"Người dân không được dùng pháo hoa nổ"
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137, người dân chỉ được sử dụng loại pháo được quy định rõ tại điều này chứ không được sử dụng loại pháo hoa nổ cũng như pháo nổ
Chiều 2/12, tại cuộc họp báo Chính phủ, báo chí đặt câu hỏi: Nội dung của nghị định về quản lý, sử dụng pháo có nhiều cách hiểu khác nhau. Người dân đang quan tâm sẽ được sử dụng loại pháo nào khi Tết Nguyên đán đang đến gần?
Trả lời báo chí, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho hay: Về Nghị định 137/2020 về quản lý, sử dụng pháo, sau khi nghị định ban hành đã có nhiều báo đưa tin về nội dung này. Đại tá Vũ Minh Hùng, Trưởng phòng Hướng dẫn, Quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an đã trả lời rất kỹ VTV về nội dung này. Quy định nào được làm pháo hoa, những loại pháo hoa nào người dân được phép đốt, việc xuất nhập khẩu có giấy phép hay không?...
So với Nghị định 36/2009, nghị định mới quy định cụ thể, nghiêm khắc hơn so với quy định cũ. Theo quy định mới của Nghị định 137 về khái niệm về pháo thì có 2 loại: Pháo nổ và pháo hoa. Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137, người dân chỉ được sử dụng loại pháo được quy định rõ tại điều này chứ không được sử dụng loại pháo hoa nổ cũng như pháo nổ.
Nói thêm về nội dung này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ ban hành Nghị định 137 thay thế Nghị định 36, quy định rất rõ, liên quan đến pháo nổ và pháo hoa nổ.
Trước đây Nghị định 36 quy định pháo hoa nổ, Nghị định 137 quy định pháo nổ và cấm sử dụng trong các trường hợp. Pháo hoa là loại pháo không có thuốc nổ, chỉ tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây tiếng nổ. Khái niệm pháo hoa theo Nghị định 137 thay đổi hơn so với Nghị định 36, cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng trong các dịp lễ, tết, cưới hỏi, hội nghị, khai trương... đồng thời quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân chỉ được mua pháo từ các doanh nghiệp Bộ Quốc phòng - pháo được sản xuất trong nước.
Qua đây, đề nghị các cơ quan báo chí có các bài viết để người dân, tổ chức hiểu được quy định này. Sau 11 năm Nghị định 36 ban hành, chúng ta đã quản lý tốt so với trước đây rất nhiều. Trước đây, chúng ta nhập pháo từ khắp nơi, sử dụng không có quy định nào cả. Sau khi có Nghị định 36 liên quan đến sử dụng, đốt pháo, tỉ lệ người bị thương và tai nạn trong sử dụng pháo không còn đáng kể. Đó là chúng ta đã thành công, thực hiện tốt Nghị định 36.