Nhà sáng lập WikiLeaks bị Mỹ buộc tội gián điệp
Với loạt cáo buộc mới từ Mỹ, Julian Assange có thể phải ngồi tù vài thập kỷ nếu bị kết án
Bộ Tư pháp Mỹ ngày 23/5 công bố 17 cáo buộc hình sự mới đối với nhà sáng lập mạng WikiLeaks, ông Julian Assange, cho rằng ông này đã công bố bất hợp pháp danh tính của các nguồn tin mật và thông đồng, hỗ trợ cựu chuyên viên tình báo quân đội Mỹ Chelsea Manning trong việc tiếp cận với các thông tin mật.
Loạt cáo buộc mới được Washington đưa ra đối với ông Assange chỉ hơn 1 tháng sau khi Bộ Tư pháp Mỹ công bố một vụ án hình sự với quy mô nhỏ hơn mà ông Assange là nhân vật chính.
Lúc đầu, ông này chỉ bị buộc tội thông đồng với Manning truy cập vào một máy tính của Chính phủ Mỹ, từ đó là rò rỉ hàng trăm nghìn báo cáo của quân đội Mỹ về các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq. Các báo cáo này đều đã bị Assange tung lên mạng WikiLeaks.
Với các cáo buộc mới, Assange giờ đây đối mặt tổng cộng 18 cáo buộc hình sự, và có thể lĩnh án tù vài thập kỷ nếu bị kết án.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Assange không chỉ hỗ trợ và khuyến khích Manning đánh cắp tài liệu mật, mà ông còn phá hoại cuộc đời của rất nhiều con người liên quan đến các báo cáo bị rò rỉ, gồm những công dân Afghanistan và Iraq, nhà báo, thủ lĩnh tôn giáo, nhà hoạt động nhân quyền và các nhà bất đồng chính kiến… thông qua việc làm lộ danh tính của họ.
Giới chức Mỹ cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã kêu gọi Assange không để lộ danh tính của những nguồn tin như vậy, nhưng WikiLeaks phớt lờ.
Manning bị bắt vào tháng 5/2010 và bị tòa án binh kết án với tội danh gián điệp vì liên quan đến các vụ rò rỉ tài liệu mật trên WikiLeaks. Cựu Tổng thống Barack Obama sau đó đã ký lệnh ân xá, giảm án cho Manning từ 35 năm tù xuống còn 7 năm tù.
Assange hiện đang bị tạm giam ở Anh và đang chống lại các thủ tục dẫn độ của Mỹ. Ông bị cảnh sát Anh bắt vào tháng 4 vừa qua, sau khi bị Chính phủ Ecuador rút lại quyền tị nạn. Trước đó, ông đã có 7 năm sống tị nạn trong đại sứ quán Ecuador ở London.
Assange phải ngồi tù 50 tuần ở Anh vì tội cố tình không ra hầu tòa khi chạy trốn vào đại sứ quán Ecuador vào năm 2012.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ buộc tội gián điệp đối với Assange là một điều khá bất thường. Hầu hết các vụ án về đánh cắp thông tin mật của Mỹ đều nhằm vào các nhân viên của Chính phủ, như Manning, chứ không phải những người tung thông tin như Assange.
Sau khi Anh bắt giữ Assange, cơ quan công tố Thụy Điển đã mở lại cuộc điều tra hình sự nhằm vào cáo buộc rằng ông này tấn công tình dục một phụ nữ khi tới Thụy Điển trước đây.
Không chỉ Mỹ mà Thụy Điển cũng đã đề nghị dẫn độ Assange. Quyết định trao Assange cho nước nào xử lý hiện nằm trong tay Bộ trưởng Bộ An ninh nội địa Anh Sajid Javid.