16:11 04/03/2022

Nhà ở cho hộ nghèo phải đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng”

Phan Nam

Sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đang có, đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2. Đồng thời bảo đảm “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc; tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến cho thông tư Hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 /1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Theo dự thảo, việc thực hiện hỗ trợ tuân theo nguyên tắc: Nhà nước hỗ trợ qua phương thức trực tiếp một phần và cho vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở với lãi suất ưu đãi, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tự tổ chức xây dựng nhà ở.

 Sau khi được hỗ trợ, các hộ gia đình phải xây dựng được nhà ở mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở đang có, đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2 (đối với những hộ độc thân không nơi nương tựa, có thể xây dựng nhà ở có diện tích sử dụng nhỏ hơn nhưng không thấp hơn 18 m2) và “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng); tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên. Nhà ở phải đảm bảo an toàn khi xảy ra bão, tố, lốc;

Hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở (bao gồm xây dựng mới hoặc sửa chữa, nâng cấp nhà ở) được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai (nếu có yêu cầu) và chỉ được chuyển nhượng sau khi đã trả hết nợ vay (cả gốc và lãi) cho Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đối tượng được hỗ trợ nhà ở phải đảm bảo có đủ các điều kiện sau: Là hộ nghèo, hộ cận nghèo cư trú trên địa bàn huyện nghèo, được xác định tiêu chí nghèo theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, có trong danh sách hộ nghèo do UBND cấp xã quản lý và là hộ độc lập có thời gian tách hộ đến khi Quyết định số 90/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành tối thiểu 03 năm;

Hộ chưa có nhà ở hoặc đã có nhà ở nhưng nhà ở quá tạm bợ, hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện nhà ở; Hộ chưa được hỗ trợ nhà ở từ các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội khác.

Trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác thì phải thuộc các đối tượng sau: Nhà ở đã bị sập đổ hoặc hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ do thiên tai gây ra như: Bão, lũ, lụt, động đất, sạt lở đất, hỏa hoạn nhưng chưa có nguồn vốn để sửa chữa, xây dựng lại, đã được hỗ trợ nhà ở theo các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở khác có thời gian từ 10 năm trở lên tính đến thời điểm Quyết định số 90/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành nhưng nay nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ.

Về thứ tự ưu tiên hỗ trợ: đầu tiên là các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật) rồi đến hộ gia đình thuộc vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Sau đó là các hộ gia đình thuộc diện còn lại.