19:14 08/01/2023

Nhà đầu tư cá nhân vẫn bán ròng miệt mài, cổ phiếu nào đang bị xả nhiều nhất?

Thu Minh

Thống kê từ FiinTrade cho thấy nhà đầu tư cá nhân bán ròng 1.750 tỷ đồng trên HoSE trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2023, sau khi đã xả 13.483 tỷ đồng trong tháng 12/2022...

Nguồn: FiinTrade.
Nguồn: FiinTrade.

Vn-Index đóng cửa tuần đầu tiên của năm 2023 với 3 phiên tăng, 1 phiên giảm, có thêm 44,35 điểm tương đương 4,4% đóng cửa tại 1.051,44 điểm.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 10.222 tỷ đồng, tăng 11,45% so với tuần trước đó, giảm 330,1% so với trung bình 5 tuần và 20,4% so với trung bình 20 tuần trước.

Thống kê từ FiinTrade cho thấy, nhà đầu tư cá nhân vẫn bán triền miên từ năm này qua năm khác. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 1.750 tỷ đồng trên HoSE. Tính riêng khớp lệnh họ bán ròng 2.164 tỷ đồng. Họ mua ròng khớp lệnh mạnh nhất DPM, PVT, DGC, NLG, VHC. Nhà đầu tư cá nhân bán ròng khớp lệnh nhiều nhất là HPG, VNM, VPB, VRE, POW.

Trước đó, trong tháng 12/2022, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 13.483 tỷ đồng trên HoSE và bán ròng khớp lệnh là 14.516 tỷ đồng. Trung bình mỗi tháng nhà đầu tư cá nhân bán ròng hàng chục nghìn tỷ đồng trong đó riêng tháng 11 giá trị bán ròng lên tới 19.000 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, nhà đầu tư cá nhân bán ròng 14.340 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tuần thứ 9 liên tiếp, giá trị mua ròng trong tuần đạt 1631 tỷ đồng trên HOSE. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 1.439 tỷ đồng.

Top cổ phiếu mua ròng khớp lệnh tuần này của nước ngoài gồm HPG, VNM, VRE, FUEVFVND, VHM. Điểm đáng ghi nhận nhà đầu tư nước ngoài mua ròng mạnh cổ phiếu họ VinGroup trong tuần. Ngược lại, họ bán ròng DPM, DGC, VGC, PVT, VHC. Như vậy top bán ròng chủ yếu cổ phiếu vốn hóa trung bình.

Nước ngoài mua ròng 12.834 tỷ đồng trong tháng 12/2022, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 13.555 tỷ đồng. Đây là tháng thứ 2 nước ngoài mua ròng mạnh liên tiếp, sau khi mua 15.974 tỷ đồng trên HoSE trong tháng 11. Tính cả năm 2022, nước ngoài mua ròng mạnh thứ 2 trong lịch sử đạt 26.482 tỷ đồng, chỉ đứng sau năm 2018 với mức mua ròng 43.373 tỷ đồng.

Tổ chức trong nước cũng mua ròng 81 tỷ đồng, tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 353 tỷ. Top các mã mua ròng VPB, BID, MBB, FPT, CTG. Họ bán ròng khớp lệnh mạnh nhất FUEVFVND, MSN, GMD, PVT, NLG. 

Nhà đầu tư cá nhân vẫn bán ròng miệt mài, cổ phiếu nào đang bị xả nhiều nhất?  - Ảnh 1

Tự doanh tuần giao dịch vừa qua mua ròng 38 tỷ đồng trong tuần tính riêng khớp lệnh họ mua ròng 372 tỷ đồng. Top mua ròng khớp lệnh của tự doanh trong tuần gồm VPB, HPG, TCB, POW, MBB. Top cổ phiếu được bán ròng gồm FUEVFVND, NVL, FUESSVFL, DGW, PVD.

Xu hướng Dòng tiền, tỉ trọng phân bổ dòng tiền tăng vào nhóm Ngân hàng, Điện nước xăng dầu khí đốt, Xây dựng và vật liệu, giảm ở nhóm Bất động sản, Chứng khoán, Bán lẻ. 

Nhóm Ngân hàng, Điện nước xăng dầu khí đốt, Xây dựng và vật liệu có tỉ trọng giá trị giao dịch tuần này tăng so với tuần trước, cả 3 nhóm đều tăng điểm trong tuần.

Nhóm cổ phiếu Ngân hàng có tuần giao dịch với tỉ trọng giá trị giao dịch tăng lên 23,23% toàn thị trường, chỉ số giá ngành tăng 5,62% trong tuần. Điều này cho thấy nhóm này được mua vào và cầu đẩy giá tăng.

Top cổ phiếu tăng mạnh nhất trong tuần là VBB, NAB, LPB, VIB, STB, BID, TCB, TPB, MBB, SHB, tất cả đều tăng trên 6% riêng VBB tăng 42,39% chỉ trong 1 tuần.

Chỉ số dòng tiền tích lũy FMI_Abs của nhóm Ngân hàng tăng mạnh trong tuần chỉ số giá tăng cho thấy có lực cầu vào mạnh và đẩy giá tăng. Chỉ số FMI-Rel của nhóm Ngân hàng trong tuần tăng lên cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch mạnh hơn.

Nhà đầu tư cá nhân vẫn bán ròng miệt mài, cổ phiếu nào đang bị xả nhiều nhất?  - Ảnh 2

Tuy nhiên, nhóm ngành đáng chú ý trong tuần lại là nhóm Điện nước xăng dầu khí đốt. Nhóm cổ phiếu ngành Điện nước xăng dầu khí đốt có tỉ trọng giá trị giao dịch của ngành tăng lên 2,68% toàn thị trường, cao nhất trong 10 tuần liên tiếp, chỉ số giá tăng 2,59%.

Nhóm cổ phiếu giao dịch mạnh gồm POW, NT2, TMD,GEG, GAS, QTP, trong đó POW tăng mạnh nhất 10,33% trong tuần, QTP tăng 7,53%.

Chỉ số dòng tiền tích lũy FMI_Abs của nhóm Điện nước xăng dầu khí đốt tăng mạnh trong tuần chỉ số giá tăng cho thấy có cầu vào nhóm này. Chỉ số FMI-Rel của nhóm Điện nước xăng dầu khí đốt tăng nhẹ cho thấy so với thị trường chung nhóm này giao dịch nhỉnh hơn thị trường.

Về sức mạnh dòng tiền, Tỉ trọng phân bổ dòng tiền tăng nhẹ vào nhóm vốn hóa nhỏ VNSML trong khi giảm ở cả nhóm vốn hóa vừa VNMID và lớn VN30.

Tỉ trọng giá trị giao dịch bình quân của nhóm vốn hóa lớn VN30 trong tuần giảm xuống 43,33% toàn thị trường, chỉ số giá của nhóm này tăng 5,19%. Tỉ trọng giá trị giao dịch của nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa VNMID giảm xuống 39,73%, chỉ số VNMID tăng 2,68%. Trong khi đó tỉ trọng nhóm vốn hóa nhỏ VNSML tăng lên 11,9%% trong tuần, chỉ số này tăng 2,37%.