08:57 25/10/2013

Nghị trường nóng các vấn đề bức xúc trong xã hội

Hoài Ngân

Trong khi thừa nhận các khó khăn kinh tế, các đại biểu Quốc hội cũng đồng thời bày tỏ sự lo lắng trước các vấn đề xã hội

Vụ việc thẩm mỹ viện 
Cát Tường cũng được các đại biểu Quốc hội “cập nhật” trong các cuộc thảo luận tại tổ.<br>
Vụ việc thẩm mỹ viện Cát Tường cũng được các đại biểu Quốc hội “cập nhật” trong các cuộc thảo luận tại tổ.<br>
Trong khi thừa nhận các khó khăn kinh tế, các đại biểu Quốc hội cũng đồng thời bày tỏ sự lo lắng trước các vấn đề xã hội đã và đang gây bức xúc trong dư luận lâu nay.

Ngày làm việc thứ tư, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015), kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015.

Đáng chú ý là theo nhiều đại biểu, rất nhiều vấn đề của đời sống xã hội đã và đang gây bức xúc trong nhân dân, nhưng dường như chưa được đánh giá đúng mức trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội trước đó.

Bài phát biểu của Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm gây xôn xao cuộc thảo luận tại đoàn Hà Nội. Hòa thượng cho hay thời gian gần đây, đi về các địa phương được biếu cái gì cũng kèm theo lời dặn: “Cái này thầy cất mà dùng nhé, đừng mua bên ngoài”.

Gần chục ví dụ được Hòa thượng nêu cho hay tình trạng làm giả, nhái, sử dụng hóa chất để tạo ra các sản vật có thương hiệu đã trở nên phổ biến, từ cà phê Tây Nguyên, trà Thái Nguyên, hồng Nhân Hậu, bưởi Phúc Trạch…

“Các cử tri nói với tôi, ngay ở Tây Nguyên đã là 10 ngàn một ly cà phê, vậy ở Saigon lấy đâu ra cà phê một ly 5 ngàn? Trước ta nói chuối chín cây tự nhiên có quả xanh quả chín. Giờ dân nói muốn làm nải chuối quả xanh quả chín cũng có hóa chất. Tình hình như thế dân phải làm sao? Đề nghị Chính phủ phải quan tâm vấn đề này, trong bối cảnh ta kêu gọi an toàn thực phẩm”, Hòa thượng nêu vấn đề.

Chia sẻ vấn đề này, đại biểu Đào Văn Bình cho biết ông rất lo lắng cho tình trạng vệ sinh thực phẩm hiện nay. “Tôi nghe dân nói món nem nhập vào Việt Nam có mấy trăm loại vi khuẩn. Có tin đồn băm đỉa cho vào rồi nhập vào Việt Nam, những thông tin như vậy làm người dân bối rối”, ông nói.

Đáp lời đại biểu, phía dưới có tiếng lao xao: “Mấy trăm là còn ít anh”. Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh, vấn đề vệ sinh thực phẩm nói riêng, các vấn đề xã hội nói chung hiện là “rất quan trọng”, nhưng dường như “các đánh giá của Chính phủ là chưa thật sát với tình hình”. Theo đại biểu Thanh, các giải pháp phải cụ thể, không thể chung chung như trong báo cáo của Chính phủ được.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Kim Tuyến, Trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, thừa nhận vấn đề tội phạm hiện nay gây nhiều bức xúc trong công luận. Theo ông Tuyến, hiện có tình trạng tội phạm tăng, trong khi tuổi phạm tội lại “giảm”. “Bây giờ có hiện tượng 13 tuổi phạm tội nghiêm trọng. Gần đây lĩnh vực tài chính ngân hàng phát hiện nhiều vụ lớn. Quá trình siết lại kỷ cương trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đã phát hiện nhiều vụ lớn, vậy trách nhiệm thanh kiểm tra ở đây thế nào?”, ông Tuyến nêu vấn đề.

Không chỉ phân tích, mổ xẻ các vấn đề trong báo cáo Chính phủ, các đại biểu còn “cập nhật” các vấn đề thời sự của đời sống vào các phát biểu của mình, trong đó đáng chú ý là vụ việc mới đây tại thẩm mỹ viện Cát Tường.

Đại biểu Phạm Quang Nghị, Bí thư thành ủy Hà Nội cho hay ông khá sốc với vụ việc này vì đây là việc “xảy ra ngoài tưởng tượng, ngoài suy nghĩ bình thường của mọi người”, do đó “mức độ gây chấn động trong xã hội rất là lớn”.

“Qua vụ việc này, tất cả các cơ quan nào thấy mình có trách nhiệm đều phải vào cuộc, từ cấp phép, quản lý cán bộ cho tới những lĩnh vực có liên quan đến sức khỏe con người. Việc xử lý phải rất đồng bộ, cương quyết để không những mình xử lý được việc này mà còn có giá trị giáo dục, cảnh báo, răn đe những việc khác trong tương lai không xảy ra”, ông Nghị nhấn mạnh.

Y đức dường như chỉ là một trong nhiều vấn đề mà ngành y tế đang phải đối mặt. Tại đoàn TP. HCM, đại biểu Nguyễn Văn Minh cho rằng điều ông quan tâm là vấn đề giảm tải trong các bệnh viện, một vấn đề mà “năm nào nghị quyết cũng nói đến” nhưng chưa có nhiều chuyển biến trong thực tế.

“Nên có nghị quyết chuyên đề về giảm quá tải bệnh viện. Tôi tiếp xúc cử tri vùng nông thôn, đây là một trong những nội dung cử tri rất lo lắng vì ở nông thôn bệnh viện thì xa. Cần nói rõ một nội dung trong năm 2014 là thực hiện thí điểm khám bệnh theo yêu cầu. Chúng ta đã từng thí điểm nhiều, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề. Trong ngành y tế thí điểm phải hết sức nghiêm túc và phải làm bài bản vì không thể đem sức khỏe con người ra để thí điểm”, ông Minh nói.

Các vấn đề nội cộm trong ngành y tế đã khiến cho phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế, trở nên rất đáng chú ý. Chịu nhiều sức ép sau hai năm nhận trách nhiệm đứng đầu ngày, nữ Bộ trưởng thừa nhận các vấn đề của ngành và cho biết “cũng thấy rất đau đớn xót xa”.

“Với trách nhiệm trong ngành, chúng tôi thấy nặng nề”, bà cho biết.