Ngành giáo dục đang thừa 5.175 giáo viên tiểu học nhưng thiếu 48.718 giáo viên mầm non
Theo thống kê thì hiện nay, ngành giáo dục đang thừa 10.178 giáo viên, trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT. Nhưng lại thiếu 94.714 giáo viên mà cụ thể: thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT…
Sáng 25/2, Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo viên mầm non, phổ thông và vấn đề dạy học trong bối cảnh Covid-19.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: căn cứ quy định về định mức số giáo viên/lớp, số lượng giáo viên của các cấp học mầm non, phổ thông thì hiện nay, ngành giáo dục thừa 10.178 giáo viên. Trong đó thừa 5.175 giáo viên tiểu học, 4.688 giáo viên THCS, 315 giáo viên THPT. Nhưng đồng thời thiếu 94.714 giáo viên mà cụ thể: thiếu 48.718 giáo viên mầm non, 20.210 giáo viên tiểu học, 14.653 giáo viên THCS, 11.133 giáo viên THPT.
Theo Thứ trưởng, tình trạng thừa, thiếu giáo viên đang xảy ra cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như ngữ văn, toán… song lại thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như tin học, tiếng Anh, nghệ thuật...
Lý giải nguyên nhân thừa giáo viên, đại diện Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết là do việc bố trí và điều động, phân công giáo viên chưa sát với nhu cầu thực tế của từng trường, từng địa phương đặc biệt là ở cấp huyện. Nhiều địa phương chưa có sự chỉ đạo thống nhất của chính quyền cấp tỉnh/thành phố đối với việc điều chuyển giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu trong phạm vi toàn tỉnh, cũng như chưa giải quyết tốt vấn đề điều chuyển giáo viên dẫn đến tình trạng dư thừa cục bộ ở một số cơ sở giáo dục. Việc dồn dịch, sáp nhập trường lớp theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII vẫn chưa thực hiện triệt để.
Đối với cấp THCS và THPT, do cơ cấu giáo viên phải bố trí theo từng môn học cũng đã dẫn đến tình trạng dư thừa giáo viên ở một số môn, nhất là đối với các tỉnh vùng khó khăn, các trường có quy mô nhỏ, số lớp ít.
Đối với việc thiếu giáo viên, theo Thứ trưởng: dân số hàng năm tăng và thêm vào đó ở các thành phố lớn, khu công nghiệp cùng các tỉnh Tây Nguyên thì di dân tự do đã dẫn đến tình trạng này. Mặt khác huy động trẻ mầm non, học sinh phổ thông ra lớp nhằm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS cũng là nguyên phải kể đến.
Đặc biệt hiện nay công tác quy hoạch, dự báo nhu cầu về giáo viên của các địa phương chưa thực sự sát với thực tế hoặc chưa kịp thời.
Cùng với đó, Thứ trưởng còn cho rằng: những năm qua, hầu hết các địa phương không giao bổ sung biên chế giáo viên trong khi vẫn phải thực hiện 10% tinh giản biên chế giữa bối cảnh quy mô học sinh tăng. Việc phối hợp giữa các cơ quan liên quan và ngành giáo dục ở một số địa phương khi tuyển dụng, bố trí, sắp xếp giáo viên thiếu chặt chẽ, thống nhất.
Chưa kể chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thêm một số môn học và hoạt động giáo dục mới nên thiếu toàn bộ giáo viên để dạy các môn học này.
Thứ trưởng nói: “Các quy định về định mức học sinh/lớp và các định mức giáo viên/lớp của các bậc học đang thực hiện còn có những bất hợp lý cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, vùng, miền và phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Đáng chú ý, một số địa phương thiếu nguồn tuyển giáo viên do chưa chủ động đặt hàng với cơ sở đào tạo; thông tin tuyển sinh chưa đầy đủ; chưa có chính sách thu hút trong tuyển dụng… nên dẫn tới thiếu nguồn khi tổ chức tuyển dụng.
Trên cơ sở phân tích nguyên nhân của việc thừa, thiếu giáo viên, Thứ trưởng cho biết, Bộ Giáo dục & Đào tạo đề xuất một số giải pháp để giải quyết tình trạng này. Trong đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, bổ sung khoảng 94.000 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông.
Đồng thời chỉnh sửa định mức giáo viên/lớp được quy định tại Thông tư liên tịch số 06, Thông tư số 16 cho phù hợp với việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và điều kiện thực tế của từng vùng, miền...
Ngoài ra, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đề nghị UBND các tỉnh/thành phố xem xét tiếp tục hợp đồng, thỉnh giảng đối với những giáo viên đã đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.
Về lương giáo viên, hiện Bộ Giáo dục & Đào tạo đang tiếp tục phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng chính sách tiền lương mới; trong đó lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc và đặc thù nghề nghiệp và không thấp hơn mức lương hiện hưởng, mặc dù trong xây dựng chính sách tiền lương mới, nhà giáo không có bảng lương riêng và phụ cấp thâm niên như hiện nay.
Mặt khác có chính sách cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho cán bộ, giáo viên cống hiến và gắn bó với nghề.