16:25 15/05/2024

Nha Trang phát huy ưu thế du lịch biển đảo và văn hóa

Tường Bách

Liên hoan Du lịch Biển Nha Trang 2024 sẽ diễn ra từ ngày 13 - 16/6 với chủ đề "Vịnh ngọc Nha Trang bừng sáng". Đây là sự kiện nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đón 9 triệu lượt du khách, doanh thu 40.000 tỷ đồng trong năm nay...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Sau thành công Liên hoan Du lịch biển Nha Trang năm 2022, Liên hoan Du lịch biển Nha Trang lần thứ II năm 2024 được tổ chức nhằm quảng bá sản phẩm du lịch, liên kết các doanh nghiệp du lịch, lữ hành. Trong khuôn khổ của liên hoan còn có nhiều hoạt động khác như: chương trình biểu diễn thời trang, thi diễn nhảy hiphop, diễu hành xe mô tô, diễu hành xe hoa, diễu hành xích lô, giải chạy bán Marathon; Lễ hội ẩm thực Yến sào, Lễ hội bia, lễ hội cà phê, Lễ hội Trái cây và đặc sản vùng miền, biểu diễn các trò chơi trên biển, hội thảo về giải pháp phát triển du lịch bền vững...

Dự kiến, Liên hoan Du lịch biển Nha Trang năm 2024 sẽ thu hút hơn 150.000 lượt khách đến tham quan, tìm hiểu và mua sắm các sản phẩm, trải nghiệm các dịch vụ tại sự kiện. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa cho biết: "Cùng với các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội có những chương trình Lễ hội đường phố, tạo nên sức hút đối với người dân, du khách, hiệu ứng chương trình sẽ tốt hơn. Tạo sức cạnh tranh, liên kết sản phẩm, bổ trợ cho nhau, tạo sân chơi chung, sản phẩm chung cho phát triển du lịch trong thời gian tới".

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng và doanh nghiệp lữ hành tại địa phương nhận định, nếu cho rằng du lịch Nha Trang chỉ dựa vào vẻ đẹp thiên nhiên biển, đảo để “giữ chân” du khách là phiến diện, bởi nơi đây còn có hệ thống các danh thắng gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa bản địa. Và hơn hết, những tập tục, lễ hội, hoạt động văn hóa lâu đời gắn liền với đời sống của ngư dân vùng biển như: Hò bá trạo, Lễ hội Tháp Bà Ponagar, lễ hội cầu ngư, Lễ hội Yến sào, Hô bài chòi… đã góp phần quan trọng tạo sức hút cho du khách đến với nơi này.

Hệ thống các danh thắng gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa bản địa là sức hút để du khách đến với Nha Trang.
Hệ thống các danh thắng gắn bó chặt chẽ với đời sống văn hóa bản địa là sức hút để du khách đến với Nha Trang.

Trong buổi làm việc với TP. Nha Trang vừa qua, ông Phan Đình Phùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, bên cạnh du lịch biển, đảo, thành phố cần quan tâm hơn nữa đến việc phát triển du lịch cộng đồng, du lịch đồng quê, đưa sản phẩm OCOP vào phục vụ du lịch. Trước mắt, có thể xây dựng tour du lịch tâm linh Am Chúa - Suối Đổ - Tháp Bà Ponagar. 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành quốc tế Tictour cho rằng, tiềm năng du lịch Nha Trang rất lớn nhưng lâu nay thành phố, các doanh nghiệp chỉ khai thác du lịch nghỉ dưỡng và các tour tham quan biển, đảo. Đó là điều đáng tiếc và cần sớm khắc phục. Hiện nay, khách du lịch tàu biển khi đến Nha Trang rất thích các tour tham quan ở ngoại thành, thăm đồng lúa Vĩnh Phương, tham quan nhà cổ và đình Phú Vinh ở Vĩnh Thạnh để tìm hiểu về văn hóa người Việt.

Nhiều khách trong nước và quốc tế cũng rất thích đến Khu du lịch Nha Trang xưa ở xã Vĩnh Thái để tham quan mô hình nhà cổ, nghề truyền thống và thưởng thức ẩm thực. Nha Trang nên có nhiều hơn những điểm đến có chất văn hóa, sinh thái cộng đồng như Nha Trang Xưa và không chỉ có nhà cổ, vườn quê mà còn phải chú trọng đưa văn hóa biển độc đáo như: Tục thờ cá ông, lễ hội Cầu ngư… vào hoạt động du lịch; khôi phục lại các tour du lịch trên sông Cái. Nếu thành phố có chiến lược bài bản, khuyến khích xây dựng các khu, điểm du lịch cộng đồng và đẩy mạnh công tác truyền thông thì có thể rất hút khách… 

Địa phương dự định đưa văn hóa biển độc đáo như: Tục thờ cá ông, lễ hội Cầu ngư… vào hoạt động du lịch.
Địa phương dự định đưa văn hóa biển độc đáo như: Tục thờ cá ông, lễ hội Cầu ngư… vào hoạt động du lịch.

Trước đó, ngày 13/5, ông Nguyễn Thanh Hà, Chánh văn phòng UBND tỉnh, cho biết dự thảo nghị quyết quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan danh lam thắng cảnh quốc gia vịnh Nha Trang đang được thực hiện các bước, trước khi trình HĐND tỉnh xem xét. Vịnh Nha Trang rộng gần 250 km2, là một trong 16 khu bảo tồn biển của cả nước. Nơi đây có nhiều san hô và hệ sinh thái phong phú, đa dạng bậc nhất Việt Nam, các bãi lặn nổi tiếng, thu hút du khách đến lặn biển, xem đáy đại dương.

Trong các năm 2004-2009, HĐND tỉnh Khánh Hòa ban hành hai nghị quyết về thu phí tham quan danh lam thắng cảnh vịnh Nha Trang nhưng khi thực hiện có doanh nghiệp không đồng tình. Từ năm 2010 đến nay, thu phí tham quan tại vịnh Nha Trang chỉ áp dụng đối với khách đến tham quan khu bảo tồn biển Hòn Mun. Đến năm 2022, sau sự cố san hô trong vịnh Nha Trang bị chết hàng loạt, địa phương đã ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi vịnh đến năm 2030, trong đó có́ giải pháp "tạo nguồn tài chính bền vững cho hoạt động quản lý vịnh".

Theo dự thảo, mức phí cho khách du lịch người Việt Nam, người nước ngoài tham quan vịnh Nha Trang là 30.000 đồng mỗi lượt; giảm 50% phí cho trẻ em từ 6 đến 16 tuổi; miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, công dân cư trú tại Khánh Hòa, người dân và du khách tắm tại các bãi ven đất liền, cư dân sinh sống, thường trú trên các đảo, người khuyết tật đặc biệt nặng.

 

Mới đây, toa xe lửa sang trọng khứ hồi Nha Trang - Quy Nhơn vừa mới ra mắt đã thu hút sự quan tâm của tờ CNN. Đây là toa tàu thứ hai mà The Vietage by Anantara khai thác sau toa hạng sang tuyến Đà Nẵng - Quy Nhơn xuất hiện vào năm 2020. Toa tàu sang trọng này nằm trên tuyến xe lửa thương mại SE8 (Hà Nội - Sài Gòn) và SE21 (Đà Nẵng - Sài Gòn). Chuyến Nha Trang - Quy Nhơn có thời gian đi là 5 tiếng với tốc độ gần 52km/h, kết nối các điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng của Nha Trang và Quy Nhơn.