23:27 10/07/2022

Ngăn hệ lụy từ giá xăng dầu tăng: Cắt giảm thuế đồng loạt hay hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt?

Ánh Tuyết

Dù còn nhiều tranh cãi nên hỗ trợ kiểu “ném cát bụi tre" bằng việc cắt giảm thuế xăng dầu đồng loạt để mọi người dân cùng hưởng lợi hay hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt như một số quốc gia khác đã làm, tuy nhiên, các chuyên gia đều cho rằng “nút thắt” lớn nhất phải gỡ cuối năm là phải bằng mọi cách hạ nhiệt giá xăng dầu...

Giá xăng dầu trong nước tăng kỷ lục trên 50% so với cùng kỳ khiến nhiều ngành nghề còn mang nặng “di chứng” mang tên Covid-19, nay lại quay cuồng vì “bão” giá.
Giá xăng dầu trong nước tăng kỷ lục trên 50% so với cùng kỳ khiến nhiều ngành nghề còn mang nặng “di chứng” mang tên Covid-19, nay lại quay cuồng vì “bão” giá.

Xăng dầu đang kích hoạt lạm phát vòng 1 gây tăng giá cước vận tải. Chi phí xăng dầu chiếm đến 35-40% chi phí của doanh nghiệp vận tải, vì vậy  giá xăng dầu tăng cao gây áp lực rất lớn đến chi phí vận hành trực tiếp tại doanh nghiệp. Một khi xăng dầu tăng giá, tăng liên tiếp, với biên độ mạnh trong một thời gian ngắn, trước hết sẽ tác động tức thì lên giá thành vận chuyển của các doanh nghiệp vận tải.

KHÔNG NGÀNH NGHỀ NÀO THOÁT KHỎI VÒNG XOÁY "BÃO" GIÁ

“Anh cả” ngành hàng không Vietnam Airlines lỗ lũy kế gần 1 tỷ USD và luôn đối mặt với tình trạng âm vốn chủ sở hữu khiến “án treo” hủy niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn thường trực. Nhiều doanh nghiệp non trẻ trong ngành như Vietravel Airlines, Bamboo Airways chìm trong thua lỗ với mảng kinh doanh cốt lõi, tưởng chừng không gượng dậy được.

Tuy nhiên,  khi thị trường mới hồi phục, giá nhiên liệu lại tăng chóng mặt “ăn mòn” lợi nhuận của các hãng. Không còn cách nào khác, giá vé máy bay tăng “nóng” từng ngày. Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không dù tăng 13,38% (theo Tổng cục Thống kê), nhưng các hãng vẫn chìm sâu trong thua lỗ. Trước tình hình trên, loạt hãng bay đề nghị “phá trần” khung giá vé máy bay nội địa.

Cùng với đó, một số đơn vị vận tải đường bộ tuy “cắn răng” chịu lỗ chưa tăng giá cước để đảm bảo hoạt động bình thường thời gian đầu, nhưng đến nay 90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định phải điều chỉnh tăng giá cước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá cước vận tải bằng đường bộ tăng 3,02%; taxi tăng 2,91%; đường sắt tăng 2,67%...

Chưa dừng lại ở đó, vận tải là “huyết mạch” của nền kinh tế bởi sự ảnh hưởng dây chuyền đến giá cả nhiều loại hàng hóa khác khiến vòng xoáy tăng giá lan dần, gây tăng giá lương thực thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng. Nguy hiểm hơn là đẩy Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng cao trong tất cả các ngành kinh tế.

 

Tác động vòng 2, vòng 3 của tăng giá xăng dầu đã hiển hiện. Tính chung cả nước, đến thời điểm hiện nay, tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%, vì giá xăng dầu cao không đủ bù đắp chi phí. Khi đó, sản lượng thủy hải sản sẽ ít dần đi, đẩy giá mặt hàng này tăng lên và người tiêu dùng đang "teo tóp" túi tiền nay thêm muôn phần vất vả.

Hay với những cơ sở mầm non tư thục “chật vật” cầm cự không phải rao bán, giải thể sau đại dịch Covid-19 nhưng vừa hân hoan đón trẻ trung tuần tháng 4 vừa qua, nhiều trường sớm “méo mặt” vì bão giá.

Cô Vũ Thị Phượng, chủ trường mầm non Ngôi Sao Việt (quận Long Biên, Hà Nội) vừa đưa ra thông báo thu thêm tiền ăn của các bé từ tháng 7 do giá thực phẩm, gas và các mặt hàng tăng cao và mong nhận được sự sẻ chia của phụ huynh.

Dường như không một lĩnh vực sản xuất kinh doanh dịch vụ nào thoát khỏi vòng xoáy "bão" giá. Đây là giai đoạn khó khăn nhất sau hai năm đại dịch vừa qua, các đơn vị còn mang nặng “di chứng” mang tên Covid-19 nay lại quay cuồng vì “bão” giá.

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, chưa 6 tháng đầu năm nào, giá xăng bám sát giá hàng hóa như hiện nay. Giá xăng lên là hàng hóa lên, thậm chí phong thanh nghe giá xăng chuẩn bị lên thì giá đón đầu tăng vọt trước.

Một khi giá cước vận tải hàng hoá, logistics tăng cao do xăng dầu sẽ lập tức khiến giá cả hàng hoá tăng lên nhiều đợt, hình thành mặt bằng giá mới. Biên độ tăng giá thấp nhất từ 5-10% cao có mặt hàng đến 25-30%, thậm chí tăng gấp đôi.

Đáng buồn thay, “trải qua giai đoạn thiếu thốn, vất vả về mặt kinh tế trong đại dịch vừa qua, thu nhập của người nghèo, công nhân, nông dân, người về hưu ở mức độ rất khiêm tốn, thậm chí đi làm còn chưa đủ trang trải hàng ngày cho gia đình”, ông Phú giãi bày. Quyết định tăng lương và thu nhập không đủ bù đắp tình hình trượt giá, những số liệu công bố chính thức của Tổng cục Thống kê thực chất chưa phản ảnh đầy đủ tình hình thực tế.

ƯU TIÊN GỠ "NÚT THẮT" GIÁ XĂNG DẦU

Bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,8%. Giá xăng dầu được điều chỉnh 16 lần, làm cho giá xăng A95 tăng thêm 11.960 đồng/lít, xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít, dầu diesel tăng 13.900 đồng/lít so với hồi đầu năm.

Ngăn hệ lụy từ giá xăng dầu tăng: Cắt giảm thuế đồng loạt hay hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt?  - Ảnh 1

Bên cạnh đó, giá gas trong nước biến động theo giá thế giới, trong 6 tháng đầu năm nay giá gas tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng thêm 0,3%.

Thực tế, Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá lớn vào thị trường xăng dầu, thành phẩm của thế giới do sản xuất trong nước chỉ đảm nhận 70% nhu cầu.

Thừa nhận việc tăng giảm giá theo giá thế giới là điều tất yếu, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng cần tính toán tăng giá mức độ nào, giảm thuế phí bao nhiêu để duy trì sức sống cho doanh nghiệp và người dân.

Ông Vũ Vinh Phú dẫn chứng, Malaysia bỏ toàn bộ thuế phí, trợ giá cho nhân dân và chỉ số giá chỉ tăng hơn 2%, rõ ràng là hình ảnh một đất nước chăm lo đến sức sống doanh nghiệp và người dân.

Trong khi tại Việt Nam, ròng rã nhiều tháng nay, rất nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội đề nghị phải giảm thuế phí với xăng dầu, mà phải giảm nhanh và ngay chứ không phải giảm chậm, giảm “nhỏ giọt”  500 – 1.000 đồng như cách tham mưu của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính vừa qua. Bởi một khi giá cả nhích lên sẽ xuống rất chậm, lên 3 bậc giảm 1 bậc hoặc không xuống.

 

Vì vậy, "6 tháng cuối năm “nút thắt” cần ưu tiên giải quyết chính là giá xăng dầu. Phải giảm đến 80% các loại thuế, gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT. Thậm chí có loại thuế vô lý, đánh đồng với rượu, thuốc lá cần phải bãi bỏ", chuyên gia Vũ Vinh Phú đề xuất.

Cùng với đó, dư luận đòi hỏi các bộ, ngành liên quan cần sớm nhận ra những khó khăn và sớm đưa ra các giải pháp để đề xuất với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội và Quốc hội quyết định sớm, bởi hiện đã là thời điểm giữa năm 2022.

Theo phân tích của ông Phú, lý lẽ của hai bộ liên quan chưa thuyết phục được dư luận khi “cố thủ” giảm nhỏ giọt thuế với xăng dầu. 

Cụ thể, các bộ cho rằng giảm giá xăng dầu sẽ dẫn tới buôn lậu xăng dầu.  Dư luận đặt câu hỏi: vậy lực lượng hàng vạn chiến sĩ công an hải quan biên phòng quản lý thị trường được giao nhiệm vụ này đang làm gì? Không phải chính họ đang tham gia vào việc ngăn chặn buôn lậu xăng dầu trên thị trường đó sao?

Một ý kiến khác là khi giảm thuế phí xăng dầu sẽ khiến Việt Nam hạch toán không đầy đủ giá trị của hàng hóa, nguy cơ bị kiện bán phá giá, trợ cấp có khả năng xảy ra. Ý kiến này cũng không chuẩn xác, bởi hiện nay khi giá xăng tăng cao thì Malaysia và một số nước khác giảm thuế phí thậm chí bằng 0 để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Ở Malaysia xăng bán lẻ hiện nay chỉ tương đương 13.000 đồng/lít, nhưng các nước đó đâu có bị kiện?

Đồng tình quan điểm trên, PGS.TS. Nguyễn Tiến Thuận, Học viện Tài chính, cho rằng “chốt” 6 tháng cuối năm là giá xăng dầu. Theo đó, cần chuẩn bị sẵn các kịch bản với các giải pháp tương ứng theo diễn biến của giá thế giới trong thời gian tới, sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn kết hợp với các công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu.

“Rất nhiều chuyên gia nói rằng giá dầu sẽ ổn định quanh mức 120 USD/thùng nhưng tôi cho rằng giá xăng dầu sẽ còn tăng. Chúng ta cần cảnh giác điều đó”, ông Thuận nhấn mạnh.

Ông Thuận lý giải Mỹ gây sức ép lên Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) phải tăng sản lượng, bù đắp phần của Nga. Tuy nhiên, các quốc gia này cũng muốn phát triển bền vững, giảm khai thác dầu thô và phải giữ vị thế chính trị trên trường quốc tế dù sức mạnh Mỹ không thể phủ nhận.

Cùng với đó, làn sóng trừng phạt liên tục ập đến nhưng các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ sẵn sàng mua dầu giúp Nga vẫn đứng vững. Cộng thêm động thái NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) kết nạp một vài nước ở Bắc Âu lại càng “đổ thêm dầu vào lửa”. Do đó, ông Thuận cho rằng để giá dầu giảm và ổn định rất khó. 

CÓ NÊN HỖ TRỢ BẰNG TIỀN MẶT NHƯ NHIỀU QUỐC GIA?

Tuy nhiên, bàn về vấn đề giảm thuế xăng dầu, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh lại bày tỏ quan điểm thận trọng hơn.

Theo ông Thịnh, hầu hết các quốc gia trên thế giới (98%) đều áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu. Việt Nam hiện cũng tương đối ưu đãi, chỉ áp thuế tiêu thụ đặc biệt mức thấp nhất 10% và chỉ áp dụng với xăng, còn không áp dụng với dầu, dầu đánh thuế 0%.

Trong khi đó, các quốc gia láng giềng như Lào áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 31%, Thái Lan khoảng 30%. Như vậy, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt là hợp lý và theo đúng trào lưu thế giới.

 

"Thay vào đó, phải hỗ trợ đúng người, đúng việc, có thể bằng tiền mặt với những đối tượng chịu ảnh hưởng tiêu cực vì giá xăng dầu tăng, còn việc giảm thuế để hạ thấp giá xăng dầu đồng loạt là không hợp lý bởi sẽ hỗ trợ tràn lan trong khi ngân sách hạn hẹp", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh phân tích.

“Chúng ta nhà nghèo nhưng hỗ trợ kiểu “ném cát bụi tre” ào ào, hạ thấp đồng loạt là không nên”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Vì vậy, tính toán hạ giá xăng dầu kiềm chế lạm phát cần cân đối hợp lý quyền lợi của nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nếu như hỗ trợ đúng người, đúng việc thì vai trò Nhà nước cũng thể hiện mạnh hơn trong quá trình hỗ trợ quá trình hồi phục, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cần hỗ trợ nhanh và kịp thời.

Đồng tình phải hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm nhưng lấy dẫn chứng gói hỗ trợ thuê nhà trọ 6.600 tỷ đồng nhưng giải ngân đạt 1% dù thực hiện từ đầu năm, PGS.TS. Nguyễn Tiến Thuận cho rằng giải ngân ở Việt Nam khá chậm trễ do nhiều thủ tục.

“Nếu điều hành xăng dầu cũng chậm chạp kiểu này thì không có ý nghĩa, do đó phải phản ứng rất nhanh”, ông Thuận nêu quan điểm.

Cùng với đó,  theo vị chuyên gia này, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính cần theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho hoạt động sản xuất và tiêu dùng ở trong nước, giảm bớt sự lệ thuộc và tác động tiêu cực của giá xăng dầu thế giới tăng cao đến sự ổn định và phát triển kinh tế.