23:21 02/11/2017

Ngân hàng Trung ương Anh tăng lãi suất lần đầu tiên sau 10 năm

An Huy

Lần gần đây nhất Anh tăng lãi suất đồng Bảng là vào tháng 7/2007

Việc BoE tăng lãi suất cho thấy hướng đi chung với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), và trên một số phương diện, với cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Việc BoE tăng lãi suất cho thấy hướng đi chung với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), và trên một số phương diện, với cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) ngày 2/11 đã có động thái tăng lãi suất đầu tiên sau hơn 10 năm. Đợt tăng lãi suất này được coi là một bước ngoặt sau khi lãi suất vay vốn ở Anh giảm xuống mức thấp chưa từng thấy.

Theo tin từ CNBC, cùng với Thống đốc BoE Mark Carney, phần đông các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng trung ương này đã bỏ phiếu thuận đối với việc tăng lãi suất cơ bản đồng Bảng lên 0,5% từ 0,25% trước đó.

Động thái này của BoE không nằm ngoài dự báo trước đó của giới phân tích và là sự đảo ngược đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp vào năm ngoái sau cuộc bỏ phiếu Brexit.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đợt tăng lãi suất này của Anh là một trong những quyết định lãi suất được giới đầu tư toàn cầu dành sự quan tâm lớn nhất. Trong một tuyên bố, BoE cho biết sẽ tiếp tục tăng lãi suất "rất từ tốn" trong vòng 3 năm tới.

Gần đây, BoE bày tỏ lo ngại rằng nền kinh tế Anh đang rơi vào tình trạng quá nóng, với lạm phát tháng 9 lên mức 3%, cao nhất 5 năm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong nhiều thập niên. Phát biểu ngày thứ Năm, Thống đốc Carney nói "đã đến lúc chúng ta cần nới chân ga một chút".

Việc BoE tăng lãi suất cho thấy hướng đi chung với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), và trên một số phương diện, với cả Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Theo dự báo, trong thời gian tới ECB có thể tăng lãi suất hoặc bắt đầu cắt giảm chương trình kích cầu thông qua mua vào tài sản.

Tuy nhiên, trong khi kinh tế Mỹ và Eurozone đều đang tăng trưởng vững vàng, kinh tế Anh trong 12 tháng qua đã tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2013, một phần do những tác động tiêu cực của việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, BoE đã theo đuổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, bao gồm hạ lãi suất về mức cực thấp và mua vào tài sản như chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Mỹ nhằm kích thích lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng.

Mặc dù vậy, vào tháng 9 năm nay, BoE phát tín hiệu mạnh mẽ rằng họ đã sẵn sàng cho việc đảo ngược chính sách nới lỏng. Lần gần đây nhất Anh tăng lãi suất là vào tháng 7/2007.

Việc BoE tăng lãi suất đã được phản ánh vào tỷ giá đồng Bảng từ trước, nên trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, đồng tiền này không tăng giá so với USD. Thậm chí, đồng Bảng còn mất giá gần 1% so với đồng bạc xanh, còn khoảng 1,3113 USD đổi 1 Bảng, do sự mềm mỏng trong tuyên bố của BoE.