16:41 19/10/2021

Người biến “giấc mơ” Loship thành hiện thực

Thu Hoàng

Hành trình gây dựng start-up từ những ngày đầu cho đến hôm nay được Nguyễn Hoàng Trung, đồng sáng lập, đồng thời là CEO của công ty, mô tả là “không dễ dàng”. “Sự thật phũ phàng là, chưa đến 10% người thực sự tin vào giấc mơ Loship vào thời điểm chúng tôi bắt đầu”, Nguyễn Hoàng Trung trải lòng...

Nguyễn Hoàng Trung-Đồng sáng lập, CEO của Loship
Nguyễn Hoàng Trung-Đồng sáng lập, CEO của Loship

Loship, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) giao đồ ăn và thương mại điện tử giao hàng trong một giờ, mới đây đã công bố hoàn thành vòng gọi vốn Pre-Series C lên đến 12 triệu USD bất chấp những thách thức của đại dịch Covid-19. Công ty này cũng là một trong bốn start-up Việt lọt vào danh sách 100 start-up và công ty nhỏ đáng mong đợi khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Forbes trong năm nay.

Tuy nhiên, thành công mà Loship đạt được không phải nhờ may mắn. Hành trình gây dựng start-up từ những ngày đầu cho đến hôm nay được Nguyễn Hoàng Trung, đồng sáng lập, đồng thời là CEO của công ty, mô tả là “không dễ dàng”.“Sự thật phũ phàng là, chưa đến 10% người thực sự tin vào giấc mơ Loship vào thời điểm chúng tôi bắt đầu”, CEO Nguyễn Hoàng Trung trải lòng.

QUYẾT TÂM "ĐIỀN VÀO CHỖ TRỐNG" CỦA HỆ SINH THÁI

Năm 2014, trở về Việt Nam sau hai năm du học tại Hàn Quốc để theo đuổi giấc mơ khởi nghiệp, Nguyễn Hoàng Trung và các cộng sự sáng lập ra Lozi, một ứng dụng chuyên về review đồ ăn thức uống. Qua thời gian, Lozi dần mở rộng thành một nền tảng thương mại điện tử kết nối người mua và người bán với nhau. 

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển Lozi, những nhà sáng lập nhận ra một vấn đề trong hệ thống. Họ không chắc rằng liệu các giao dịch giữa người mua và người bán có thật sự được hoàn thành trên nền tảng Lozi hay không? Hay nói khác đi, ở thời điểm ấy, toàn bộ quá trình diễn ra từ điểm bắt đầu đến điểm kết thúc vẫn thiếu sự kiểm soát. 

Sau thời gian đầu chỉ tập trung vào giao đồ ăn, Loship dần đã mở rộng ra nhiều dịch vụ giao vận khác.
Sau thời gian đầu chỉ tập trung vào giao đồ ăn, Loship dần đã mở rộng ra nhiều dịch vụ giao vận khác.

“Và đó là lúc chúng tôi biết rằng mình cần “điền vào chỗ trống”. Bởi chúng tôi tin rằng chỉ có đảm bảo sự liền mạch từ khâu đặt hàng, thanh toán tới giao vận thì trải nghiệm khách hàng mới thực sự trọn vẹn”, Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ. 

Tháng 12/2017, mô hình Loship ra đời, bắt đầu với dịch vụ giao đồ ăn thức uống. Tuy vậy, ở thời điểm mới ra mắt, chưa ai trong đội ngũ của Loship nghĩ đến một nền tảng thương mại điện tử và giao hàng đa dịch vụ như bây giờ. Ý tưởng về một nền tảng như vậy chỉ lóe lên khi Nguyễn Hoàng Trung quan sát một anh tài xế, vốn chỉ giao đồ ăn. “Anh tài xế này hoàn toàn có thể giao thêm bánh xà phòng, bó rau, hay một bộ đồ đã được giặt ủi. Bản chất ở đây là cùng một hành động giao hàng, anh tài xế hoàn toàn có thể làm được nhiều việc hơn”, CEO Loship nhớ lại. 

Đó là cách start-up Loship được vận hành và phát triển sau này khi tất cả đều xoay quanh người tài xế. Sau thời gian đầu chỉ tập trung vào giao đồ ăn, nền tảng này dần đã mở rộng ra nhiều dịch vụ giao vận khác như đi chợ hộ, giao hàng, gọi xe, giặt ủi, giao thuốc, giao hoa, giao mỹ phẩm hay nguyên vật liệu… “Tầm nhìn của Loship là trong vòng 3 năm nữa, tất cả người dân Việt Nam khi cần mua thứ gì đó tức thì thì đều có thể đặt mua được trên Loship và được giao trong vòng một giờ”, Nguyễn Hoàng Trung lý giải.

"HÃY CỐ GẮNG THÊM MỘT CHÚT NỮA THÔI"

Với các nhà sáng lập start-up, khó khăn và thách thức dường như được xem như “bạn đồng hành” và người đứng đầu Loship cũng không ngoại lệ. 

Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ thời điểm khó khăn nhất là vào năm 2019. Khi ấy, Loship phải đối mặt với tình trạng cạn vốn. “Kỷ lục là chúng tôi đã phải nợ lương nhân viên hơn 23 ngày. Đối với chúng tôi đó thực sự là cơn ác mộng khi chính bản thân mình cũng không thể đảm bảo cuộc sống cho những người đi theo mình”, CEO Loship hồi tưởng.

Nguyễn Hoàng Trung chia sẻ: ở vai trò nhà sáng lập start-up, cảm giác cô đơn, chán chường và mất ngủ là điều xảy ra thường xuyên khi công ty đang ở giai đoạn mới hình thành. Cơn đau đầu sẽ còn lớn hơn nữa khi công ty chưa có dòng tiền ổn định. Cũng như nhiều người khởi nghiệp khác, Trung phải tự học, tự vượt qua nghịch cảnh và tự mày mò những con đường để phát triển công ty mà không có sách vở nào chỉ dạy. 

 
"Các nhà sáng lập trẻ hãy luôn luôn bền chí, kiên trì, không ngừng nỗ lực và vững chân trên con đường mình đã chọn. Để cuối cùng nếu như con thuyền này không đi tới bến, thì bạn phải là người cuối cùng rời con thuyền đó".
Nguyễn Hoàng Trung-Đồng sáng lập, CEO của Loship

Không ít lần CEO 9X này tự hỏi: liệu đây có phải là điều tồi tệ nhất cuối cùng mà mình phải trải qua hay không? “Thật khó để chia sẻ tất cả những điều này cho những người xung quanh khi phần đông thì không hiểu và bản thân cũng không muốn gia đình lo lắng thêm”, Nguyễn Hoàng Trung trải lòng. 

“Ngày nào cũng vậy, mỗi khi cảm giác muốn từ bỏ xuất hiện, tôi lại tự nhắn nhủ bản thân: Một chút nữa thôi”, CEO Loship nói. Bởi nếu mỗi ngày chỉ cần cố gắng thêm 1% thì cho tới một lúc nào đó nhìn lại, chúng ta đã tiến được một đoạn đường rất xa. “Ta có thể dừng lại để nạp thêm năng lượng, nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc. Rồi tất cả mọi chuyện cũng sẽ qua, và thành công chỉ còn cách chúng ta một chút cố gắng nữa mà thôi”, Nguyễn Hoàng Trung tâm sự. 

VƯỢT QUA "NGHỊCH CẢNH" 

Sau nhiều thách thức, may mắn đã đến khi start-up này nhận được những vòng vốn đầu tiên và dần mọi thứ trở nên tốt hơn. Nhà đồng sáng lập phần mềm Skype, Jaan Tallinn, thông qua Quỹ đầu tư MetaPlanet Holdings từng rót vốn vào Loship, nhận xét: “Không quá khó để nhận ra tiềm năng phát triển của Loship. MetaPlanet đặc biệt quan tâm và có kế hoạch phân bổ vốn vào khu vực Đông Nam Á, nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn. Và chúng tôi rất vui khi có khởi đầu với Loship và Việt Nam”.

Sau những thách thức đặc thù mà một start-up non trẻ gặp phải, Loship một lần nữa phải đối diện với phép thử lớn khác: Covid-19. Điều nghịch lý là, khi nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hay giảm quy mô vận hành vì đại dịch thì Loship lại tìm thấy cơ hội phát triển. Theo CEO Nguyễn Hoàng Trung, cơ hội đó được thúc đẩy bởi hai yếu tố chính: nhu cầu người dùng và độ lớn thị trường. 

Trên thực tế, nhu cầu người dùng chuyển sang sử dụng các nền tảng online ngày càng nhiều, đặc biệt khi TP.HCM bước vào giai đoạn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và đóng cửa nhiều chợ truyền thống. Ngay cả khi TP.HCM mở cửa trở lại, thói quen mua thực phẩm của người dân cũng vẫn chuyển dịch nhiều hơn về hướng online.

Thêm vào đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia với hơn 68 triệu người dùng Internet trên tổng số 97 triệu dân.

Tuy nhiên, Covid-19 vẫn mang đến không ít thách thức cho Loship. Đó là những thách thức về việc khan hiếm shipper trong những ngày đầu giãn cách xã hội. Nhu cầu giao hàng của người dân quá lớn, trong khi đó số lượng shipper được cấp phép hoạt động hạn chế, dẫn đến tình trạng chênh lệch cung cầu và tỷ lệ hủy đơn hàng khá cao. 

Đồng thời, sự thiếu hụt lượng cung shipper còn đến từ việc nhiều lao động ngoại tỉnh di dời khỏi thành phố từ khi bắt đầu dịch. 

Một thách thức khác chính là khả năng tiếp cận vốn. Khi việc đi lại bị hạn chế và start-up không thể gặp trực tiếp nhà đầu tư, mọi cuộc họp đều diễn ra online khiến cho việc cung cấp thông tin và xây dựng niềm tin với nhà đầu tư trở nên khó khăn hơn. Khi đó, Loship phải linh hoạt thay đổi cách thức gọi vốn, làm sao cung cấp cho nhà đầu tư thật nhiều góc nhìn về doanh nghiệp và đội ngũ sáng lập, để họ có đủ niềm tin thực hiện những khoản đầu tư lớn mà không cần gặp mặt trực tiếp. 

Để tháo gỡ các thách thức trong đại dịch Covid-19, Loship tập trung vào từng nhóm mục tiêu chính: shipper, chủ cửa hàng, khách hàng, nhân viên và nội tại công ty. 

Về shipper, start-up này tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho đội ngũ shipper. 

Về cửa hàng, đại dịch tạo ra nhu cầu kinh doanh online rất lớn. Tuy nhiên, rất nhiều tiểu thương, tiệm tạp hóa hay cửa hàng bán lẻ cảm thấy khó khăn khi chuyển đổi sang mô hình online vì họ không quen với công nghệ, CEO Loship phân tích. Hiểu được những khó khăn đó, start-up này đã cung cấp các giải pháp đơn giản hóa quy trình chuyển đổi, làm cho việc kinh doanh online trên nền tảng Loship trở nên thuận tiện và dễ sử dụng nhất có thể. 

Với các khách hàng, một bức tranh phổ biến trong giai đoạn giãn cách là người dân tập trung nhiều vào mua sắm các mặt hàng thiết yếu nhằm mục đích tích trữ. Do vậy, Loship đã tập trung phát triển và mở rộng các hoạt động ở mảng đi chợ hộ. “Bên cạnh hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nền tảng Loship có sẵn hơn 80.000 cửa hàng lương thực thực phẩm vừa và nhỏ”, Nguyễn Hoàng Trung nói thêm.

Bên cạnh đó, start-up này cũng tìm cách đẩy mạnh vào cung ứng trực tiếp ngành hàng nhu yếu phẩm đến người dân, đơn cử như mở dịch vụ siêu thị do chính Loship nhập và phân phối hàng, đồng thời cung cấp thêm dịch vụ giao hàng bằng xe tải trong 24h với những đơn hàng số lượng lớn.