08:45 18/01/2024

Ngành khách sạn mở rộng dịch vụ chăm sóc giấc ngủ cho du khách

Tường Bách

Sự thay đổi trong nhận thức về sức khỏe của con người và tác động từ đại dịch đã khiến “du lịch ngủ” (sleep tourism) dần trở nên phổ biến. Xu hướng này từng bùng nổ vào năm 2023 và ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt...

Ảnh: The Travel
Ảnh: The Travel

Nhiều chuyên gia dự đoán du lịch ngủ sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2024. Công ty nghiên cứu thị trường HTF Market Intelligence ước tính loại hình này sẽ tăng trưởng với tốc độ khoảng 8% mỗi năm, mang về doanh thu 400 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2023 đến 2028. Theo Google Trends, lượng tìm kiếm thông tin "làm sao để ngủ ngon" trên toàn cầu năm nay "nhiều hơn bao giờ hết", dẫn tới việc nhiều du khách ưu tiên chọn những cơ sở lưu trú đem lại cảm giác thoải mái để có giấc ngủ ngon.

Bà Rebecca Robbins, nhà khoa học về giấc ngủ tại khoa y thuộc Đại học Harvard (Mỹ), cho biết: “Du khách ngày càng coi trọng giấc ngủ khi đi du lịch và giấc ngủ ngon trên đường đi”. Thêm vào đó, bà Robbins còn cho biết cứ 3 người lớn thì có 1 người không ngủ đủ số giờ được khuyến nghị mỗi đêm (từ 7 - 9 tiếng), khiến họ rơi vào tình trạng không tỉnh táo và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần.

Theo CNN, ngày càng nhiều các khách sạn "nỗ lực hết sức để giúp du khách có được giấc ngủ ngon", cung cấp các dịch vụ như giường thông minh, ga trải giường sang trọng, rèm cản sáng cùng các bài trị liệu chăm sóc sức khỏe. Ông Amanda Al-Masri, phó chủ tịch bộ phận chăm sóc sức khỏe của chuỗi khách sạn Hilton, cho biết một số cơ sở của chuỗi đang triển khai loại phòng cung cấp nệm có khả năng điều chỉnh nhiệt độ, cũng như cài đặt ánh sáng mờ giúp khách hàng dễ đi vào giấc ngủ hơn.

Ngày càng nhiều các khách sạn nỗ lực hết sức để giúp du khách có được giấc ngủ ngon.
Ngày càng nhiều các khách sạn nỗ lực hết sức để giúp du khách có được giấc ngủ ngon.

Thương hiệu khách sạn Rome Cavalieri và Waldorf Astoria cho khách hàng lựa chọn loại gối ngủ phù hợp với họ. Conrad Bali đưa ra gói trải nghiệm SWAY, một buổi trị liệu giấc ngủ kéo dài 60 phút bằng võng kén. Khách sạn Park Hyatt (thành phố New York, Mỹ) cho ra mắt Bryte Restorative Sleep Suite - một căn phòng rộng 900m2 với giường thông minh do AI quản lý. Trong phòng còn có máy khuếch tán tinh dầu và sách liên quan đến việc cải thiện giấc ngủ.

Khách sạn Benjamin Royal (thành phố New York, Mỹ) bán gói chương trình Rest & Renew, đem đến du khách bộ dụng cụ hỗ trợ giấc ngủ gồm mặt nạ, danh sách nhạc, máy tạo tiếng ồn trắng và 10 loại gối khác nhau. Chuỗi khách sạn Six Senses có mặt tại nhiều quốc gia như Hy Lạp, Ấn Độ và cả Việt Nam cũng thực hiện chương trình cải thiện giấc ngủ cho khách, bằng cách sử dụng máy theo dõi giấc ngủ và thuê bác sĩ tư vấn...

Với những du khách thích nghỉ ngơi hoàn toàn, hai khách sạn Zedwell ở London (Anh) là lựa chọn hoàn hảo. Nơi đây có các căn phòng không có "thứ gây xao lãng" như tivi, điện thoại bàn và thậm chí cả cửa sổ. Các phòng đều được cách âm tốt, không khí trong lành. Trong khi đó, khách sạn Cadogan cũng tại Londonđã hợp tác với chuyên gia về giấc ngủ kiêm nhà trị liệu thôi miên Malminder Gill để cho ra đời dịch vụ "Hướng dẫn về giấc ngủ" đi kèm thiền định. Du khách sẽ được cung cấp các bộ gối và chăn có trọng lượng phù hợp, thậm chí có thể đặt một buổi trị liệu cùng Gill để hỗ trợ giấc ngủ.

Du khách thậm chí có thể đặt các buổi trị liệu để hỗ trợ giấc ngủ.
Du khách thậm chí có thể đặt các buổi trị liệu để hỗ trợ giấc ngủ.

Tại châu Á, một khách sạn “con nhộng” sắp khai trương tại Nhật Bản sẽ theo dõi nhịp tim, hơi thở và các dữ liệu khác để đánh giá chất lượng giấc ngủ của khách. Tập đoàn công nghệ NTT Data của Nhật dự kiến khai trương khách sạn này vào tháng 7/2024 gần ga Shinagawa tại Tokyo, với sức chứa lên đến 70 khách, theo Nikkei Asia. Khách sạn NTT Data sẽ thu thập dữ liệu bằng camera hồng ngoại, micro và cảm biến chuyển động cơ thể được lắp đặt trong mỗi khoang ngủ.

Hệ thống sẽ xác định thời điểm khách ngủ, thức dậy và lật người, đồng thời đo nhịp tim, nhịp thở và tiếng ngáy. Các khoang ngủ cũng sử dụng cảm biến nhiệt độ cơ thể cốt lõi được phát triển bởi Phòng thí nghiệm NTT. Dữ liệu cá nhân sẽ được phân tích bằng trí tuệ nhân tạo và gửi cho khách dưới dạng báo cáo bao gồm xu hướng giấc ngủ và đề xuất cải thiện. Nếu cần điều trị, hệ thống sẽ giới thiệu các bệnh viện hợp tác.

Theo một khảo sát trong nghiên cứu do OnePoll và Hotels.com cùng Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia Mỹ phối hợp thực hiện vừa công bố mới đây, khách sạn là nơi giúp người Mỹ dễ đi vào giấc ngủ nhất với khoảng 3 trong 4 người (75%) cho biết họ cảm thấy yên tĩnh hơn khi ngủ một đêm trong khách sạn so với ở nhà. 35% số người làm khảo sát cho biết họ ngủ ngon hơn tại khách sạn vì ít tiếng ồn làm phiền hơn, 35% khác cho rằng họ ngủ ngon giấc hơn tại khách sạn vì có thể gác lại những bộn bề, âu lo và trách nhiệm của bản thân ở nhà...

Melanie Fish, chuyên gia về du lịch tại khách sạn của Hotels.com, cho biết “Chất lượng của chăn ga gối cũng là lý do mọi người lại ngủ ngon khi tới khách sạn”. Theo Fish, các khách sạn tham gia Hotels.com được khuyến khích luôn đưa ra cách làm mới để giúp khách lưu trú có giấc ngủ tốt hơn nữa. Một vài khách sạn trang bị các máy tạo tiếng ồn trắng, trong khi số khác thiết kế menu với lời khuyên lựa chọn loại gối phù hợp cho khách lưu trú.

Chất lượng của chăn ga gối cũng là lý do mọi người lại ngủ ngon khi tới khách sạn.
Chất lượng của chăn ga gối cũng là lý do mọi người lại ngủ ngon khi tới khách sạn.

Một phát hiện thú vị trong khảo sát là 80% số người được hỏi trả lời họ sẵn sàng đổi 10 giờ đi ngủ mỗi ngày tại nhà để có một đêm thư giãn tại khách sạn 5 sao. “Chúng tôi nhận thức rõ có một giấc ngủ ngon rất quan trọng, nhưng khảo sát này cho thấy sự xa xỉ có thể đáng để đổi lấy giấc ngủ,” Fish cho biết.

Thị trường toàn cầu về “công nghệ giấc ngủ” bao gồm cả đồng hồ thông minh ước tính​ đạt 95 tỷ USD vào năm 2032, theo báo cáo của công ty nghiên cứu Global Market Insights của Mỹ. Trong đó, các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ nổi lên như một ngành phát triển mạnh và nhanh chóng. Vào năm 2021, thị trường hỗ trợ giấc ngủ toàn cầu được định giá 64,08 tỷ USD, với mức tăng trưởng đáng kinh ngạc là 7,1% dự kiến vào năm 2030. Do đó, nhiều chuyên gia trong ngành lưu ý rằng “du lịch ngủ” sẽ xuất hiện như một cơn gió nhẹ thổi vào xã hội hiện đại.

Mặc dù phần lớn các cơ sở tập trung vào giấc ngủ và trải nghiệm có xu hướng nằm trong lĩnh vực du lịch sang trọng, các chuyên gia tin rằng tất cả các khách sạn và khu nghỉ dưỡng nên ưu tiên điều này. Bà Rebecca Robbins nói: “Khi xu hướng du lịch để cải thiện giấc ngủ ngày càng phát triển, chúng ta hy vọng du khách có thể trở về nhà trong trạng thái tươi tỉnh và phục hồi năng lượng một cách tốt nhất”.