Người dân có nhiều tiềm lực để thoát nghèo
Người dân có nhiều tiềm năng để tự thoát nghèo, nếu Chính phủ có các chính sách hỗ trợ tốt cho họ
Đó là nhấn mạnh của các đại biểu tại Hội nghị chuyên đề ASEAN – Trung Quốc – UNDP lần thứ 4 với chủ đề "Đối mới để xóa đói giảm nghèo hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững", do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, chiều 4/9.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ thưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết, bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, các nước ASEAN trong đó có Việt Nam cũng như Trung Quốc và các nước trên thế giới đều đang đứng trước những thay đổi lớn lao có ý nghĩa bước ngoặt trước những tiến bộ của khoa học, công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0, già hóa dân số và biến đổi khí hậu.
Những thay đổi này vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng kèm theo thách thức đối với đường lối, chính sách phát triển của mỗi quốc gia và toàn cầu, trong đó có chính sách xóa đói, giảm nghèo.
Chính phủ Việt Nam đã đặt ra quan điểm vấn đề đói nghèo là nếu không được giải quyết thì không thể thực hiện được các mục tiêu phát triển đặt ra như tăng trưởng kinh tế, ổn định và bảo đảm các quyền con người.
Do đó, chính sách xóa đói, giảm nghèo đã trở thành một chủ trương lớn của Chính phủ Việt Nam. Nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách và đặc biệt là ý thức nỗ lực vươn lên của người nghèo nên kết quả giảm nghèo của Việt Nam từ năm 2016 đến nay đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm từ 9,88% năm 2015 xuống còn 5,23% vào cuối năm 2018; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân hơn 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 39,61% cuối năm 2016 xuống còn 35,28% cuối năm 2017.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, trong những năm qua, các chương trình, chính sách giảm nghèo của Việt Nam vẫn liên tục được đổi mới để nâng cao hiệu quả. Đặc biệt, ngày 19/11/2015, một thay đổi có tính đột phá là Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 59/2015/QĐ-TTg về chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020.
Bên cạnh đó, Tầm nhìn ASEAN 2025 cũng nhấn mạnh việc lồng ghép Chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc vào các kế hoạch xây dựng cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Ngoài ra, hiện bối cảnh thời đại số, khoa học, công nghệ và trí tuệ nhân tạo được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ lên mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.
"Câu hỏi đặt ra cho chúng ta là làm thế nào để gắn kết cộng đồng, thúc đẩy sự tham gia của các bên, đặc biệt là chính người nghèo, các nhóm yếu thế, tận dụng lợi thế của công nghệ, đổi mới và sáng tạo nhằm tạo lập tiền đề, điều kiện để giải quyết vấn đề đói nghèo trong mô hình mới",Thứ trưởng Lê Tấn Dũng đặt vấn đề.
Thời gian tới, Việt Nam sẽ thực hiện cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015. Riêng thu nhập của hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp hai lần.
Cũng tại hội nghị, các ý kiến của đại biểu cũng cho rằng, kinh nghiệm thực tế cho thấy người dân có nhiều tiềm năng để tự thoát nghèo, với điều kiện Chính phủ có các chính sách hỗ trợ tốt cho họ, cũng như có một nền tảng kết nối vững chắc đến các khu vực.
Đặc biệt, để giảm nghèo cần có các chính sách mở cửa nền kinh tế, hợp tác sâu rộng cả trong nước và quốc tế, đó chính là các yếu tố quan trọng quyết định quá trình giảm nghèo và phát triển bền vững.