18:42 25/02/2022

Nghịch lý ở Singapore: Nhiều người chủ động nhiễm Covid-19

Ngọc Trang

Tình trạng này khiến một số chuyên gia Singapore cảnh báo rằng rằng dù Omicron có độc lực nhẹ hơn so với Delta nhưng “đây không phải là lúc mở tiệc Omicron”...

Biển báo yêu cầu người dân không tụ tập quá 5 người để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 được chụp tại Singapore ngày 18/2 - Ảnh: AFP
Biển báo yêu cầu người dân không tụ tập quá 5 người để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 được chụp tại Singapore ngày 18/2 - Ảnh: AFP

Sống tại Singapore, Lukas Ng, quản lý tại một hãng công nghệ quảng cáo, cho biết sau khi anh nói với bạn bè rằng mình muốn nhiễm Covid-19, một người đã viết một bài hát về việc này, trong đó có dòng viết: “Làm ơn hãy để tôi nhiễm Covid-19”.

"NHẸ NHÕM" KHI NHIỄM COVID-19

Ng, 32 tuổi, đã tiêm 2 mũi vaccine của Pfizer/BioNTech, có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 hôm 14/2. Cảm giác của anh lúc đó là ước gì việc này đến sớm hơn. Trước đó, bạn gái của Ng đã có xét nghiệm dương tính và hai người tiếp tục chung sống khi cô bạn gái phải cách ly ở nhà. 8 ngày sau đó, Ng nhiễm Covid-19.

“Với Omicron nhẹ hơn nhiều so với các biến thể trước đó, thật hợp lý khi mình cũng bị nhiễm và nhờ đó tôi có thể xây dựng ‘một bức tường’ chống lại căn bệnh này”, Ng chia sẻ.

91% dân số đã tiêm vaccine đầy đủ mũi cơ bản và 2/3 đã tiêm mũi nhắc lại - Ảnh: Getty Images
91% dân số đã tiêm vaccine đầy đủ mũi cơ bản và 2/3 đã tiêm mũi nhắc lại - Ảnh: Getty Images

Theo SCMP, sự phấn khích khi nhiễm Covid-19 của Ng dù không phổ biến nhưng cho thấy sự thay đổi trong thái độ với Covid-19 của một bộ phận người Singapore - đặc biệt là người trẻ và khỏe mạnh - trong bối cảnh chính phủ kêu gọi người dân không hoang mang, lo sợ.

Trong bài phát biểu trên truyền hình vào tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh: “Chúng ta nên tôn trọng Covid-19 nhưng không nên bị tê liệt vì sợ hãi”.

“Sớm muộn thì tất cả chúng ta đều sẽ nhiễm virus”, ông Lý Hiển Long nói.

Ho Kai Xin, 32 tuổi, một nhân viên ngân hàng, là một trong những người tâm đắc với bài phát biểu của Thủ tướng. Cô cho rằng dù mọi người đã hạn chế các hoạt động xã hội nhưng số ca nhiễm tại Singapore vẫn tăng cao và mỗi ngày cô đều lo lắng về việc mình có đang nhiễm virus hay không.

“Sẽ thật nhẹ nhõm nếu tôi mắc Covid-19”, Xin nói.

Với 91% dân số đã tiêm vaccine đầy đủ mũi cơ bản và 2/3 đã tiêm mũi nhắc lại, những người mắc Covid-19 tại Singapore giờ đây tự hồi phục tại nhà (nếu họ không phải người suy giảm hệ miễn dịch hoặc người già). Tại nhà, họ sử dụng bộ xét nghiệm nhanh để xác định tình trạng và tự cách ly trong thời gian tối đa 7 ngày.

Chia sẻ với SMCP, một số người cho biết các thành viên gia đình thường không tránh xa người thân bị nhiễm Covid-19 mà tin rằng tốt nhất là để cả nhà nhiễm bệnh cùng một lúc.

"KHÔNG PHẢI LÀ LÚC MỞ TIỆC OMICRON"

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nhiều người chủ động nhiễm virus.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo trên web đầu tuần này, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm David Lye nói rằng dù Omicron có độc lực nhẹ hơn so với biến thể Delta nhưng “đây không phải là lúc mở tiệc Omicron”.

“Chúng ta bước sang năm 2022 với tâm thế phấn chấn hơn nhưng dịch bệnh vẫn sẽ ảnh hưởng tới những người dễ bị tổn thương”, ông nói thêm.

Trên thực tế, số ca nhiễm nhiễm Covid-19 tại Singapore đã tăng lên đáng kể từ khi biến thể Omciron với khả năng lây lan nhanh hơn xuất hiện. Trong tổng số hơn 642.000 ca nhiễm ghi nhận tại quốc đảo này kể từ đầu dịch, gần 50% được phát hiện trong 28 ngày qua. Hôm 22/2, quốc gia với dân số 5,45 triệu người ghi nhận kỷ lục 26.032 ca nhiễm mới trong một ngày.

Tuy nhiên, người dân nước này dường như không mấy lo ngại. Các quận kinh doanh trung tâm vẫn đông đúc, tấp nập trong tuần với nhiều người tụ tập ăn uống. Điều này hoàn toàn ngược lại so với một năm trước, khi chiến dịch tiêm chủng vaccine vẫn ở giai đoạn đầu và nhà chức trách Singapore vẫn quyết liệt truy vết tiếp xúc, còn người nhiễm bệnh được điều trị tại các cơ sở chuyên dụng.

Tính tới ngày 23/2, Singapore có khoảng 1.600 bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại bệnh viện, trong đó 46 người phải chăm sóc đặc biệt.

Chloe Ng, 35 tuổi, sống cùng gia đình 4 người và người giúp việc, vừa phục hồi sau khi nhiễm Covid-19. Co cho biết mình có thể đã lo lắng hơn nhiều nếu nhiễm bệnh 6 tháng trước.

 

Chúng ta bước sang năm 2022 với tâm thế phấn chấn hơn nhưng dịch bệnh vẫn sẽ ảnh hưởng tới những người dễ bị tổn thương.

“Tôi đoán virus đã phát triển và trở thành một dạng giống như cúm thông thường, và suy nghĩ của chúng tôi về nó cũng thay đổi”, Ng nói.

Tuy nhiên, vẫn có một số nhóm người người thận trọng với virus, đặc biệt là những người sống cùng người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm vaccine.

Dù vậy, một số chuyên gia tỏ ra lạc quan về khả năng miễn dịch cộng đồng của Singapore. Alex Cook, Phó hiệu trưởng Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock School tại Singapore, cho rằng việc ngày càng nhiều người có kháng thể chống lại virus là tín hiệu đáng mừng.

“Singapore đã đang chứng kiến hiệu quả của sự miễn dịch với tỷ lệ tăng ca nhiễm trong cộng đồng hàng tuần đang giảm, bởi vì những người tiếp xúc với virus giờ đây đều đã nhiễm”, ông Cook nhận xét.

Tỷ lệ tăng ca nhiễm theo tuần của Singpore hôm 27/1 là 2,37 và đã giảm xuống còn 1,49 hôm 23/2. Theo các nhà chức trách Singapore, nếu tỷ lệ này ở mức trên 10 thì sẽ gây áp lực lên hệ thống y tế.

Ông Cook cho biết, với việc người dân tự xét nghiệm và phục hồi tại nhà mà không tới bệnh viện, có nhiều ca nhiễm không được nhà chức trách thống kê.

“Hiện không rõ có bao nhiêu người tại Singapore đã thực sự nhiễm Covid bởi vì không phải tất cả các ca nhiễm đều được xác nhận. Tuy nhiên, chúng ta có thể đang hướng tới trạng thái miễn dịch cộng đồng”, ông Cook nói.

Theo thống kê chính thức, hiện tại, gần 12% dân số Singapore đã nhiễm Covid-19, con số thấp hơn đáng kể so với một số quốc gia phát triển khác như Anh (khoảng 30%).

Nhà chức trách Singapore hiện vẫn tỏ ra thận trọng. Dù cam kết sẽ nới lỏng hơn nữa các biện pháp hạn chế đi lại sau khi làn sóng Omicron đạt đỉnh vài tuần sắp tới, Chính phủ nước này ngày 24/2 cho biết sẽ tạm dừng kế hoạch nới lỏng vào ngày 25/2 và 4/3.

Ghi nhận phàn nàn trên mạng xã hội của các nhân viên y tế về áp lực công việc, Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung đầu tuần này chia sẻ rằng Bộ đang làm hết sức để hỗ trợ họ.

“Hãy cố gắng thêm chút nữa. Nếu như Singapore giống như các nước khác, chúng ta sẽ chứng kiến số ca nhiễm giảm xuống – thậm chí giảm nhanh – trong vài tuần tới”, ông Ong nói trong một bài đăng trên Facebook.