20:12 22/02/2011

Nhân công Trung Quốc không còn vô tận

An Huy

Tình trạng thiếu lao động đã trở thành một trong những chủ đề “nóng” trên báo chí Trung Quốc những ngày này

Trung Quốc có khả năng thiếu lao động.
Trung Quốc có khả năng thiếu lao động.
Vào một trong những ngày tuyển dụng bận rộn nhất của năm, anh Yang Guowei đến từ New Happiness Hair Accessory Company - một công ty chuyên về sản xuất phụ kiện thời trang tóc - ngồi thu mình phía sau một chiếc bàn nhỏ ở sàn việc làm thuộc thành phố Yiwu thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Yang đang cố gắng tuyển 10 công nhân nhưng xem ra những nỗ lực của anh không thành công. Mức lương tháng mà anh đưa ra để mời chào là 1.800-3.000 Nhân dân tệ, tương đương 274 - 456 USD, cao hơn năm ngoái tới 30%, nhưng không có ứng viên nào nộp hồ sơ.

“Tôi đã ngồi đây 4 ngày mà chưa tìm được công nhân nào”, anh Yang buồn bã nói.

Trong khi đó, ở bàn kế bên, ông Wang Lai, Giám đốc nguồn nhân lực của công ty Langsha Knitting, cho biết đợt tuyển dụng này của họ rất thành công. Langsha cần tuyển 2.000 công nhân và đã tuyển gần xong. Nhưng cần phải nói thêm Langsha là một trong những công ty sản xuất tất lớn nhất thế giới, cho “ra lò” gần 1 triệu đôi tất mỗi ngày.

Theo tờ Financial Times, tình trạng thiếu lao động đã trở thành một trong những chủ đề “nóng” trên báo chí Trung Quốc những ngày này, khi mà các công nhân nhập cư rục rịch trở lại các nhà máy sau kỳ nghỉ lễ. Tuy nhiên, đối với một số doanh nghiệp, việc tuyển người vẫn diễn ra khá dễ dàng. Trong khi những nhà máy nhỏ phải vật lộn với nguồn cung lao động thắt chặt trên toàn quốc, thì những công ty lớn với mức lương và phúc lợi tốt hơn lại không lo thiếu nhân công.

Hàng loạt địa phương ở Trung Quốc đã và đang tính chuyện tăng lương tối thiểu cho người lao động. Tháng tới, tỉnh Quảng Đông - một trung tâm sản xuất công nghiệp của Trung Quốc - sẽ thực hiện tăng lương tối thiểu thêm 18%. Tại thành phố Đông Quản của tỉnh này, các doanh nghiệp đang hứa sẽ tăng thưởng hàng năm, kéo dài thời gian nghỉ phép, thậm chí là tặng quà sinh nhận để lôi kéo công nhân.

“Giờ thì công nhân là Trời”, anh Yang phàn nàn với phóng viên Financial Times.

Lời phàn nàn của anh Yang phản ánh một sự chuyển biến lớn trong cơ cấu dân số của Trung Quốc. Nguồn cung lao động từng một thời tưởng như vô tận của nước này giờ đã không còn… vô tận. Số người bắt đầu gia nhập lực lượng lao động -  có độ tuổi 15-24 - tại Trung Quốc đã đạt đỉnh ở mức 227 triệu người vào năm 2005 và được dự báo sẽ giảm xuống còn 150 triệu người vào năm 2024.

Ông William Fung, Giám đốc công ty chuỗi cung cấp lớn nhất thế giới Li & Fung, cho rằng, thế giới cần chuẩn bị sẵn sàng cho tình trạng lạm phát chi phí đẩy. Ngoài chi phí nhân công tăng với tốc độ cao gấp đôi ở Trung Quốc trong năm 2010 và 2011, giá đầu vào cũng đang gia tăng. Chẳng hạn, giá bông vải trên thị trường thế giới đã tăng 150% trong năm qua.

“Có một sự thật là các nhà cung cấp sẽ phải đẩy những mức tăng chi phí này sang người tiêu dùng”, ông Fung nói. Có điều, cơ hội - chí ít là trong việc tìm lao động - cho những doanh nghiệp “tỷ đô” như Li & Fung và những công ty quy mô nhỏ đang làm ăn ở Trung Quốc là khác nhau.

Quảng Đông không phải là khu vực đương đầu với tình trạng thiếu lao động. Ở những tỉnh nghèo như An Huy, vốn trước đây vẫn là nguồn cung cấp công nhân nhập cư dồi dào, mức lương cao hơn ở các nhà máy gần nhà đã giữ chân ngày càng nhiều người lao động ở lại địa phương thay vì đi tìm việc ở nơi khác.

Anh Li Weining, 23 tuổi, đã bỏ việc tại nhà máy Honda ở Quảng Châu và chuyển sang làm việc tại một nhà máy khác ở Zhangjian, cách Quảng Châu 400 km. Lý do là nhà máy mới này gần nhà anh hơn và chi phí sinh hoạt ở đây cũng rẻ hơn. “Tôi kiếm được 1.600 Nhân dân tệ mỗi tháng, cũng gần bằng lương hồi làm cho Honda”, anh Li cho biết.

Cách tính toán của anh Li xem ra đơn giản hơn cách so sánh chi phí giữa các nước khác nhau của các công ty đa quốc gia. Khó có chuyện phần lớn các công ty đang sản xuất tại Trung Quốc chuyển tới các quốc gia khác như Ấn Độ hay Bangladesh.

Hãng tư vấn Dragonomics đã chỉ ra rằng, năng suất lao động tại Trung Quốc tăng bình quân 13% trong ngành may mặc từ năm 2003-2013, bù đắp lại tốc độ tăng lương. Theo hãng này, tốc độ tăng năng suất lao động tại Trung Quốc cao hơn nhiều so với ở các nước như Brazil, Việt Nam, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thêm vào đó, đối với những ngành công nghiệp như lắp ráp linh kiện điện tử, những chuỗi cung cấp hiệu quả và có liên hệ mật thiết khiến việc chuyển nhà máy sang một quốc gia khác là điều không dễ dàng.

Chưa hết, theo Ngân hàng Thế giới (WB), cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tốt ngang với ở Hàn Quốc. Hãng tư vấn Dragonomics cho rằng, Trung Quốc là sự kết hợp giữa “mức lương của một nước đang phát triển với cơ sở hạ tầng của một nước phát triển”.