09:46 08/12/2008

Ngành giấy lao đao: Cứu nguy cách nào?

Nguyễn Mạnh

Trong vòng 20 năm qua, chưa bao giờ ngành giấy lại rơi vào tình cảnh "ngồi trên đống lửa" như hiện nay

Từ đầu tháng 9/2008 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước phải cắt giảm sản lượng từ 20 - 40%.
Từ đầu tháng 9/2008 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước phải cắt giảm sản lượng từ 20 - 40%.
Trong vòng 20 năm qua, chưa bao giờ ngành giấy lại rơi vào tình cảnh "ngồi trên đống lửa" như hiện nay.

Tính đến đầu tháng 12/2008 lượng tồn kho của toàn ngành đã lên tới 140 nghìn tấn. Theo ước tính của các doanh nghiệp sản xuất giấy vừa và nhỏ, trong năm nay, mỗi doanh nghiệp lỗ từ 1-3 tỷ đồng là điều khó  tránh khỏi.

Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, từ đầu tháng 9/2008 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất giấy trong nước phải cắt giảm sản lượng từ 20 - 40%. Tuy nhiên, lượng giấy nhập khẩu ngày càng tăng với giá bán rất cạnh tranh làm cho việc tiêu thụ giấy sản xuất trong nước giảm sút nghiêm trọng.

Chồng chất khó khăn

Những tháng đầu năm 2008, ngành giấy gặp không ít khó khăn nhưng các doanh nghiệp giấy trong nước, đi đầu là Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Mai đã thực hiện việc kiềm chế giá bán trong suốt nửa đầu năm dù giá bán giấy sản xuất trong nước thấp hơn giấy nhập khẩu 2-3 triệu đồng/tấn.

Mặt khác, cũng ở thời điểm đó, ngành giấy đã chủ động đề nghị giảm thuế nhập khẩu giấy in viết và giấy in báo có xuất xứ từ các nước ASEAN xuống 5% để hỗ trợ người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bắt đầu từ giữa năm 2008 trở lại đây, khủng hoảng kinh tế thế giới ngày càng trầm trọng đã khiến cho nhiều nhà máy bột giấy và giấy trên thế giới phải đóng cửa. Giá bột giấy và giá giấy giảm nhanh và liên tục. Lượng bột và giấy tồn kho ở đỉnh cao.

Theo FOEX Indexes (công ty chuyên cung cấp các thông tin về chỉ số giá, thị trường giấy và bột giấy châu Âu), giá bột gỗ mềm NBSK tính đến ngày 18/11/2008 còn 738,81 USD/tấn, giảm 132,35% so với hồi đầu năm, giá bột BHKP còn 699,13 USD/tấn, giảm 79% so với hồi đầu năm.

Giá các loại giấy trên thế giới cũng giảm mạnh. Giá giấy in viết hiện ở mức 496,59 Euro/tấn, giảm 37% so với hồi đầu năm. Giá giấy Kraftliner ở mức 486,45 Euro/tấn, giảm 37,4%. Giá giấy Kraft một mặt trắng ở mức 694,3 Euro/tấn, giảm 21,5%.

Các loại giấy làm lớp sóng đều giảm mạnh, chỉ quanh mức 360 - 390 EUR/tấn, giảm 70 - 94% so với hồi đầu năm. Giấy hòm hộp các tông cũ còn 54 Euro/tấn, giảm 40% so với đầu năm. Ở khu vực Bắc Mỹ, nhiều nhà máy và dây chuyền phải ngừng sản xuất trong năm nay.

Tại Việt Nam tình hình cũng không sáng sủa hơn. Sau khi đạt đỉnh cao trong tháng 7/2008, sản xuất giấy trong nước đã giảm sút nhanh chóng, so với tháng 7, sản xuất giấy từ tháng 8 đến tháng 11 bằng lần lượt là 90%, 69%, 55% và 31% và dự báo sản xuất tháng 12 chỉ bằng 26% so với tháng 7/2008.

Như vậy, sản xuất tháng 12/2008 chỉ bằng 25% khả năng sản xuất, tương ứng với 22.500 lao động sẽ mất việc làm.

Trong khi, sản xuất rơi vào tình cảnh "xuống dốc không phanh", thì lượng giấy tồn kho trong nước lại tăng lên nhanh chóng, từ 2.000 tấn trong tháng 8/2008 đã tăng lên đến 140.000 vào đầu tháng 12.

Không những thế, lượng giấy sản xuất trong nước không ngừng sụt giảm thì giấy nhập khẩu lại tăng mạnh, nhất là giấy in báo. Tỷ lệ giấy in báo nhập khẩu so với giấy sản xuất trong nước từ tháng 7 đến tháng 11/2008 lần lượt là 25%, 42%, 47%, 56%, 75% và tháng 12 dự báo là 86%.

Nhiều nhà máy đã phải đóng cửa tạm thời hoặc vĩnh viễn.

Trước tình hình này hầu hết các dự án đầu tư sản xuất bột giấy và giấy đã tuyên bố dừng, mà không cho biết thời gian khởi động lại, ngoại trừ Nhà máy Bột giấy An Hòa và Nhà máy Giấy Kraft Vina (Thái Lan) vẫn triển khai nhưng sẽ không hoàn thành đúng kế hoạch.
Ngành giấy lao đao: Cứu nguy cách nào? - Ảnh 1
Tháo gỡ khó khăn

Theo dự báo của VPPA, với tình hình như hiện nay, bước sang năm 2009 sản xuất giấy trong nước vẫn tiếp tục gặp khó khăn, giấy nhập khẩu sẽ lấn át giấy sản xuất trong nước. Và cũng trong thời điểm này, các chuyên gia phân tích không đủ dũng cảm đưa ra dự báo.

Nhưng chắc chắn nếu không có giải pháp, nguy cơ sụp đổ của ngành sản xuất giấy là rất lớn.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình hình khó khăn trên là do xuất khẩu giảm, các doanh nghiệp, người tiêu dùng kiềm chế chi tiêu và do chính sách thuế nhập khẩu giấy vừa qua thể hiện trong hai quyết định của Bộ Tài chính: Quyết định số 71/2008/QĐ-BTC ngày 01/09/2008 và Quyết định số 73 ngày 5/9/2009 về việc sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có một số chủng loại giấy.

Theo đó, giấy in báo dạng cuộn hoặc tờ định lượng không quá 55g/m2 áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu mới là 20% (quy định hiện hành là 32%); Giấy và các tông sản xuất thủ công giảm từ 32% xuống 20%... các loại khác nằm trong nhóm 4801 và 4802 vẫn được giữ nguyên mức thuế suất 5%, 20%, 32% như giấy làm nền sản xuất giấy carbon và nhôm...

Tuy nhiên, từ khi có quyết định về thuế nhập khẩu giấy như đã nói trên, giấy từ Trung Quốc (nơi có lượng giấy tồn đọng lớn nhất thế giới) đã vào Việt Nam qua hai ngả thẳng từ Trung Quốc và từ các cơ sở sản xuất ở các nước ASEAN, giấy từ các nước khác.

Giải pháp của Hiệp hội

Trước tình hình trên, VPPA đã kiến nghị Chính phủ và các bộ các giải pháp sau.

Thứ nhất, tăng thuế nhập khẩu giấy in viết từ 0 lên 5% và giấy in báo từ 3% lên 5% đối với các loại giấy in viết và giấy in báo xuất xứ từ các nước ASEAN (Quyết định 73/2008/QĐ-BTC ngày 05/09/2009).

Thứ hai, đề nghị điều chỉnh lại toàn bộ mã hàng trong Quyết định số 71/2008/QĐ-BTC với mức thuế suất nhập khẩu chỉ giảm so với thuế suất nhập khẩu theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC là 1-3% áp dụng trong năm 2009 theo đúng các nguyên tắc mà Bộ Tài chính nêu ra.

Thứ ba, các mặt hàng giấy khác điều chỉnh giảm 1-3% theo đúng lộ trình đã cam kết so với thuế suất nhập khẩu theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC.

Thứ tư, giảm thuế giá trị gia tăng đối với bột giấy và giấy các loại từ 10% xuống 5%, riêng giấy in báo từ 5% xuống 0%.

Thứ năm, áp dụng thuế giá trị gia tăng là 0% đối với giấy loại thu gom trong nước và có chính sách khuyến khích thu gom giấy và tái chế giấy.

Ngoài ra, nên áp dụng giá than cho hộ giấy đối với tất cả các doanh nghiệp sản xuất bột giấy và giấy để hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất giấy trong giai đoạn khó khăn này; áp dụng giá bán than cho sản xuất điện đối với Giấy Bãi Bằng vì tại đó có nhà máy điện đang phát điện tự dùng và bán lên lưới quốc gia với công suất 28 MW; lùi thời điểm tăng giá than sang quý 2/2009.