Người lao động kêu khó sao Bộ Y tế vẫn im lặng?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị Bộ Y tế đồng ý cho y tế phường, xã cấp giấy chứng nhận người lao động là F0 điều trị tại nhà để làm thủ giải quyết quyền lợi bảo hiểm xã hội. Đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa có phản hồi...
Theo quy định tại khoản 1, 2 Điều 100 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động khi nghỉ chế độ ốm đau của bảo hiểm xã hội cần có giấy ra viện, còn điều trị nội trú thì phải có giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.
Theo luật này, Bộ Y tế quy định mẫu, trình tự, thẩm quyền cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội, giấy ra viện và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo đó giải quyết chế độ cho người lao động.
F0 ĐIỀU TRỊ Ở NHÀ KHÓ LÀM THỦ TỤC HƯỞNG BẢO HIỂM XÃ HỘI
Việc cấp giấy ra viện với các F0 điều trị tại bệnh viện thì không có gì để bàn và đương nhiên Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã giải quyết chế độ cho họ một cách thuận lợi. Sự việc phát sinh do dịch bệnh lây lan nhanh, số F0 tăng liên tục.
Theo số liệu của Bộ Y tế chỉ ngày 4/3/2022 số cả mắc cả nước là 125.568, ngày 5/3 đã tăng lên 131.780 ca. Riêng Hà Nội, những ngày này đã tăng từ 21.395 ca lên đến 25.013. Các địa phương số ca đều tăng. Đa số ca mắc đều điều trị ở nhà. Và người lao động F0 điều trị ở nhà do y tế phường, xã quản lý và cấp giấy khỏi bệnh theo quy định chống dịch của Bộ Y tế.
Đối với những người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội thì cần giấy chứng nhận ra viện. Điều đã nảy sinh vấn đề giải quyết chế độ cho những đối tượng này như thế nào cho đúng với quy định pháp luật.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua các cơ sở khám, chữa bệnh cấp hồ sơ, giấy tờ cho người lao động không đúng theo quy định tại Thông tư 56/2017/TT-BYT (quy định chi tiết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn vệ sinh lao động thuộc lĩnh vực y tế) của Bộ Y tế.
Nhiều nhất là F0 điều trị tại nhà không được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội do bệnh viện cấp. Bởi họ được quản lý bởi y tế phường, xã. Có trường hợp điều trị tại các bệnh viện dã chiến không được cấp giấy ra viện, mà chỉ được cấp giấy chứng nhận ra viện hoặc hoàn thành điều trị, cách ly. Các loại giấy tờ này đều không đúng với mẫu trong Thông tư 56 của Bộ Y tế, dẫn đến cơ quan Bảo hiểm xã hội không thể thanh toán cho người lao động.
BẢO HIỂM XÃ HỘI, CÔNG ĐOÀN KIẾN NGHỊ NHƯNG BỘ Y TẾ VẪN LẶNG IM
Thực ra vướng mắc về thủ tục giấy tờ trên đã xuất hiện từ giữa năm 2021, ngay sau đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Bắc Giang. Thời điểm này Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đề xuất Bộ Y tế xem xét sử dụng giấy xác nhận hoàn thành cách ly điều trị cho F0 để làm căn cứ thanh toán hưởng bảo hiểm xã hội. Bởi nếu thực hiện đúng Thông tư số 56/2017/TT-BYT sẽ gây khó cho người lao động.
Tính từ tháng 6/2021 đến nay, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã có 5 công văn báo cáo, đề nghị với Bộ Y tế xem xét khi số người lao động mắc Covid-19 điều trị tại nhà gia tăng, mà Thông tư số 56/2017/TT-BYT chưa có quy định về việc cấp hồ sơ, giấy tờ làm căn cứ hưởng bảo hiểm xã hội đối với các F0 điều trị tại nhà, tại các cơ sở thu dung điều trị, cơ sở 3 tại chỗ…, cũng như người lao động phải nghỉ việc để chăm sóc con nhỏ dưới 7 tuổi là F0 điều trị tại nhà.
Mới đây nhất, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại có công văn gửi Bộ Y tế nêu kiến nghị của người lao động về việc xác nhận F0 tại y tế xã, phường nơi tạm trú để khai báo và xin giấy xác nhận F0 rất khó khăn do quá tải.
Một số nơi hướng dẫn người lao động về cơ sở y tế của Khu công nghiệp, một số nơi lại hướng dẫn về Công ty để khai báo, có nơi lại yêu cầu về nơi đăng ký thường trú (rất khó khăn đối với người lao động ngoại tỉnh) để làm thủ tục xin cấp giấy xác nhận F0….
Vì thế, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đề nghị Bộ Y tế khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế để hướng dẫn hồ sơ thủ tục hưởng trợ cấp ốm đau cho phù hợp với tình hình thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay và đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội của người lao động.
Thiết nghĩ, với Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19… Bộ Y tế hoàn toàn chủ động giải quyết các vướng mắc trên dễ dàng. Không hiểu tại sao lại để cho người lao động vất vả cũng như Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công đoàn phải làm công văn kêu đến như vậy?