Nghệ An chi hơn 4.500 tỷ đồng cho dự án phát triển hạ tầng đô thị thành phố Vinh
UBND tỉnh Nghệ An vừa phê duyệt dự án hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, với tổng mức đầu tư là hơn 4.500 tỷ đồng...
Theo Quyết định số 283/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An, dự án "Hạ tầng ưu tiên và phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An" do UBND thành phố Vinh làm chủ đầu tư. Dự án hướng tới mục tiêu giảm thiểu rủi ro ngập úng tại khu vực đô thị chính và tăng cường khả năng quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu của TP.Vinh.
Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng tích hợp và phát triển khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của thành phố Vinh, góp phần phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện cho thành phố Vinh và tỉnh Nghệ An.
Theo đó, dự án sẽ giảm ngập lụt và thích ứng với biến đổi khí hậu cho thành phố thông qua các hoạt động cải tạo và nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước. Cải thiện điều kiện môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc cải tạo và nâng cấp sông Vinh và hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Xây dựng một số tuyến đường kết nối nhằm thúc đẩy kết nối giữa khu vực trung tâm với các khu vực đang phát triển và cơ sở hạ tầng còn yếu kém, tạo động lực để thành phố phát triển. Tăng cường không gian xanh cho thành phố thông qua việc xây dựng các hạ tầng không gian công cộng, thông qua việc cải tạo sông Vinh, xây dựng hồ Hưng Hòa 2 cùng hạ tầng công viên. Nâng cao năng lực quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, kiểm soát ngập lụt tích hợp và chủ động cho thành phố Vinh.
Tổng diện tích đất sử dụng cho dự án khoảng 208 ha. Dự án này gồm 4 hợp phần. Cụ thể, Hợp phần 1 là: Đầu tư tích hợp thoát nước, vệ sinh môi trường và kết nối; Hợp phần 2: Mở rộng dung tích chứa để giảm lụt ngập đô thị; Hợp phần 3: Nâng cấp và cải tạo sông Vinh; Hợp phần 4: Phát triển hệ thống và năng lực để cải thiện đô thị thích ứng.
Đây là loại dự án hạ tầng kỹ thuật nhóm A; công trình chính thuộc cấp 1; thời hạn sử dụng theo thiết kế là 50 năm đối với công trình xây dựng kết cấu bê tông cốt thép.
Về nguồn vốn đầu tư dự án, gồm vốn vay Ngân hàng Thế giới là 129,6 triệu USD (tương đương 3.000 tỷ đồng); vốn đối ứng: 1.502 tỷ đồng (tương đương 64,9 triệu USD). Tổng vốn đầu tư dự án là 4.502 tỷ đồng, tương đương 194,5 triệu USD. UBND thành phố Vinh chịu trách nhiệm bố trí vốn đối ứng từ nguồn ngân sách thành phố Vinh (theo Nghị quyết số 02/2021/NQ-HĐND ngày 15/4/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội TP.Vinh giai đoạn 2021-2025). Quyết định số 283/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An cũng nêu rõ tiến độ thực hiện dự án là 6 năm kể từ thời điểm dự án được cấp có thẩm quyền bố trí vốn.
Mới đây, tỉnh Nghệ An đã thống nhất sẽ mở rộng không gian thành phố Vinh hướng về biển, với quy mô gấp 2 lần hiện tại và thực hiện trong 3 năm tới.
Thành phố Vinh sẽ mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị trong 3 năm tới hướng về phía biển, đây là chủ trương được căn cứ vào Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Quyết định số 52 và Quyết định số 827 của Thủ tướng Chính phủ.
Với mục tiêu sau khi mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị, thành phố Vinh sẽ tận dụng tối đa mọi nguồn lực, song song với phát triển kinh tế sẽ trở thành điểm nhấn phát triển đô thị của khu vực Bắc Trung bộ. Từ đó, thúc đẩy sự phát triển kinh tế không chỉ riêng của thành phố Vinh mà còn là động lực thúc đẩy nền kinh tế cho toàn tỉnh.Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thống nhất phương án mở rộng thành phố Vinh với việc sáp nhập thêm 6 xã, gồm các xã: Nghi Thạch, Nghi Xuân, Nghi Phong, Phúc Thọ, Nghi Thái, Khánh Hợp thuộc huyện Nghi Lộc và toàn bộ thị xã Cửa Lò vào địa giới hành chính, không gian đô thị thành phố Vinh để tiến hành các bước tiếp theo, trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thị xã Cửa Lò hiện có 7 đơn vị hành chính cấp xã, với tổng diện tích tự nhiên là 29,12 km2, số dân trên 57.445 người. Đối với 6 xã thuộc huyện Nghi Lộc được lựa chọn sáp nhập, có tổng diện tích tự nhiên trên 39,27 km2, với số dân trên 45.8787 người.