Ngành đường sắt thiệt hại gần 200 tỷ đồng do bão lũ
Thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão gây ra cho ngành đường sắt ước tính hơn 200 tỷ đồng, trong đó thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư khoảng 130 tỷ đồng, thiệt hại của doanh nghiệp đường sắt khoảng 48 tỷ đồng...
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có báo cáo về thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão gây ra cho ngành đường sắt.
Theo ước tính đến thời điểm này, tổng thiệt hại của ngành lên tới hơn 200 tỷ đồng. Trong đó, ước tính thiệt hại về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư khoảng 130 tỷ đồng. Các tổn thất được thống kê như: trên 30 vị trí sạt lở đất lấp đường sắt; trên 40 vị trí ngập nước, trôi nền đường, nền đá và hàng trăm vị trí cây, vật kiến trúc đổ vào đường sắt, đường dây thông tin tín hiệu.
Riêng thiệt hại của doanh nghiệp đường sắt khoảng 48 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại về tài sản do doanh nghiệp đầu tư 20 tỷ đồng khi 17 đầu máy cùng nhiều phương tiện thiết bị ngập nước; nhiều khu nhà cung cầu, cung đường, lưu trú, trụ sở làm việc bị tốc mái, đổ tường rào...
Ngoài ra, thiệt hại doanh thu vận tải khách gần 5 tỷ đồng, chủ yếu là do tàu khách bị ách tắc dọc đường nhiều giờ vì bão, đường sắt phải chi kinh phí phục vụ hành khách suất ăn, nước uống miễn phí...
Do ảnh hưởng bão số 3 và mưa lũ kéo dài trên các tỉnh phía Bắc, từ ngày 7-14/9, ngành đường sắt đã bãi bỏ trên 22 chuyến tàu hàng, trên 54 chuyến tàu khách, ước tính thiệt hại doanh thu 28 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo này, thiệt hại nặng nhất của ngành đường sắt là vận tải hàng hóa. Từ ngày 8-13/9, ngành đường sắt dừng toàn bộ tàu hàng do sạt đường, nước lũ lên. Đồng thời phong tỏa khu gian trên các tuyến Lào Cai - Hà Nội, tuyến Hà Nội - Đồng Đăng, Quán Triều. Do đó, gần 20 chuyến tàu chuyên tuyến Bắc - Nam giữa ga Yên Viên - ga Sóng Thần phải dừng chạy, khiến ngành đường sắt thiệt hại khoảng 17 tỷ doanh thu vận tải (bao gồm cả vận tải khách và vận tải hàng).
Để chủ động ứng phó, khắc phục sự cố do bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão gây ra, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông vận tải, yêu cầu các đơn vị chủ động bố trí nhân lực trực, chốt gác tại các điểm xung yếu để khắc phục sự cố ngập lụt, sạt lở đất và tháo dỡ thiết bị đưa đến nơi an toàn, cứu chữa, thông tàu...
Nhằm sớm khôi phục trạng thái kết cấu hạ tầng đường sắt và ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và có ý kiến với các bộ liên quan quan tâm bố trí kinh phí cho công tác sửa chữa, khắc phục; xem xét áp dụng chính sách giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt cho các năm tiếp theo và có các chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Song song với việc khắc phục sau bão lũ, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã hỗ trợ 887 người lao động bị thiệt hại tài sản với tổng mức hỗ trợ khoảng 29 tỷ đồng. Những chuyển tàu miễn phí của tình nguyện viên từ Huế đến Hải Phòng và ngược lại với hơn 620 tấn hàng hoá nhu yếu phẩm, nước, thuốc men, quần áo, sách vở, dụng cụ thiết bị y tế... từ các ga Sóng Thần, Nha Trang đi các ga Giáp Bát và dự kiến đến ga Yên Bái, Lào Cai...