16:37 07/07/2021

Nghịch lý ở Hàn Quốc: Nhà hàng vẫn dùng kim chi từ Trung Quốc bất chấp video "thực phẩm bẩn"

Trang Linh

Bất chấp những quan ngại về mất thực phẩm bẩn sau một video quay lại quá trình làm kim chi tại một nhà máy ở Trung Quốc hồi tháng 3 năm nay, nhiều nhà hàng ở Hàn Quốc vẫn tiếp tục sử dụng kim chi giá rẻ nhập khẩu từ quốc gia láng giềng...

Hơn 30% kim chi tiêu thụ oở Hàn Quốc mỗi năm có xuất xứ từ Trung Quốc - Ảnh: Getty Images.
Hơn 30% kim chi tiêu thụ oở Hàn Quốc mỗi năm có xuất xứ từ Trung Quốc - Ảnh: Getty Images.

Đây là kết quả của cuộc khảo sát với 1.000 nhà hàng do Viện nghiên cứu Ngành công nghiệp Thực phẩm Hàn Quốc thực hiện sau video gây sốc trên.

Trong video trên, một người đàn ông cởi trần đang lội chân qua bể chứa đầy cải thảo ngâm trong chất lỏng màu đỏ trước khi chuyển chúng vào một máy xúc. Trong một cảnh quay khác, nhiều công nhân đi ủng dẫm chân lên đống rau cải thảo trước cái bể - trống giống một cái lỗ trên mặt đất được phủ nilon - chứa đầy chất lỏng. 

Trong số các nhà hàng được khảo sát, 43,1% cho biết bất chấp những tranh cãi xung quanh video trên, họ vẫn sử dụng kim chi nhập khẩu từ Trung Quốc - chỉ thấp hơn 4% so với cuộc khảo sát sau “bê bối bán khỏa thân của một nhà máy kim chi ở Trung Quốc” trước đây.

“Do đại dịch Covid-19 và việc giãn cách xã hội, các nhà hàng tại Hàn Quốc càng khó từ bỏ kim chi giá rẻ từ Trung Quốc để chuyển sang sử dụng kim chi sản xuất trong nước vốn có giá đắt đỏ hơn”, nhà nghiên cứu cấp cao Lee Kyeong-mi tại Viện nghiên cứu Ngành công nghiệp Thực phẩm Hàn Quốc cho biết. 

Hiện tại, giá kim chi sản xuất tại Hàn Quốc đắt gấp 4 lần so với loại nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà hàng Hàn Quốc thường không tính tiền kim chi - một món ăn kèm phục vụ miễn phí trong các bữa ăn. 

Gần 70% các chủ nhà hàng đang sử dụng kim chi Trung Quốc cho biết họ không có ý định dừng việc này. Trong số này, khoảng 53% cho biết nguyên nhân là kim chi từ Trung Quốc có giá rẻ, 18% xem đây là loại thực phẩm “đáng tin cậy” và 18% nói rằng họ không nhận được phàn nàn nào từ khách hàng. 

Tuy vậy, không phải mọi khách hàng đều suy nghĩ như vậy. Ông Noh Sok-won, một nhân viên giao hàng 64 tuổi, cho biết ông đã ngừng ăn kim chi phục vụ tại các cửa hàng mỳ và nhà hàng Trung Quốc bình dân bởi đây là kim chi nhập khẩu từ Trung Quốc. Trên thực đơn, các nhà hàng ở Hàn Quốc bắt buộc phải ghi rõ nguồn gốc của từng thành phần nguyên liệu. 

“Video ấy kinh khủng tới mức tôi không thể ăn loại kim chi đó nữa. Thay vào đó, tôi ăn danmuji (củ cải muối) làm món ăn phụ”, ông Noh chia sẻ. 

Sau khi video trên thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các nhà chức trách Hàn Quốc đã tìm cách xoa dịu những quan ngại, nhấn mạnh rằng số kim chi trong video trên không được xuất khẩu sang Hàn Quốc. Nhưng họ không thể ngăn được lượng kim chi nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 31% xuống còn 18.000 tấn trong tháng 4 - mức thấp nhất trong gần 5 năm qua. Tuy vậy, sang tháng 5, lượng nhập khẩu lại tăng hơn 21%. Hiện tại, hơn 30% kim chi sử dụng tại Hàn Quốc mỗi năm đến từ Trung Quốc. 

Cũng trong tháng 5, các cơ quan quản lý Hàn Quốc cho biết yersinia enterocolitica - một loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm hiếm gặp được gọi là bệnh yersiniosis - đã được phát hiện trên 15 sản phẩm kim chi nhập khẩu từ Trung Quốc trong tổng số 289 mẫu.

Kể từ cuối năm ngoái, người dùng mạng xã hội Hàn Quốc và Trung Quốc đã nổ ra tranh cãi, được gọi là "cuộc chiến kim chi" về nguồn gốc của kim chi - món ăn đang ngày càng trở nên phổ biến trên toàn thế giới.

Kim chi thường được xem là biểu tượng của thực phẩm Hàn Quốc với quá trình làm và bảo quản truyền thống đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2013.