10:35 15/04/2024

Chặng cuối gian nan của cuộc chiến chống lạm phát

An Huy

Lạm phát ở Mỹ và châu Âu đang cho thấy những dấu hiệu dai dẳng hơn so với kỳ vọng, đặt các nhà hoạch định chính sách tiền tệ vào một vị thế khó khăn và làm dấy lên mối hoài nghi rằng giới đầu tư có thể đã lạc quan quá mức về nền kinh tế thế giới...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Lạm phát ở các nền kinh tế lớn giảm về mức thấp hiện nay từ mức đỉnh khoảng 9-10% của năm 2022. Sự xuống thang này của lạm phát có được là nhờ các nút thắt chuỗi cung ứng được giải tỏa và giá hàng hóa cơ bản, đặc biệt là giá năng lượng, trở lại trạng thái bình thường.

Trong khi đó, chặng cuối của cuộc chiến chống lạm phát cho thấy sẽ là một giai đoạn khó khăn hơn. Lạm phát lõi - thước đo không bao gồm giá cả của hai nhóm mặt hàng có sự biến động lớn là năng lượng và thực phẩm - đã hạ về ngưỡng 3% tại các nền kinh tế phát triển từ giữa năm ngoái. Tuy nhiên, theo ước tính của Ngân hàng JPMorgan Chase, đến hiện tại lạm phát lõi tại các nền kinh tế này đã tăng trở lại vùng 3,5%.

KỲ VỌNG GIẢM LÃI SUẤT BỊ ĐẢO LỘN

Điều này buộc các nhà đầu tư phải nghĩ lại về đặt cược trước đó rằng lạm phát sẽ đều đặn giảm về mục tiêu của các ngân hàng trung ương, thường là mức 2%. Thậm chí, theo tờ Wall Street Journal, đã xuất hiện những lo ngại rằng lạm phát có thể trỗi dậy, tương tự như làn sóng thứ hai trong thời kỳ lạm phát cao hồi thập niên 1970.

Một báo cáo của JPMorgan Chase nói dự báo của các nhà kinh tế học và ngân hàng trung ương về xu hướng giảm bền vững của lạm phát có mức độ phụ thuộc lớn vào các yếu tố còn chưa được xác nhận là giảm, bao gồm giá nhân công toàn cầu, kỳ vọng lạm phát trong ngắn hạn, hay các tín hiệu gần đây từ thị trường hàng hóa cơ bản. Báo cáo nhấn mạnh rằng lạm phát giá hàng hóa đã giảm trong năm ngoái nhưng giờ lại đang tăng cao lên, trong khi lạm phát giá dịch vụ vẫn còn cao.

Các ngân hàng trung ương đã nói họ kỳ vọng chặng cuối của giảm lạm phát sẽ gập ghềnh, đồng thời phát tín hiệu sẵn sàng chờ cho tới khi đạt tới điều kiện thực sự phù hợp mới bắt đầu cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất với số lần ít hơn kỳ vọng, thậm chí là không giảm lãi suất trong năm nay, sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn trong nền kinh tế và thị trường tài chính toàn cầu - nơi giá cổ phiếu tại nhiều quốc gia đã tăng mạnh thời gian gần đây sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì dự báo sẽ cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024.

Số liệu lạm phát mới nhất từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao hơn so với dự báo trong tháng 3 vừa qua. Trong đó, CPI toàn phần tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, đều là những mức tăng lớn hơn so với dự báo, tương ứng là 0,3% và 3,4% trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. CPI lõi - thước đo lạm phát không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng - tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, cũng đều cao hơn so với dự báo tương ứng là tăng 0,3% và 3,7%.

“Các con số lạm phát trong ngắn hạn hơn đang nói lên một điều rằng tiến trình giảm lạm phát đã chậm lại và thậm chí có thể đã dừng lại. Tôi cho rằng việc giảm bớt số lần giảm lãi suất, hoặc trì hoãn giảm lãi suất là phù hợp với tình hình hiện nay”, Thống đốc Fed, Christopher Waller phát biểu cuối tháng 3/2024.

Sau khi báo cáo CPI tháng 3/2024, của Mỹ được công bố vào tuần vừa rồi, thị trường hầu như không còn đặt cược vào khả năng Fed sẽ có đợt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng 6, mà thay vào đó dịch chuyển kỳ vọng này sang tháng 9 năm nay. Hồi đầu năm nay, giới đầu tư và chuyên gia kinh tế còn tin chắc Fed sẽ bắt đầu chu kỳ nới lỏng vào tháng 3/2024.

Trong một lần xuất hiện vào cuối tháng 3, Chủ tịch Fed Jerome Powell tái khẳng định quan điểm thận trọng trong vấn đề giảm lãi suất, nhưng có phần lạc quan hơn so với những gì ông Waller nói. Ông Powell cho rằng lạm phát đang giảm về ngưỡng 2% nhưng trên một chặng đường đôi khi gập ghềnh, nhưng sự vững vàng của tăng trưởng kinh tế tạo điều kiện cho phép các nhà hoạch định chính sách chờ đợi. “Liệu tiến trình giảm lạm phát sẽ chậm lại trong 2-3 tháng? Chúng ta chỉ cần chờ xem các số liệu kinh tế như thế nào”, ông Powell nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Fed chi nhánh San Francisco.

Ông Joachim Nagel, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Đức (Bundesbank), thành viên Ủy ban Thiết lập lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), cuối tháng 2/2024 đã nói rằng lạm phát lõi ở Eurozone vẫn còn cao hơn 2 điểm phần trăm so với mức bình quân của khoảng thời gian từ năm 1999-2000. “Nếu chúng tôi giảm lãi suất quá sớm hoặc quá mạnh, sẽ có nguy cơ chúng tôi không đạt được mục tiêu, thậm chí rất có thể phải tăng lãi suất trở lại”, ông Nagel nhấn mạnh. Ông dẫn một báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết từ thập niên 1970 tới nay, cứ mười cú sốc lạm phát thì có tới bốn cú sốc chưa được giải quyết hoàn toàn, thậm chí sau thời gian 5 năm.

Lạm phát lõi ở Italy tăng lên mức 2,4% trong tháng 3, từ mức 2,3% trong tháng 2. Lạm phát toàn phần ở Pháp giảm còn 2,3% trong tháng 3, nhưng lạm phát giá dịch vụ vẫn dai dẳng với mức tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

NGUYÊN NHÂN CỦA LẠM PHÁT DAI DẲNG

Dù lãi suất đã tăng mạnh trong hai năm qua, tăng trưởng kinh tế vẫn duy trì vững, đặc biệt là ở Mỹ. Ở thời điểm cuối tháng 3/2024, chỉ số tăng trưởng kinh tế Mỹ tính theo thời gian thực của Fed chi nhánh Atlanta cho thấy tốc độ tăng trưởng quý 1/2024 của nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng lên 2,3% từ 2,1% trước đó. Tiêu dùng - lĩnh vực chủ đạo của nền kinh tế Mỹ - sau khi điều chỉnh theo lạm phát tăng 5% trên cơ sở năm trong tháng 2, theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ.

“Sức mạnh bất ngờ của tiêu dùng đồng nghĩa sẽ không có bất kỳ sự vội vã nào trong việc cắt giảm lãi suất”, nhà kinh tế Paul Ashworth của Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics nhận định.

Về phần châu Âu, tăng trưởng kinh tế đã ngưng trệ kể từ cuối năm 2022, nhưng các cuộc khảo sát kinh doanh gần đây cho thấy triển vọng đang sáng lên. Cùng với đó, thị trường việc làm sôi động cả hai bên bờ Đại Tây Dương và tăng trưởng tiền lương giữ ở mức cao - một dấu hiệu cho thấy sự thắt chặt của nguồn cung lao động. Tiền lương là một yếu tố đầu vào quan trọng của lạm phát giá dịch vụ ở khu vực Eurozone - chỉ số duy trì ở mức 4% hàng năm suốt từ tháng 11 năm ngoái đến nay chưa hạ nhiệt.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2024 phát hành ngày 08/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Chặng cuối gian nan của cuộc chiến chống lạm phát - Ảnh 1