07:29 08/06/2021

Nhà đầu tư “nín thở” đợi CPI, S&P 500 giảm điểm

Bình Minh

Thị trường vẫn đang “nhùng nhằng” giữa hai luồng quan điểm: một cho rằng lạm phát cao chỉ là tạm thời, một cho rằng lạm phát sẽ tăng cao kéo dài...

Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: NYSE/CNBC.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: NYSE/CNBC.

Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (7/6), khi nhà đầu tư nghiền ngẫm thông tin về thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, tiếp tục lo về lạm phát, và đợi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố trong tuần này.

Trong một phiên giao dịch có ít thông tin tác động đến thị trường, chỉ số Dow Jones cũng giảm điểm và Nasdaq đi lên. Cả S&P 500 và Dow Jones đều chỉ còn cách chưa đầy 1% so với mức điểm đóng cửa cao nhất mọi thời đại mà hai chỉ số thiết lập trong năm nay.

“Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 đã đi qua. Thị trường đang ở trong giai đoạn chịu sự tác động chủ yếu của các số liệu kinh tế”, Giám đốc đầu tư Joseph Sroka thuộc NovaPoint phát biểu. “Không có nhiều động lực để nhà đầu tư mua bán trong ngày hôm nay”.

Cũng theo ông Sroka, thị trường vẫn đang “nhùng nhằng” giữa hai luồng quan điểm: một cho rằng lạm phát cao chỉ là tạm thời, một cho rằng lạm phát sẽ tăng cao kéo dài. “Báo cáo CPI công bố vào ngày thứ Năm sẽ giúp quyết định bên nào đúng”, ông nói.

Các cổ phiếu vốn hoá nhỏ tăng vượt trội trong phiên này, khi làn sóng nhà đầu tư cá nhân tập hợp trên các diễn đàn mạng xã hội tiếp tục gom mua những cổ phiếu “meme” như GameStop hay AMC và BlackBerry.

Cổ phiếu chuỗi rạp chiếu phim AMC tăng 14,8%, nối tiếp mức tăng 85% của tuần trước. Cổ phiếu hãng bán lẻ trò chơi GameStop tăng 12,7%; cổ phiếu công ty phần mềm BlackBerry tăng 13,8%.

“Chúng ta đã chứng kiến một quá trình dân chủ hoá của thị trường trong suốt mấy thập kỷ qua, nhờ vào sự phổ biến ngày càng lớn của công nghệ. Có những nhóm nhất định nhà đầu tư cá nhân đổ xô mua cổ phiếu là vì thế”, ông Sroka nói. “Những giao dịch đầu cơ của họ đang diễn ra mạnh mẽ, trong kỷ nguyên của sự đa dạng nguồn tin và tin tức trên mạng xã hội”.

Diễn biến chỉ số S&P 500.
Diễn biến chỉ số S&P 500.

Hôm thứ Bảy, nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) nhất trí về thuế doanh nghiệp toàn cầu tối thiểu 15%. Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen gọi đây là một “cam kết quan trọng, chưa từng có tiền lệ” để chấm dứt điều mà bà gọi là “cuộc đua xuống đáy” về thuế trên toàn cầu.

Tại Washington, các nghị sỹ đang nỗ lực nhằm đạt tới một gói đầu tư hạ tầng có sự ủng hộ của cả hai đảng. Phe Dân chủ tại Hạ viện dự kiến sẽ đem dự luật này ra bỏ phiếu sớm nhất vào ngày thứ Tư. Gói hạ tầng do Tổng thống Joe Biden đề xuất có trị giá lúc đầu là 2,3 nghìn tỷ USD, nhưng con số đang được giảm xuống để nhận được sự hậu thuẫn của các nghị sỹ Cộng hoà.

Lúc đóng cửa, Dow Jones giảm 0,36%, còn 34.630,24 điểm; S&P 500 mất 0,08%, còn 4.226,52 điểm; Nasdaq tăng 0,49%, đạt 13.881,72 điểm.

Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, có 7 nhóm chốt phiên trong sắc đỏ. Vật tư là nhóm giảm mạnh nhất, trong khi bất động sản là nhóm tăng mạnh hơn cả.

Cổ phiếu Biogen Inc tăng 38,3% sau khi có tin Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê chuẩn loại thuốc chống bệnh Alzheimer của hãng dược này.

Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp 1,35 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 1,82 lần.

Toàn thị trường có 10,52 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công, so với mức bình quân 10,71 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.