09:59 06/06/2024

Ngân hàng trung ương đầu tiên trong nhóm G7 hạ lãi suất

Bình Minh

Canada là thành viên đầu tiên trong “câu lạc bộ nhà giàu” G7 hạ lãi suất. Thị trường tài chính dự báo các nước khác trong G7, ngoại trừ Nhật Bản, cũng sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng sắp tới...

Thống đốc BOC Tiff Macklem - Ảnh: Bloomberg.
Thống đốc BOC Tiff Macklem - Ảnh: Bloomberg.

Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) ngày 5/6 giảm lãi suất cơ bản, trở thành ngân hàng trung ương đầu tiên trong nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) khởi động chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ sau thời kỳ thắt chặt bắt đầu cách đây hơn 2 năm. Sau BOC, nhiều ngân hàng trung ương lớn khác cũng được dự báo sẽ tiến hành hạ lãi suất trong năm nay.

Cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ của BOC hạ 0,25 điểm phần trăm lãi suất cơ bản, đưa lãi suất này về mức 4,75%. Trước đó, BOC đã duy trì lãi suất ở mức 5% kể từ lần tăng cuối cùng diễn ra vào tháng 7 năm ngoái.

Động thái hạ lãi suất của BOC không nằm ngoài dự báo của giới chuyên gia. Một ngày trước cuộc họp của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Canada, các nhà giao dịch đã đặt cược khả năng cơ quan này hạ lãi suất ở mức 84% - theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters.

“Hội đồng thống đốc quyết định rằng chính sách tiền tệ không còn cần thiết phải thắt chặt như trước nữa”, Thống đốc BOC Tiff Macklem phát biểu. “Chúng tôi đã đi một chặng đường dài trong cuộc chiến chống lạm phát. Và niềm tin của chúng tôi đã tăng lên trong những tháng gần đây rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm gần hơn về mục tiêu 2%”.

Nền kinh tế Canada đã suy yếu trong mấy tháng trở lại đây. Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 chỉ đạt 1,7%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,2% của các nhà kinh tế học. Tỷ lệ thất nghiệp của tháng 4 là 6,1%, cao nhất trong hơn 2 năm. Lạm phát toàn phần ở thời điểm tháng 4 là 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hồi tháng 5, ông Macklem nói rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của Canada không cần thiết phải hành động sát gót với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về thời điểm cắt giảm lãi suất. Phát biểu ngày 5/6, vị Thống đốc nói rằng “sẽ là hợp lý để kỳ vọng những đợt giảm lãi suất tiếp theo” của BOC nếu lạm phát tiếp tục giảm, nhưng có rủi ro trong việc giảm lãi suất quá nhanh.

“Lạm phát có thể cao hơn nếu căng thẳng địa chính trị toàn cầu leo thang, nếu giá nhà ở Canada tăng mạnh hơn so với kỳ vọng, hoặc nếu tăng trưởng tiền lương vẫn còn cao so với tốc độ tăng của năng suất”, ông Macklem nhấn mạnh.

Nhà kinh tế trưởng Andrew Grantham của ngân hàng Canadian Imperial Bank of Commerce (CIBC) nhận định những bình luận của giới chức BOC sau quyết định hạ lãi suất vừa rồi cho thấy sự mềm mỏng. CIBC dự báo BOC sẽ giảm lãi suất thêm 3 lần trong năm nay, với lần giảm tiếp theo diễn ra vào tháng 7.

Tuy nhiên, trong một cuộc họp báo sau cuộc họp của BOJ, ông Macklem nói “thời điểm của các đợt giảm lãi suất tiếp theo sẽ tuỳ thuộc vào các số liệu kinh tế”.

Đợt giảm lãi suất này của BOC diễn ra sau các động thái tương tự của ngân hàng trung ương các nước Mỹ Latin như Mexico, Brazil và Chile trong năm nay. Tuy nhiên, Canada vẫn là thành viên đầu tiên trong “câu lạc bộ nhà giàu” G7 hạ lãi suất. Thị trường tài chính dự báo các nước khác trong G7, ngoại trừ Nhật Bản, cũng sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ trong những tháng sắp tới.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của các nền kinh tế khu vực eurozone - được dự báo sẽ có đợt giảm lãi suất đầu tiên trong chu kỳ nới lỏng này tại cuộc họp vào ngày 6/6. Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) cũng được dự báo sẽ hạ lãi suất trong tháng 6 này.

Đối với Fed, triển vọng lãi suất bấp bênh hơn so với các ngân hàng trung ương nói trên. Ngày 5/6, thị trường lãi suất tương lai phản ánh khả năng 70% Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME. Tuần trước, có thời điểm khả năng này giảm về ngưỡng 40%.

Sự bấp bênh trong triển vọng lãi suất của Fed đến từ việc nền kinh tế Mỹ vững vàng hơn các nền kinh tế lớn khác, dẫn tới áp lực lạm phát dai dẳng hơn. Tuy nhiên gần đây, kinh tế Mỹ đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự suy yếu.

“Những gì xảy ra ở Mỹ đều có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của chúng tôi. Chúng tôi không thể có sự khác biệt lớn với chính sách tiền tệ của Mỹ, nhưng cũng không đến mức phải đi quá sát với chính sách của họ”, ông Macklem phát biểu.