 5 - 7% đối với khoản vay ngắn hạn và 9-11% đối với khoản vay trên 12 tháng.
Quay lại với diễn biến tuần qua nhưng tại thị trường ngoại hối, trong phiên giao dịch thứ 6, sau sự xuất hiện thông tin của biến thể Covid mới Omicron, dòng tiền chuyển hướng sang các tài sản trú ẩn an toàn khiến lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm tới 0,16 điểm phần trăm. Mức giảm tại phiên giao dịch thứ 6 đã đánh bay toàn bộ đà tăng từ đầu tuần của đồng USD.
Trong khi lượng tiền VND được bổ sung như đã nói, nên tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng nhẹ. Cụ thể, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng tăng nhẹ 25 VND so với tỷ giá mua trên Sở Giao dịch của Ngân hàng Nhà nước, ở 22,674 đồng/USD.
Tương tự, tỷ giá niêm yết ở các ngân hàng thương mại, kết tuần giao dịch ở mức 22.545/22.775, tăng 20 VND ở chiều mua vào và bán ra so với tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường tự do kết tuần ở 23.400/23.430 – tăng 30 VND cho chiều mua vào và 60 VND cho chiều bán ra.
Theo số liệu giải ngân FDI trong trong tháng 11 cho tín hiệu khả quan, khi đạt 1,95 tỷ USD – mức cao nhất kể từ tháng 6/2021. Tính chung 11 tháng, giải ngân FDI đạt 17,1 tỷ USD, giảm -0,6% so với cùng kỳ - cải thiện từ mức giảm 4,1% trong 10 tháng đầu năm.
Đồng thời, Ngân hàng thế giới (WB) cũng dự báo kiều hối về Việt Nam trong năm 2021 sẽ đạt 18,1 tỷ USD, và giúp nguồn cung – cầu ngoại tệ trên thị trường cân bằng trong tháng 12. Do đó, giới chuyên môn cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ duy trì trạng thái ổn định hoặc có thể tiếp tục giảm nhẹ từ nay đến hết năm 2021.