Nghiêm khắc phê phán hành vi cố tình giữ chân thuê bao
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu trong tháng 3 tới cần nâng tỷ lệ thuê bao chuyển đổi thành công đạt tối thiểu 90%
Số liệu chi tiết về lượng thuê bao chuyển đi cũng như chuyển đến của các mạng di động đã lần đầu tiên được công bố sau khi chính sách chuyển mạng giữ nguyên số (MNP) chính thức được triển khai thực tế.
Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước tháng 1/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngày 13/2. Số liệu chi tiết về thuê bao chuyển đi và chuyển đến của các mạng cũng được Cục Viễn thông công khai trên website của đơn vị này.
Đại diện Cục Viễn thông cho biết, tính từ ngày 16/11/2018 (thời điểm bắt đầu triển khai dịch vụ MNP) đến ngày 13/2/2019, tổng số thuê bao đăng ký chuyển mạng giữ số là 93.405, trong đó nhiều nhà mạng có tỷ lệ đăng ký chuyển đổi thành công tương đối thấp.
Số liệu số lượng thuê bao chuyển mạng của Cục Viễn thông.
Theo số liệu của Cục, MobiFone có 9.940 thuê bao đăng ký chuyển đến, tuy nhiên có đến 25.587 thuê bao đăng ký chuyển đi. Trong đó, số lượng thuê bao chuyển đến (MobiFone) thành công là 6.906 (đạt tỷ lệ 69,48%), số lượng thuê bao chuyển đi thành công là 5.907 (đạt tỷ lệ là 23.09%). Số lượng thuê bao bị từ chối bị từ chối chuyển mạng là 18.536.
Tương tự, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT/VinaPhone) có số lượng thuê bao đăng ký chuyển đến là 35.688, chuyển đi là 28.451, trong đó số lượng thuê bao chuyển đến thành công là 24.626 (69%), số lượng thuê bao chuyển đi thành công là 19.425 (68.28%). Số lượng thuê bao bị từ chối chuyển mạng là 8.048.
Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) có số lượng thuê bao đăng ký chuyển đến lớn nhất, là 46.961, nhưng số lượng thuê bao chuyển đi cũng nhiều nhất, là 33.438 thuê bao. Số lượng thuê bao chuyển đến thành công là 21.958 (đạt 46,76%), số lượng thuê bao chuyển đi thành công là 27.941 (đạt 83,56%). Số lượng thuê bao bị nhà mạng từ chối chuyển mạng là 4.331.
Mạng cuối cùng là Vietnamobile. Mạng di động này chỉ có 816 thuê bao đăng ký chuyển đến, còn số thuê bao đăng ký chuyển đi lên tới 5.929. Trong đó, thuê bao chuyển đến thành công là 169 (20.71%), còn số thuê bao chuyển đi thành công đạt tỷ lệ khá thấp, là 386 thuê bao (6,51%). Số thuê bao bị nhà mạng từ chối chuyển mạng là 5.049.
Qua con số thống kê trên cho thấy, Vietnamobile là nhà mạng có tỷ lệ thuê bao bị từ chối chuyển mạng là lớn nhất, chưa đạt 7%. Kế đến là MobiFone (23.09%), VNPT-VinaPhone và Viettel là nhà mạng có tỷ lệ thuê bao được nhà mạng chấp nhận chuyển đi (thành công) cao nhất với trên 83%.
Viettel và VinaPhone cũng là hai nhà mạng có lượng thuê bao đăng ký chuyển mạng dương (thuê bao đăng ký chuyển đến nhiều hơn chuyển đi), tương ứng là 13.523 và 7.237. Tuy vậy, VinaPhone "kiếm" được 5.201 thuê bao, còn Viettel mất đi gần 6.000 thuê bao.
Cũng tại cuộc họp giao ban trên, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nghiêm khắc phê phán hành vi cố tình giữ chân thuê bao của các nhà mạng, đồng thời cho rằng các mạng mạng nên loại bỏ rào cản đối với người dân khi tiến hành đăng ký dịch vụ MNP.
Ông cũng chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trong tháng 3 tới cần nâng tỷ lệ thuê bao chuyển đổi thành công phải đạt tối thiểu 90%. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu Cục Viễn thông cần có kế hoạch công khai minh bạch hơn nữa các số liệu liên quan đến dịch vụ MNP.