18:30 10/07/2024

Tiến tới tính lương hưu người làm nhà nước và tư nhân như nhau

Phúc Minh

Chuyên gia lý giải, trước đây cách tính lương hưu của người lao động thuộc khu vực Nhà nước có sự khác biệt với doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đã quy định lộ trình tiến tới tính toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội, để tính lương hưu như đối với khu vực tư nhân…

Người hưởng lương hưu nhận chế độ. Ảnh: Xuân Minh.
Người hưởng lương hưu nhận chế độ. Ảnh: Xuân Minh.

Tại chương trình giao lưu trực tuyến “Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Những điểm mới có lợi cho người tham gia) ngày 10/7, người lao động gửi thắc mắc đến các chuyên gia về việc vì sao tiền lương đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính lương hưu của lao động khu vực doanh nghiệp lại là toàn bộ quá trình đóng, chứ không phải tính 5, 10 năm cuối trước nghi nghỉ hưu.

MỨC LƯƠNG HƯU THEO NGUYÊN TẮC ĐÓNG - HƯỞNG

Thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết một trong những nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng, và thời gian đóng.

Theo ông Cường, việc quy định mức lương hưu được tính trên cơ sở tỷ lệ hưởng lương hưu, và mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của toàn bộ quá trình đóng là phù hợp với nguyên tắc nêu trên.

“Không phải người lao động nào, tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của những năm cuối cao hơn những năm trước đó, đặc biệt là người lao động làm việc trong khu vực ngoài Nhà nước. Do vậy, không phải cứ tính theo số năm cuối là được lợi hơn”, ông Cường nói.

Trước đây, đối với người lao động thuộc khu vực Nhà nước, khi tính mức lương hưu thì tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của một số năm cuối trước khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành đã có quy định lộ trình, tiến tới tính toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội, như đối với khu vực ngoài Nhà nước.

Ông Cường cho biết Luật Bảo hiểm xã hội mới vẫn kế thừa quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, về việc điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu.

Theo đó, đối với người lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước, tiền lương đã đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ mức bình quân tiền lương hằng tháng đóng bảo hiểm xã hội, sẽ được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của từng thời kỳ, theo quy định của Chính phủ.

Như vậy, theo quy định của luật mới, tiền lương làm căn cứ đóng của người lao động, vẫn được điều chỉnh theo chỉ số CPI khi tính mức lương hưu.

CHƯA CÓ QUY ĐỊNH HOÁN ĐỔI SỐ NĂM ĐÓNG BẢO HIỂM DƯ ĐỂ NGHỈ HƯU SỚM

Ngoài cách tính mức lương hưu, nhiều người lao động cũng quan tâm về quy định có được hoán đổi số năm đóng dư để về hưu trước tuổi hay không.

Về nội dung này, theo Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mới, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, để được hưởng lương hưu, người lao động phải đáp ứng đủ 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu, và đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định. Luật mới cũng kế thừa quy định của Bộ luật Lao động 2019 về tuổi nghỉ hưu.

Hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội của Việt Nam, và thông lệ của các nước đều không ghi nhận có quy định về việc hoán đổi số năm đóng bảo hiểm xã hội để về hưu trước tuổi.

Người lao động được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi và số năm đóng bảo hiểm. Ảnh: Mạnh Dũng.
Người lao động được hưởng lương hưu khi đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi và số năm đóng bảo hiểm. Ảnh: Mạnh Dũng.

Thông tin thêm về quy định chung của chế độ hưu trí tại Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó trưởng Ban thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết về điều kiện hưởng lương hưu, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu, nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của Bộ luật Lao động.

Đủ tuổi nghỉ hưu, và có tổng thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên khi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Hoặc làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021.

Có tuổi thấp hơn tối đa 10 tuổi so với tuổi quy định, và có từ đủ 15 năm trở lên làm công việc khai thác than trong hầm lò theo quy định của Chính phủ.

Người bị nhiễm HIV/AIDS, do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.

Nếu người lao động nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động, thì cần có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 20 năm trở lên, và được hưởng lương hưu nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi quy định, và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%; thấp hơn tối đa 10 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.

Về tỷ lệ hưởng lương hưu, đối với lao động nữ tính bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội, tương ứng 15 năm đóng, tỷ lệ này với nam tương ứng với 20 năm tham gia. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%. Mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng từ 15-20 năm, thì tỷ lệ hưởng lương hưu tính bằng 40% tương ứng với 15 năm đóng. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Với người nghỉ hưu sớm do suy giảm khả năng lao động, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định bị giảm 2%. Trường hợp thời gian nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng, thì không bị giảm tỷ lệ phần trăm hưởng lương hưu. Từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng thì giảm 1%.