Nhà thầu đòi chủ đầu tư bồi thường vì chấm thầu sai
Theo nhà thầu, trụ sở phòng giao dịch ngân hàng là công trình xây dựng cấp III nên không nhất thiết yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng thi công công trình tương tự mà chỉ cần công trình xây dựng cấp III là đủ...
Mới đây, TAND tỉnh Tây Ninh đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại giữa Công ty TNHH P. và Ngân hàng A. vì liên quan đến kết quả chấm thầu.
NHÀ THẦU ĐÒI BỒI THƯỜNG 758 TRIỆU ĐỒNG
Theo hồ sơ vụ án, ngày 30/11/2020, Công ty P. tham gia đấu thầu xây dựng qua mạng đấu thầu quốc gia 2 gói thầu xây lắp gồm: Trụ sở Phòng giao dịch AC, huyện Châu Thành và Trụ sở phòng giao dịch C. huyện Dương Minh Châu. Theo kết quả mở thầu thì Công ty P. có giá thấp nhất.
Tuy nhiên, đến ngày 11/12/2020, Trung tâm Quy hoạch và giám định chất lượng có kết quả, Công ty P. không trúng thầu. Lý do đưa ra là Công ty P. không đủ năng lực kinh nghiệm vì không có hợp đồng xây dựng tương tự là “phòng giao dịch ngân hàng”.
Công ty P. thấy rằng hành vi trên của chủ đầu tư và đơn vị chấm thầu hoàn toàn sai với quy định hiện hành. Theo nhà thầu, trụ sở phòng giao dịch ngân hàng là công trình xây dựng cấp III nên không nhất thiết yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng thi công công trình tương tự mà chỉ cần công trình xây dựng cấp III là đủ.
Việc làm của bên mời thầu vi phạm khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 63/2014/NĐCP ngày 26-6-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu quy định: “trong hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng”.
Mặt khác, điểm 5 khoản 1 của Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước quy định: “Không được đưa ra các điều kiện để hạn chế sự tham dự thầu của nhà thầu như: Yêu cầu nhân sự thực hiện gói thầu phải được đóng bảo hiểm xã hội, phải là nhân sự đăng ký hợp đồng với nhà thầu, thiết bị thi công phải thuộc sở hữu của nhà thầu mà không được đi thuê, đã thực hiện hợp đồng tương tự trên một địa bàn cụ thể... hoặc quy định năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cao hơn mức yêu cầu của gói thầu...”.
Do đó, Công ty P. khởi kiện ra tòa án, yêu cầu chủ đầu tư phải bồi thường thiệt hại số tiền 758 triệu đồng gồm lương nhân viên 658 triệu đồng và chi phí làm hồ sơ dự thầu 100 triệu đồng.
Ngân hàng A. cho biết, để việc xây dựng đảm bảo theo quy trình, quy định của pháp luật, đồng thời lựa chọn rộng rãi nhà thầu có năng lực, có kinh nghiệm để xây dựng công trình trụ sở ngân hàng đảm bảo bí mật, đúng quy định về kết cấu, an toàn hệ thống kho tiền theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các Tổ chức Tín dụng nên ngân hàng đã ký hợp đồng với Trung tâm Quy hoạch và Giám định chất lượng xây dựng Tây Ninh để tư vấn lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu và Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng Tổng hợp Tây Ninh để tư vấn thẩm định hồ sơ mời thầu và kết quả lựa chọn nhà thầu.
Trung tâm Quy hoạch và giám định chất lượng xác định đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được pháp luật quy định và bảo hộ. Tất cả hồ sơ và trình tự thủ tục xét thầu đều thể hiện rõ ràng, phù hợp với quy định pháp luật và được Chủ đầu tư cùng đơn vị thứ ba thẩm định kết quả.
Kết quả chấm thầu nhận thấy Công ty P. không đáp ứng điều kiện về năng lực kinh nghiệm trong quản lý và thực hiện hợp đồng xây lắp theo hồ sơ mời thầu cụ thể là “Nhà thầu không có hợp đồng tương tự: Trụ sở Ngân hàng”. Hợp đồng xây lắp tương tự, đặc thù được xem xét, đánh giá như kinh nghiệm nhà thầu khi đã tham gia xây dựng một công trình cụ thể, thực tế, bất kể địa bàn, lĩnh vực ngân hàng.
Vào tháng 9/2022, tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, song Công ty P. tiếp tục kháng cáo lên tòa phúc thẩm.
NHÀ THẦU ĐÃ CHẤP NHẬN ĐIỀU KIỆN CỦA BÊN MỜI THẦU
Tòa phúc thẩm xét thấy, tại hồ sơ mời thầu, phần năng lực của đơn vị dự thầu đã nêu rõ yêu cầu đơn vị dự thầu phải có hợp đồng xây dựng tương tự là “phòng giao dịch ngân hàng” và đã gửi hồ sơ này cho các đơn vị dự thầu.
Lẽ ra với hồ sơ mời thầu như vậy thì Công ty P. có quyền không tham gia đấu thầu nhưng công ty vẫn tham gia đấu thầu là đã chấp nhận điều kiện của bên mời thầu.
Sau khi mở thầu xong, đơn vị mời thầu không chấm kết quả trúng thầu đối với Công ty P. do không đầy đủ năng lực là có căn cứ phù hợp tại Điều 18 của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu.
Trong thời gian chấm thầu từ ngày 30/11/2020 – 11/12/2020 là 10 ngày, chủ đầu tư đã thông báo kết quả chấm thầu “không đạt” cho Công ty P. chứ không phải thông báo “đạt” mà sau đó hủy thầu theo quy định tại Điều 17 của Luật Đấu thầu.
Tòa án xác định, trong thời gian này hai bên chưa ký hợp đồng xây dựng, còn việc trả lương cho đội ngũ nhân viên nghiên cứu hồ sơ mời thầu, làm hồ sơ dự thầu là việc làm thường xuyên của Công ty khi tham gia đấu thầu. Công ty P. cho rằng bị thiệt hại số tiền 758 triệu đồng là không có căn cứ. Do vậy, tòa án bác đơn kháng cáo của công ty.