Nhà phố cho thuê ế ẩm, cơ hội cho trung tâm thương mại?
Phân khúc nhà phố cho thuê bán lẻ dự báo sẽ còn gặp khó trong việc cho thuê do cạnh tranh từ các trung tâm thương mại mua sắm hiện đại…
Tình trạng treo biển “cho thuê nguyên căn” đối với nhà phố cho thuê tại các tuyến phố kinh doanh sầm uất trước đây vẫn tiếp tục gia tăng do kinh tế khó khăn.
NHÀ PHỐ CHO THUÊ VẪN ẢM ĐẠM
Mặc dù đang vào thời điểm kinh doanh cuối năm, nhưng tình trạng buôn bán ế ẩm khiến nhiều cửa hàng đóng cửa, nhà phố cho thuê mặt bằng treo biển cho thuê nguyên căn vẫn gia tăng. Ngay như chợ Bến Thành hay chợ An Đông tại TP.HCM vừa qua cũng phải nhờ đến lực lượng tiktoker đến hỗ trợ bán hàng online…
Thuộc tuyến phố bán quần áo náo nhiệt tại TP.HCM một thời, chủ cửa hàng bán quần áo trên đường Nguyễn Trãi (quận 1, TP.HCM) cho biết tình trạng bán ế ẩm do kinh tế suy giảm, khách mua online nhiều. Cửa hàng cũng đang tìm cách đẩy mạnh bán online bằng việc livestream.
Nhiều tuyến đường trước kia là nơi cho thuê mặt bằng buôn bán sầm uất tại quận 1 như các tuyến đường quanh khu vực chợ Bến Thành, đường Lê Lợi, đường Hai Bà Trưng… có nhiều căn hộ treo biển cho thuê nguyên căn đã lâu nhưng vẫn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Nhiều nhà phố trước kia đã từng ra giá cho thuê từ 100 - 300 triệu đồng/tháng nay cũng treo biển tìm khách.
Theo số liệu của batdongsan.com.vn, thị trường nhà phố cuối năm tại TP.HCM và Hà Nội sụt giảm khá lớn. Các tuyến phố chính như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Đồng Khởi đều chung cảnh tượng nhà phố trả mặt bằng rất cao. Lượng tin đăng với nhóm này cũng tăng khoảng 40 – 50% so với thời điểm trước đó. Còn tại Hà Nội chủ yếu xảy ra ở quận Hoàn Kiếm.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực miền Nam, phân tích 03 lý do chính dẫn tới tình trạng này: "Thứ nhất, là sự thay đổi mô hình kinh doanh của những đơn vị đi thuê. Giai đoạn vừa rồi, tốc độ tăng trưởng về thương mại điện tử rất lớn. Các đơn vị đi thuê trước đây sử dụng các tuyến phố chính để vừa làm thương hiệu vừa bán hàng. Giai đoạn vừa rồi sau dịch, thị trường khó khăn hơn nên họ phải bắt buộc thay đổi mô hình. Họ tìm đến các nền tảng điện tử như lazada, shopee, tiktok hay facebook. Lý do thứ 2 là sự sụt giảm trong lượng khách đến thị trường trung tâm. Cuối cùng là xu hướng mở rộng ở các thị trường tỉnh của các nhãn hàng và các chuỗi. Bây giờ họ sẽ thu hẹp ở các thị trường chính và chuyển đổi mô hình sang thương mại điện tử và đâu đó họ sẽ mở rộng ở các khu vực tỉnh vùng ven.
Theo các chuyên gia nhận định, tình trạng cho thuê mặt bằng nhà phố tại Hà Nội và TP.HCM đang rơi vào tình trạng ế ẩm do chủ cho thuê vẫn cố giữ mức giá cao, sẵn sàng bỏ trống mặt bằng chứ không thương lượng giá cả.
Từ năm 2022 đến nay, có thể nói là khoảng thời gian thị trường không có nhiều thuận lợi như tiêu dùng bắt đầu sụt giảm, sự tăng trưởng của thương mại điện tử cũng tạo ra thế giằng co giữa người đi thuê và người cho thuê.
Dự báo xu hướng của thị trường cho thuê nhà mặt phố thời gian tới, ông Đinh Minh Tuấn cho biết ít nhất trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục diễn ra việc điều chỉnh. Ở đây, những người cho thuê nhà bắt đầu phải điều chỉnh giá, bắt đầu điều chỉnh các cơ chế và sẽ phù hợp hơn với những nhóm đi thuê. Khi mà kinh tế bắt đầu hồi phục, khi mà các nhãn hàng nước ngoài quay trở lại Việt Nam thì chúng tôi cho rằng thị trường nhà phố cơ bản sẽ bắt đầu chuyển động trong năm 2024, nhưng nói đến độ hồi phục thì phải đến 2025.
Để nhà mặt phố cho thuê hết “ngán ngẩm” thì bản thân chủ cho thuê và người thuê kinh doanh nên chủ động phương án ứng phó với khó khăn chung và có biện pháp thích nghi với tình hình mới. Như thế mới “nhen nhóm” được sự quay trở lại của thị trường cho thuê nhà mặt phố.
TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI NHỘN NHỊP DỊP LỄ
Tình cảnh ảm đạm của các mặt bằng cho thuê tại các tuyến phố không còn sầm uất nhưng tại các trung tâm thương mại ghi nhận sôi động hơn, nhất là trong các dịp lễ nhờ vào dịch vụ tổng hợp và đa dạng vui chơi giải trí hút giới trẻ.
Theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Cho thuê thương mại (Savills Hà Nội), thị trường ghi nhận sự sôi động hơn của phân khúc bán lẻ cao cấp với các hoạt động mở rộng và khai trương của hàng mới. Các thương hiệu cao cấp sử dụng chiến lược một cửa hàng tại các địa điểm đắc địa.
Ngoài ra, mặt bằng bán lẻ tại trung tâm thương mại hút khách là vì so với các quốc gia lân cận như Singapore, Thái Lan, Indonesia, số lượng các thương hiệu quốc tế có mặt tại Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế. Điều này tạo ra một cơ hội lớn cho các thương hiệu muốn mở rộng thị trường, đặc biệt khi họ tìm kiếm những bước tiến đầu tiên tại đây.
Một trong số những lý do thị trường thu hút các thương hiệu nổi tiếng phải kể đến số người siêu giàu tại Việt Nam được ghi nhận tăng gấp đôi và số người giàu tăng thêm 70% trong 5 năm qua, dự báo tiếp tục tăng vọt trong 5 năm tới. Thêm vào đó, triển vọng doanh số của các nhãn hàng xa xỉ tại Việt Nam đồng thời góp phần tạo động lực cho việc tiếp tục mở rộng và kéo các hãng mới mở về thị trường Việt Nam.
“Với lợi thế được phát triển bài bản hơn hẳn là thuê nhà phố nhỏ lẻ, các trung tâm thương mại đang làm ngày một tốt hơn bài toán xây dựng danh mục khách thuê, nâng cấp dịch vụ, tiện ích, hành lang pháp lý rõ ràng để hỗ trợ cho khách bán lẻ”, bà Hoàng Nguyệt Minh nói.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số thách thức đáng kể là số lượng trung tâm thương mại vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các thương hiệu quốc tế. Do đó, sự xuất hiện của các trung tâm thương mại mới trong tương lai sẽ là yếu tố quyết định, không chỉ tạo ra không gian cho các thương hiệu mới mà còn thúc đẩy sự cạnh tranh và đa dạng hóa trong thị trường bán lẻ.
Dự báo về thị trường bán lẻ trong năm 2024, bà Hoàng Nguyệt Minh cho biết thị trường bán lẻ năm 2024 và 2025 sẽ sôi động hơn, khi Việt Nam đang được đánh giá là thị trường trọng điểm trong khu vực Đông Nam Á. Phân khúc nhà phố và khối đế bán lẻ khu chung cư sẽ gặp khó khăn trong việc cho thuê và giá thuê sẽ khó có thể tăng theo giá mặt bằng chung của trung tâm thương mại do đặc thù về quy mô, dịch vụ, tệp khách thuê của từng dự án.