06:39 05/12/2012

“Ngày đen tối” của chứng khoán Việt Nam 2012

Anh Minh

Đánh giá của TS. Edmund Malesky về dấu mốc 20/8/2012 với thị trường chứng khoán Việt Nam

<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">Diễn biến trên HNX sáng 21/8. Không riêng gì HNX, cả hai sàn buổi sáng hôm đó đều gần như tê liệt về thanh khoản về cuối buổi sáng.</span>
<span id="div" class="fl w100 mt10 span-detailimages relative">Diễn biến trên HNX sáng 21/8. Không riêng gì HNX, cả hai sàn buổi sáng hôm đó đều gần như tê liệt về thanh khoản về cuối buổi sáng.</span>
Lịch sử phát triển của các thị trường chứng khoán trên thế giới từng chứng kiến những ngày được gọi là “ngày đen tối”.

Trong đánh giá của TS. Edmund Malesky, một chuyên gia Mỹ am tường về môi trường đầu tư và kinh doanh của Việt Nam, 20/8/2012 có thể được coi là một ngày như vậy với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Ông Edmund Malesky, từng có nhiều năm làm việc trong các dự án nghiên cứu về kinh tế Việt Nam và thường được gọi thân mật là Eddy, nói năm 2012 là "một khoảng thời gian nhiều xáo trộn với cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tại Việt Nam, vì quốc gia đã phải vật lộn để đối phó với hậu quả của khủng hoảng tài chính toàn cầu và với những khó khăn nội tại của mình".

Từ thực tế đó, một nghiên cứu đã được tiến hành trên cơ sở kết quả điều tra của dự án chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), với một dấu mốc quan trọng là 20/8/2012, ngày diễn ra vụ bắt giữ một cựu phó chủ tịch của ngân hàng ACB. Trong phiên giao dịch sáng hôm sau, chỉ số VN-Index đã giảm 4,7% xuống còn 416,84 điểm, đảo ngược lại xu hướng tăng điểm của tuần trước đó. 

Nghiên cứu cho rằng ngày 20/8 đã “tạo ra một bước ngoặt quan trọng” cho thị trường. Bằng các kỹ thuật phân tích, nhóm nghiên cứu của Edmund Malesky nhìn nhận đây chính là ngày mà "niềm tin kinh doanh giảm mạnh". "Đây là sự suy giảm thị trường chứng khoán duy nhất lớn hơn khoảng suy giảm các nhà đầu tư đã ước tính căn cứ trên xu hướng được quan sát trước đó trong mùa hè. Hay nói cách khác, ngày 20/8 là một cú sốc lớn không được dự báo trước đối với tâm lý nhà đầu tư", Edmund Malesky nhận xét.
 
Các kết quả nghiên cứu cũng cho thấy niềm tin nhà đầu tư giảm nhẹ vào đầu hè, sau đó tăng nhẹ rồi lao dốc sau ngày 20/8 trước khi quay trở lại với xu hướng giảm dần. So sánh giai đoạn trước và sau mốc 20/8, có thể thấy niềm tin doanh nghiệp giảm 22 điểm phần trăm đối với doanh nghiệp FDI, một khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê.

Ngày 20/8 không chỉ đơn giản đánh dấu một phiên sụt giảm lớn của thị trường chứng khoán, nó thực sự tác động đến cảm nhận của từng doanh nghiệp. Cảm nhận của doanh nghiệp FDI là sự kiện này là "một tín hiệu báo trước rủi ro sẽ tăng lên. Nhà đầu tư coi vụ bắt giữ các lãnh đạo ACB như dấu hiệu Chính phủ đang tăng cường xử lý tham nhũng", và "có vẻ như vụ bắt giữ đã khiến cho vấn đề tham nhũng trở nên nhạy cảm hơn rất nhiều", nhóm nghiên cứu nhận xét.

Một dẫn chứng là, trước vụ bắt giữ, có 23% doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thừa nhận trả phí không chính thức khi đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, sau thời điểm này, độ chênh ở cả hai nhóm đều không còn.

Kết quả này càng đáng ngạc nhiên hơn khi mà trong quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu đã cố gắng tránh cho các nhà đầu tư không phải thừa nhận đã từng chi trả hoa hồng hoặc chi phí không chính thức.

Theo nhóm nghiên cứu, hiện tượng trả lời né tránh sau ngày 20/8 thể hiện ở việc số doanh nghiệp không trả lời câu hỏi về việc trả phí không chính thức để giúp tạo dựng mối quan hệ (“thu nhập ngầm”) đã tăng gần gấp đôi, từ 32% lên 58% trong hai khoảng thời gian trước và sau mốc này. Các nhà đầu tư đã trở nên e dè hơn khi trả lời những câu hỏi trước đó vốn được coi là bình thường, có lẽ để "tránh phiền phức", báo cáo nghiên cứu đưa ra nhận định.