15:56 11/07/2024

Người lao động nghỉ hưu sau ngày 1/7 có được tăng lương hưu thêm 15%?

Phúc Minh

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Nghị định mới của Chính phủ quy định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng với người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024. Vì vậy, những người nghỉ hưu từ ngày 1/7 sẽ không được tăng lương hưu đợt này...

Chi trả lương hưu cho người hưởng. Ảnh: BHXH Việt Nam.
Chi trả lương hưu cho người hưởng. Ảnh: BHXH Việt Nam.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 75/2024 về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng. Theo đó, từ ngày 1/7/2024, điều chỉnh tăng thêm 15% trên mức lương hưu của tháng 6/2024.

Những nội dung mới liên quan đến chế độ lương hưu sau thời điểm ngày 1/7 liệu có thay đổi là nội dung được nhiều người lao động quan tâm gửi câu hỏi đến chuyên gia tại chương trình Giao lưu trực tuyến về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ngày 11/7.

Trả lời vấn đề này, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 75/2024/NĐ-CP, quy định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng với người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024.

Do đó, những người nghỉ hưu từ ngày 1/7/2024 sẽ không được điều chỉnh tăng lương hưu đợt này.

Hiện nay, người hưởng lương hưu luôn được điều chỉnh tăng hằng năm để đảm bảo giá trị. Ngoài lương hưu hằng tháng, trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí từ khi hưởng lương hưu đến khi chết với quyền lợi hưởng cao.

Mức hưởng bảo hiểm  y tế của người nghỉ hưu là 95%. Trong khi mức hưởng bảo hiểm y tế của người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình là 80%.

Trong giai đoạn tuổi già, nguy cơ đối mặt nhiều hơn với ốm đau, bệnh tật nên việc được chia sẻ phần lớn nguồn kinh phí khám chữa bệnh từ Quỹ Bảo hiểm y tế, sẽ giảm bớt áp lực kinh tế cho gia đình người lao động.

Ngoài ra, trong thời gian hưởng lương hưu, không may người hưởng lương hưu qua đời, thì thân nhân sẽ được hưởng chế độ tử tuất, bao gồm: Trợ cấp mai táng phí bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng mà người hưởng lương hưu chết; trợ cấp tuất hàng tháng, với mức trợ cấp bằng 50% hoặc 70% mức lương cơ sở/mức tham chiếu; hoặc trợ cấp tuất một lần.

Bên cạnh mức tăng lương hưu mới, nhiều người lao động cũng quan tâm đến tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng với số năm tham gia bảo hiểm xã hội.

Một nữ lao động hỏi về trường hợp sẽ nghỉ hưu ngày 1/12/2024, hiện đã đóng bảo hiểm xã hội được 29 năm 4 tháng. Theo quy định tỷ lệ hưởng 75% lương hưu là nữ cần 30 năm đóng. Vậy trường hợp này sẽ được tính tỷ lệ lương hưu như thế nào, và có được đóng bù 8 tháng còn thiếu để được hưởng lương hưu tỷ lệ 75% không.

Về nội dung người lao động quan tâm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết theo Điều 54 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 (đã được sửa đổi tại điểm a khoản 1 Điều 219 Bộ Luật Lao động năm 2019), thì người lao động khi nghỉ việc có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức lương hưu hằng tháng của lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi, được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng với 15 năm đóng. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được tính thêm 2%. Mức tối đa bằng 75%.

Như vậy, để đạt được mức lương hưu hằng tháng là 75%, thì lao động nữ khi đủ tuổi hưởng lương hưu cần có đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội.

Các chuyên gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp những thắc mắc của người lao động. Ảnh: BHXH Việt Nam. 
Các chuyên gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải đáp những thắc mắc của người lao động. Ảnh: BHXH Việt Nam. 

Theo quy định tại khoản 6 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu tối đa 6 tháng mới đủ 20 năm đóng, thì họ được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu.

Mức đóng hằng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động, và người sử dụng lao động theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ việc vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Như vậy, với trường hợp người lao động đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, thì không thuộc đối tượng được đóng bảo hiểm xã hội một lần, cho thời gian còn thiếu theo quy định trên.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 không có quy định đối với trường hợp người lao động đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, và đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, thì được đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc một lần cho đủ 30 năm để hưởng lương hưu với tỷ lệ tối đa.

Tuy nhiên, người lao động có thể tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội cho đủ 30 năm, cụ thể là bảo hiểm xã hội bắt buộc tại đơn vị sử dụng lao động, hoặc đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Bên cạnh đó, nhiều người lao động băn khoăn về quy định mới về giảm điều kiện được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm tại Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua.

Quy định này có áp dụng cho những đối tượng đang đóng bảo hiểm trước thời điểm 1/7/2025, hay chỉ áp dụng cho những trường hợp đóng mới từ 1/7/2025.

Thông tin đến người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết căn cứ theo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đã quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu, mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên, thì được hưởng lương hưu hằng tháng.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các quy định của Luật mới được áp dụng đối với người đã tham gia từ trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực.

Việc giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội được xác định theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, tại thời điểm hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp Luật này có quy định khác.

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến nay, cả nước có 18,305 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, đạt tỷ lệ bao phủ là 39,05% dân số, tăng 1,164 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 16,678 triệu người; số người tham gia bảo hiểm xã hộ tự nguyện là 1,627 triệu người.

Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 14,965 triệu người; đạt tỷ lệ bao phủ là 31,93% lực lượng lao động trong độ tuổi; tăng 955 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.