10:06 16/04/2010

Nhập siêu từ Trung Quốc chưa thể giải quyết trong “một sớm một chiều”

Y Nhung

Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) nói về vấn đề nhập siêu từ Trung Quốc

Ông Đào Trần Nhân.
Ông Đào Trần Nhân.
“Việt Nam đang áp dụng theo mô hình phát triển dựa vào xuất khẩu, nhưng ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển. Do vậy, việc nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ xuất khẩu là điều tất yếu. Trong khi đó, Trung Quốc không chỉ gần nước ta về mặt địa lý mà còn đáp ứng rất tốt nhu cầu này”.

Theo ông Đào Trần Nhân, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương), đó là nguyên nhân chính giải thích vì sao Việt Nam đang chịu nhập siêu lớn từ Trung Quốc.

Ông nói:

- Lấy ngành may mặc làm ví dụ, hàng năm nước ta xuất khẩu gần 10 tỷ USD, nhưng các phụ kiện như dây khóa, cúc… đều phải nhập khẩu. Nếu chúng ta không nhập từ Trung Quốc sẽ phải nhập từ nước khác. Nhưng về giá cũng như kiểu dáng, mẫu mã chưa chắc đã đáp ứng được các yêu cầu.

Trên thực tế, nhập siêu lớn từ thị trường Trung Quốc là vấn đề Bộ Công Thương cũng rất quan tâm. Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương đã xây dựng một đề án giảm nhập siêu từ thị trường này. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề có thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Trong khi đó, nhìn vào cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong thời gian qua thì thấy chủ yếu vẫn là: than đá, cao su, dầu thô, nông, lâm, thuỷ hải sản và các mặt hàng công nghiệp… Do đa phần là xuất khẩu nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp nên kim ngạch thu được qua xuất khẩu chưa đạt được như mong muốn.

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc?

Theo số liệu công bố của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong năm 2009 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc đạt quy mô trên 2.200 tỷ USD. Trong đó xuất khẩu đạt 1.201 tỷ USD, nhập khẩu là 1.005 tỷ USD.

Kể từ 2004 đến nay, Trung Quốc đã liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2009, mặc dù chịu ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng dương, đạt 4,9 tỷ USD, tăng 8,23%, đưa Trung Quốc trở thành bạn hàng xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Nhưng trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 8,59% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam thì hàng Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đầy 0,48% tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này.

Như vậy, dung lượng thị trường Trung Quốc còn rất lớn, cơ hội xuất khẩu cho hàng Việt Nam còn rất nhiều.

Bên cạnh đó, trong những năm gần đây do giá các yếu tố đầu vào của sản xuất cũng như nhân công Trung Quốc ngày càng tăng. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài và thậm chí ngay cả các nhà đầu tư của Trung Quốc cũng có xu hướng di chuyển các nhà máy sản xuất sang Việt Nam để sản xuất hàng, tái xuất vào thị trường Trung Quốc.

Đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để xuất khẩu sang thị trường này.

Thêm nữa, 2010 là năm khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Theo đó, từ 1/1, hàng loạt các sản phẩm bao gồm cả hàng nông sản và công nghiệp nhập khẩu từ ASEAN vào Trung Quốc sẽ có mức thuế chỉ là 0-5%. Nhưng đến 2015, Việt Nam mới phải cắt giảm các dòng thuế khi nhập khẩu từ quốc gia này.

Vậy theo ông chừng nào cán cân thương mại giữa hai nước mới có thể tạm cân bằng trở lại?

Rất khó có thể nói chính xác về điều này, nhưng tôi nghĩ phải chừng 15-20 năm nữa mới có thể đạt được.