Nghiên cứu: Vaccine Moderna có thể chống biến chủng Delta tốt hơn vaccine Pfizer
Nguy cơ mắc Covid-19 do biến chủng Delta ở những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Moderna là thấp hơn so với những người tiêm 2 mũi vaccine Pfizer - theo nghiên cứu mới từ Mayo Clinic, một trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận có trụ sở ở Rochester, Minnesota, Mỹ....
Hãng tin CNBC cho biết, nghiên cứu trên phát hiện rằng ở bang Florida của Mỹ trong tháng 7 vừa qua, khi số ca nhiễm mới Covid-19 cao chưa từng thấy và biến chủng Delta chiếm chủ đạo, số ca nhiễm đột phá (nhiễm bệnh sau khi đã tiêm đủ vaccine) ở những người tiêm vaccine Moderna thấp hơn 60% so với ở những người tiêm vaccine Pfizer.
Tương tự, ở Minnesota trong tháng 7, các nhà khoa học của Mayo Clinic phát hiện vaccine Moderna đạt hiệu quả 76% trong ngăn chặn lây nhiễm do biến chủng Delta, so với mức hiệu quả 42% của vaccine Pfizer.
“Qua so sánh tỷ lệ lây nhiễm ở những người đã tiêm đủ vaccine Moderna với những người đã tiêm đủ vaccine Pfizer tại nhiều bang (Minnesota, Wisconsin, Arizona, Florida, và Iowa), chúng tôi thấy rằng vaccine Moderna có thể giảm hai lần nguy cơ lây nhiễm đột phá so với vaccine Pfizer”, các tác giả thực hiện nghiên cứu cho biết.
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng cả hai vaccine đều mang lại sự bảo vệ mạnh mẽ khỏi nguy cơ mắc Covid thể nặng. Ngoài ra, theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nguy cơ mắc Covid ở những người chưa tiêm vaccine cao gấp 8 lần so với những người đã tiêm đủ, và nguy cơ nhập viện hoặc tử vong cao gấp 25 lần.
Trao đổi với trang tin Axios, đại diện của Pfizer cho biết hãng này và đối tác BioNTech “dự kiến có thể bào chế và sản xuất một phiên bản vaccine dành riêng chống lại biến chủng Delta”. Một vaccine như vậy có thể được sản xuất chỉ sau 100 ngày có quyết định, tuỳ thuộc vào sự phê chuẩn của cơ quan chức năng.
Tuần trước, Moderna lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng của số ca lây nhiễm đột phá và nói rằng những người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Moderna ở Mỹ có thể sẽ cần một mũi tiêm tăng cường trước mùa đông năm nay. Cuối tháng 7, Pfizer cũng cho biết hãng đang thử nghiệm xem một mũi tiêm nhắc lại có tăng cường hiệu quả chống biến chủng Delta hay không.
Dữ liệu từ bang New Jersey - nơi biến chủng Delta đang chiếm khoảng 90% mẫu xét nghiệm dương tính Covid - củng cố phát hiện từ cuộc nghiên cứu của Mayo Clinic. Theo dữ liệu này, số ca nhiễm đột phá vẫn chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong số các ca Covid-19 phải nằm viện, nhưng tỷ lệ đã tăng nhanh trong những tuần gần đây.
Thống đốc Phil Murphy của New Jersey cho biết trong tuần từ 20-26/7, người đã tiêm đủ vaccine chiếm 18,5% số ca nhiễm mới Covid ở bang này. Quan trọng hơn, số ca nhiễm đột phá chiếm 3% tổng số ca phải nhập viện trong tuần.
Theo ông Murphy, dữ liệu này là bằng chứng cho thấy vaccine có hiệu quả tốt, nhưng đối với nhiều người, việc những người đã tiêm đủ vaccine chiếm 3% số ca nhiễm Covid nhập viện là một vấn đề đáng lo ngại, bên cạnh xu hướng tăng của số ca nhiễm đột phá.
Trong tuần trước đó, những người đã tiêm đủ vaccine chỉ chiếm 0,004% số ca Covid phải nhập viện ở New Jersey.