7 tháng năm 2022: Nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi lên tới 3,1 tỷ USD.
Do nguồn cung từ ngành trồng trọt trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 37% lượng nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi, vì vậy kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc trong 7 tháng năm 2022 lên tới 3,1 tỷ USD…
Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết trong 7 tháng năm 2022, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã phải chi tới gần 2,7 tỷ USD để nhập khẩu 2 nguyên liệu chính là ngô, đậu tương.
Ngoài ra, Việt Nam còn tốn hơn 400 triệu USD để nhập khẩu các nguyên liệu khác: khô dầu các loại 2,2 triệu tấn; lúa mỳ 0,73 triệu tấn; bột cá, bột xương, đạm động vật, hỗn hợp các chất vi lượng (Premix).
Như vậy, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm từ đầu năm đến nay lên tới 3,1 tỷ USD.
NHẬP 5,1 TRIỆU TẤN NGÔ VÀ 1,3 TRIỆU TẤN ĐẬU TƯƠNG
Theo Cục Chăn nuôi, do sản lượng ngô và đậu tương trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 37% nhu cầu của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên suốt nhiều năm qua nước ta phải nhập khối lượng rất lớn 2 nguyên liệu này.
Với mặt hàng ngô, khối lượng nhập khẩu tháng 7/2022 đạt 500.000 tấn với trị giá đạt 191,7 triệu USD. Lũy kế 7 tháng, nhập khẩu ngô đạt 5,1 triệu tấn, tương đương 1,8 tỷ USD, giảm 21,9% về lượng nhưng không biến động nhiều về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá ngô nhập khẩu vẫn neo ở mức cao 300 - 380 USD/tấn.
Khối lượng đậu tương nhập khẩu tháng 7/2022 ước đạt 250.000 tấn với trị giá đạt 189,4 triệu USD, đưa tổng khối lượng và trị giá nhập khẩu đậu tương 7 tháng năm 2022 đạt 1,3 triệu tấn và 893,6 triệu USD, tương đương về khối lượng và tăng 22,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Brazil, Hoa Kỳ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 với 99,2% thị phần.
"Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp nửa đầu năm 2022 đạt 10,5 triệu tấn, bằng với 6 tháng đầu năm 2021. Trong đó thức ăn cho lợn chiếm khoảng 55% tổng sản lượng, tăng khoảng 13,2%,; cho gia cầm chiếm 40%, giảm khoảng 8,6%, các loại khác chiếm 5%, giảm khoảng 12,5%".
Số liệu từ Cục Chăn nuôi.
Cục Chăn nuôi cho rằng dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có chuỗi cung ứng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu. Nguồn cung giảm, giá cước vận chuyển tăng cao đã đội giá nguyên liệu và thành phẩm.
Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng chính trị giữa Nga và Ukraine (nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và thứ tư trên thế giới) đang tác động lớn đến nguồn cung và giá lương thực toàn cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá ngô và các mặt hàng nông sản khác trên thị trường thế giới và Việt Nam.
Mặt khác, Hoa Kỳ tăng sản xuất cồn sinh học từ ngô, các nước Nam Mỹ như Argentina, Brazil mất mùa vì hạn hán đã khiến lượng ngô xuất khẩu giảm mạnh, đẩy giá lên cao.
Ngoài ra, thời gian gần đây một số nước có chính sách tạm dừng xuất khẩu lương thực để đảm bảo an ninh lương thực trong nước cũng sẽ làm giảm nguồn cung và tăng giá nguyên liệu thức ăn trên thế giới. Vấn đề này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp và người chăn nuôi khi chi phí sản xuất tăng cao trong khi giá bán sản phẩm chăn nuôi có xu hướng giảm.
Từ tháng 7/2022 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi theo xu hướng giảm nhẹ.
Hiện nay, giá một số nguyên liệu chính so với bình quân trong tháng 6 giảm, cụ thể: giá ngô hạt 8.600 đồng/kg (giảm 5,5%); khô dầu đậu tương 14.050 đồng/kg (giảm 0.4%); dinh dưỡng gia súc 10.500 đồng/kg (tương đương); cám gạo chiết ly 5.550 đồng/kg (giảm 0,3%).
Cục Chăn nuôi dự báo rằng trong 5 tháng cuối năm, giá một số nguyên liệu chính của ngành thức ăn chăn nuôi có thể giảm. Tuy nhiên, mức giảm được cho là không nhiều do gần đây một số nước đang thực hiện chính sách an ninh lương thực trong nước cấm xuất khẩu, ảnh hưởng đến giá ngô, khô đậu tương, lúa mỳ làm thức ăn chăn nuôi.
VẪN LOAY HOAY "BÀI TOÁN" NGUYÊN LIỆU
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, suốt giai đoạn từ năm 2013 đến nay, nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chỉ giảm trong 2 năm là 2017 và 2019, còn lại các năm khác trị giá nhập khẩu đều tăng.
Cụ thể, kim ngạch nhập khẩu năm 2013 là 3 tỷ USD; năm 2014 là 3,25 tỷ USD; năm 2015 là 3,39 tỷ USD; năm 2016 là 3,44 tỷ USD. Đến năm 2017, trị giá nhập khẩu giảm 6,4% so với năm 2016, đạt hơn 3,22 tỷ USD.
Ngay sau đó năm 2018, trị giá nhập khẩu tăng mạnh 21,2% so với năm 2017, đạt hơn 3,91 tỷ USD. Năm 2019, trị giá nhập khẩu đạt hơn 3,7 tỷ USD, giảm 5,4% so với năm 2018.
Tuy nhiên trong 3 năm qua, kim ngạch nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu đã tăng mạnh. Cụ thể, năm 2020 lên tới 3,84 tỷ USD; năm 2021 lên 4,93 tỷ USD.
“Năng suất ngô bình quân ở nước ta mới chỉ đạt 4,8 - 5 tấn/ha; trong khi các nước sử dụng nguồn giống biến đổi gen, năng suất lên tới 9 tấn/ha. Hay như cây đậu tương, năng suất ở Hoa Kỳ đạt tới 132 quả/cây, còn Việt Nam mỗi cây cho chưa tới 70 quả”.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trao đổi với báo chí về tình trạng kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi quá cao, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng năng suất trồng ngô, đậu tương của Việt Nam thấp, giá thành sản xuất cao, lợi nhuận kém hấp dẫn so với các cây trồng khác.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho hay gần như 100% ngô hạt nhập khẩu là ngô chuyển gen. Việt Nam cũng cho phép trồng các giống ngô chuyển gen từ nhiều năm nay, tuy nhiên diện tích trồng các giống ngô chuyển gen còn thấp.
Thực tế cho thấy, sử dụng giống chuyển gen đã giúp cây trồng có các loại gen như gen chống cỏ dại, gen chống sâu đục thân…, đảm bảo tiềm năng, năng suất của cây trồng, giảm chi phí sản xuất. Nhưng, do ngô ở nước ta chủ yếu trồng trên đất dốc, đất đồi núi, đất không màu mỡ, nước tưới vẫn phụ thuộc thiên nhiên, vì vậy chưa phát huy được tối đa năng suất của các giống ngô chuyển gen.
Theo các chuyên gia về chăn nuôi, việc thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong ngắn hạn là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Bởi vì, suốt 10 năm qua, trong Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra một trong những định hướng là chuyển đổi một phần diện tích đất canh tác những loại cây cho giá trị kinh tế thấp sang trồng cây phục vụ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.
Đồng thời chú trọng nghiên cứu giống ngô, giống đậu tương để nâng cao năng suất. Tuy nhiên, thực tế đến nay diện tích và sản lượng các loại cây này không tăng lên.
Ông Trần Lâm Sinh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Đồng Nai, cho rằng ngành chăn nuôi trong nước cần nghiên cứu tận dụng phụ phẩm nông nghiệp chế biến thành thức ăn chăn nuôi, tuyên truyền cho người chăn nuôi thay thế một phần bằng những phụ phẩm sẵn có ở địa phương, như bã bia, bã bột dừa, bèo rau, cám gạo.
Theo khẳng định của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng vẫn đang chỉ đạo phát triển xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để chủ động một phần.
Vừa qua, thực hiện khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) đang phối hợp với Cục Trồng trọt và Cục Chăn nuôi xây dựng các hợp tác xã trồng sắn và ngô tại các tỉnh Tây Nguyên để đảm bảo thu mua khép kín phục vụ trực tiếp cho sản xuất thức ăn chăn nuôi.