Nhận diện nguồn hàng bị “xả lũ”
Có thể khẳng định ngân hàng thương mại chưa giải chấp mạnh. Vậy nguồn hàng “xả lũ” thời gian qua từ đâu?
Có thể khẳng định ngân hàng thương mại chưa giải chấp mạnh. Vậy nguồn hàng “xả lũ” thời gian qua từ đâu?
Từ thời điểm VN-Index tái lập mốc 550 điểm và HASTC-Index tiến sát 200 điểm, nguồn hàng bán ra liên tục duy trì ở mức cao. Đây là một nguyên nhân chính khiến thị trường đảo chiều và không thể phục hồi.
Phía sau nguồn hàng đó, dư luận hoài nghi về khả năng các ngân hàng thương mại “bất chấp” lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục giải chấp mạnh, nhấn chìm nỗ lực phục hồi của thị trường.
Nhưng thực tế lại có ở những hướng khác.
Ngân hàng vẫn chưa giải chấp
Thông tin này vừa được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định cuối tuần qua. Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban, cho biết trong báo cáo gần đây, đại bộ phận ngân hàng đã chấp hành rất nghiêm túc việc chưa giải chấp chứng khoán cầm cố.
Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán), cũng nhận định hoạt động giải chấp vừa qua cũng không nhiều vì các ngân hàng đã cam kết với Chính phủ tạm ngừng trong thời điểm hiện tại.
Về phía các ngân hàng thương mại, theo tìm hiểu của VnEconomy, hầu hết đều chưa có hiện tượng “xả hàng” liên quan. Tại các đầu mối như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), Ngân hàng Quân đội (MB)…, trường hợp chứng khoán giảm giá xuống dưới mức cầm cố, repo đã và đang được vận động nhà đầu tư bổ sung vốn hoặc tài sản đảm bảo. Thậm chí có trường hợp ngân hàng đặt vấn đề mua lại chính chứng khoán cầm cố theo giá thỏa thuận với nhà đầu tư.
Tại một số ngân hàng khác, tiêu biểu như Ngân hàng Á châu (ACB), an toàn dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán hiện được khẳng định vẫn trong tầm kiểm soát. Đây cũng là thuận lợi để “triệt tiêu” bớt áp lực giải chấp tại ngân hàng này. Trước đó, ACB khá thận trọng khi chỉ xét cho vay theo hạn mức 30% thị giá của chứng khoán.
Tại một số thành viên có hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán khá mạnh trong năm 2007, một điểm chung là đã có nhiều hợp đồng đáo hạn với sự hợp tác nghiêm túc từ phía nhà đầu tư. Với những hợp đồng mới, áp lực giải chấp đang thể hiện khi giá chứng khoán giảm quá mạnh và nhanh chỉ trong quý 1/2008. Thông tin từ những thành viên này là cần sự hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Nhà nước, đi cùng với sự đồng thuận chưa giải chấp chứng khoán cầm cố.
Vốn tự doanh đang đánh đổi cơ hội
Ngân hàng chưa giải chấp mạnh như hoài nghi và lo ngại. Vậy nguồn hàng ồ ạt đặt bán từ thời điểm nới biên độ có từ đâu?
Trong 10 phiên gần nhất, chỉ tính riêng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Tp.HCM là 86.175.990 cổ phiếu và 5.082.330 chứng chỉ quỹ; trên sàn Hà Nội là 34.746.100 cổ phiếu; tổng cả hai sàn là 126 triệu đơn vị, bình quân mỗi phiên có 12,6 triệu đơn vị.
Con số trên là một khối lượng lớn xét theo biên độ hẹp và trong bối cảnh suy giảm hiện nay. Nguồn bán ra được xác định từ nhiều hướng.
Trước hết, đó là sự hài lòng khi có được chênh lệch từ 7% đến trên 10% của lượng hàng nhập từ mốc VN-Index dưới 500 điểm, HASTC-Index ở đáy 166,57 điểm. Và mức điểm của hai chỉ số hiện tại vẫn thúc đẩy nhiều nguồn hàng bán ra với chênh lệch nhất định và cả khả năng bảo toàn vốn chờ xu hướng mới.
Dù hầu hết các ngân hàng thương mại cho biết tôn trọng yêu cầu ngừng giải chấp, nhưng lượng hàng liên quan âm thầm bán ra vẫn không thể loại trừ. Đây cũng là điểm ngắm mà Ủy ban Chứng khoán sẽ tiến hành kiểm tra, theo lời của một lãnh đạo cơ quan này.
Và điểm đáng chú ý nhất liên quan đến nguồn hàng bán ra vừa qua là sự đánh đổi cơ hội của vốn tự doanh.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, từ đầu năm đến nay không có một doanh nghiệp nào bán ra cổ phiếu quỹ. Nhưng vẫn có những cổ đông lớn là tổ chức thông báo bán ra, trong đó có các ngân hàng thương mại.
Lượng hàng bán ra đó không phải chứng khoán cầm cố mà được xác định là khoản tự doanh, vốn đã được đầu tư dài hạn trước đó. Hoạt động bán ra này là cắt lỗ hoặc cắt lãi còn phải xét lại cụ thể từng trường hợp, nhưng có một mục đích chung là cùng đánh đổi cơ hội.
Tự doanh, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại, đã và đang bán ra, bỏ cơ hội giá thấp trên sàn niêm yết để nắm lấy những cơ hội ngoài sàn hấp dẫn hơn. Đó là hoạt động cho vay, tài trợ thương mại hoặc chí ít cũng để đáp ứng tính thanh khoản trong bối cảnh chính sách tiền tệ bị thắt chặt.
Một tính toán ở bề nổi và đơn giản là chỉ cần cho vay qua đêm, ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng, lãi thu về đã có thể đạt tới 19%/năm, mức đỉnh biến động trên thị trường này vừa qua. Mức lãi này thực sự hấp dẫn so với khả năng sinh lời đang ngày một khó khăn, thậm chí khắc nghiệt, trên sàn chứng khoán.
Trường hợp ngân hàng đẩy chứng khoán tự doanh ra lấy vốn cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp còn có thể dễ dàng thu về mức lãi lên tới trên 21%/năm – một con số hấp dẫn hơn.
Và phía sau sự đánh đổi đó, một khẳng định gián tiếp được rút ra là cơ hội trên sàn niêm yết đang trong bối cảnh khó khăn. Điều này cũng giải thích vì sao con số 5.000 tỷ đồng tiền mặt của các quỹ (theo số liệu mới đây của Ủy ban Chứng khoán) vẫn chưa ồ ạt nhập cuộc, ngoài khối đầu tư nước ngoài, dù giá chứng khoán đã xuống thấp.
Từ thời điểm VN-Index tái lập mốc 550 điểm và HASTC-Index tiến sát 200 điểm, nguồn hàng bán ra liên tục duy trì ở mức cao. Đây là một nguyên nhân chính khiến thị trường đảo chiều và không thể phục hồi.
Phía sau nguồn hàng đó, dư luận hoài nghi về khả năng các ngân hàng thương mại “bất chấp” lời kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục giải chấp mạnh, nhấn chìm nỗ lực phục hồi của thị trường.
Nhưng thực tế lại có ở những hướng khác.
Ngân hàng vẫn chưa giải chấp
Thông tin này vừa được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định cuối tuần qua. Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban, cho biết trong báo cáo gần đây, đại bộ phận ngân hàng đã chấp hành rất nghiêm túc việc chưa giải chấp chứng khoán cầm cố.
Ông Nguyễn Sơn, Trưởng ban Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán), cũng nhận định hoạt động giải chấp vừa qua cũng không nhiều vì các ngân hàng đã cam kết với Chính phủ tạm ngừng trong thời điểm hiện tại.
Về phía các ngân hàng thương mại, theo tìm hiểu của VnEconomy, hầu hết đều chưa có hiện tượng “xả hàng” liên quan. Tại các đầu mối như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Ngoài quốc doanh (VPBank), Ngân hàng Quân đội (MB)…, trường hợp chứng khoán giảm giá xuống dưới mức cầm cố, repo đã và đang được vận động nhà đầu tư bổ sung vốn hoặc tài sản đảm bảo. Thậm chí có trường hợp ngân hàng đặt vấn đề mua lại chính chứng khoán cầm cố theo giá thỏa thuận với nhà đầu tư.
Tại một số ngân hàng khác, tiêu biểu như Ngân hàng Á châu (ACB), an toàn dư nợ cho vay cầm cố chứng khoán hiện được khẳng định vẫn trong tầm kiểm soát. Đây cũng là thuận lợi để “triệt tiêu” bớt áp lực giải chấp tại ngân hàng này. Trước đó, ACB khá thận trọng khi chỉ xét cho vay theo hạn mức 30% thị giá của chứng khoán.
Tại một số thành viên có hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán khá mạnh trong năm 2007, một điểm chung là đã có nhiều hợp đồng đáo hạn với sự hợp tác nghiêm túc từ phía nhà đầu tư. Với những hợp đồng mới, áp lực giải chấp đang thể hiện khi giá chứng khoán giảm quá mạnh và nhanh chỉ trong quý 1/2008. Thông tin từ những thành viên này là cần sự hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Nhà nước, đi cùng với sự đồng thuận chưa giải chấp chứng khoán cầm cố.
Vốn tự doanh đang đánh đổi cơ hội
Ngân hàng chưa giải chấp mạnh như hoài nghi và lo ngại. Vậy nguồn hàng ồ ạt đặt bán từ thời điểm nới biên độ có từ đâu?
Trong 10 phiên gần nhất, chỉ tính riêng khối lượng giao dịch thành công trên sàn Tp.HCM là 86.175.990 cổ phiếu và 5.082.330 chứng chỉ quỹ; trên sàn Hà Nội là 34.746.100 cổ phiếu; tổng cả hai sàn là 126 triệu đơn vị, bình quân mỗi phiên có 12,6 triệu đơn vị.
Con số trên là một khối lượng lớn xét theo biên độ hẹp và trong bối cảnh suy giảm hiện nay. Nguồn bán ra được xác định từ nhiều hướng.
Trước hết, đó là sự hài lòng khi có được chênh lệch từ 7% đến trên 10% của lượng hàng nhập từ mốc VN-Index dưới 500 điểm, HASTC-Index ở đáy 166,57 điểm. Và mức điểm của hai chỉ số hiện tại vẫn thúc đẩy nhiều nguồn hàng bán ra với chênh lệch nhất định và cả khả năng bảo toàn vốn chờ xu hướng mới.
Dù hầu hết các ngân hàng thương mại cho biết tôn trọng yêu cầu ngừng giải chấp, nhưng lượng hàng liên quan âm thầm bán ra vẫn không thể loại trừ. Đây cũng là điểm ngắm mà Ủy ban Chứng khoán sẽ tiến hành kiểm tra, theo lời của một lãnh đạo cơ quan này.
Và điểm đáng chú ý nhất liên quan đến nguồn hàng bán ra vừa qua là sự đánh đổi cơ hội của vốn tự doanh.
Theo thống kê của Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM, từ đầu năm đến nay không có một doanh nghiệp nào bán ra cổ phiếu quỹ. Nhưng vẫn có những cổ đông lớn là tổ chức thông báo bán ra, trong đó có các ngân hàng thương mại.
Lượng hàng bán ra đó không phải chứng khoán cầm cố mà được xác định là khoản tự doanh, vốn đã được đầu tư dài hạn trước đó. Hoạt động bán ra này là cắt lỗ hoặc cắt lãi còn phải xét lại cụ thể từng trường hợp, nhưng có một mục đích chung là cùng đánh đổi cơ hội.
Tự doanh, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại, đã và đang bán ra, bỏ cơ hội giá thấp trên sàn niêm yết để nắm lấy những cơ hội ngoài sàn hấp dẫn hơn. Đó là hoạt động cho vay, tài trợ thương mại hoặc chí ít cũng để đáp ứng tính thanh khoản trong bối cảnh chính sách tiền tệ bị thắt chặt.
Một tính toán ở bề nổi và đơn giản là chỉ cần cho vay qua đêm, ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng, lãi thu về đã có thể đạt tới 19%/năm, mức đỉnh biến động trên thị trường này vừa qua. Mức lãi này thực sự hấp dẫn so với khả năng sinh lời đang ngày một khó khăn, thậm chí khắc nghiệt, trên sàn chứng khoán.
Trường hợp ngân hàng đẩy chứng khoán tự doanh ra lấy vốn cho vay tiêu dùng, cho vay doanh nghiệp còn có thể dễ dàng thu về mức lãi lên tới trên 21%/năm – một con số hấp dẫn hơn.
Và phía sau sự đánh đổi đó, một khẳng định gián tiếp được rút ra là cơ hội trên sàn niêm yết đang trong bối cảnh khó khăn. Điều này cũng giải thích vì sao con số 5.000 tỷ đồng tiền mặt của các quỹ (theo số liệu mới đây của Ủy ban Chứng khoán) vẫn chưa ồ ạt nhập cuộc, ngoài khối đầu tư nước ngoài, dù giá chứng khoán đã xuống thấp.