Nhật Bản sắp tiến hành "du lịch thử nghiệm" với 50 khách quốc tế đầu tiên
Theo đó, 50 du khách đến từ Australia, Mỹ, Singapore và Thái Lan sẽ đến Nhật Bản vào tuần cuối tháng 5. Đây là những khách du lịch quốc tế đầu tiên nhập cảnh nước này sau hơn hai năm đóng cửa…
Lệnh cấm du lịch của Nhật Bản kéo dài từ đầu tháng 4/2020. Chỉ những công dân Nhật Bản hồi hương, thường trú nhân hay gần đây là các vận động viên Olympic mới được phép nhập cảnh, và họ vẫn phải cách ly 6 ngày sau đó. Cuối năm ngoái, nhiều người hy vọng các hạn chế sẽ được nới lỏng. Tuy nhiên, biến chủng Omicron khiến Nhật Bản tiếp tục siết chặt quy định với người nhập cảnh.
Tổng cục Du lịch Nhật Bản cho biết, 50 vị khách quốc tế đầu tiên này nhập cảnh vào Nhật bằng thị thực đặc biệt, không phải visa du lịch. Các vị khách phải tiêm đủ ba mũi vaccine, đi theo tour trọn gói, có hướng dẫn viên. Du khách phải tuân theo lịch trình do chính phủ chỉ định - chi tiết về thời gian, điểm đến vẫn chưa được công bố. Mỗi tour có tối đa bốn người.
Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho biết đây được coi như "trường hợp thử nghiệm" để thu thập thông tin trước khi nước này tiếp tục mở rộng hoạt động du lịch rộng rãi hơn vào một ngày chưa được xác định trong thời gian tới. "Mô hình này sẽ cho phép chúng tôi xác định mức độ tuân thủ và các phản ứng khẩn cấp để ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm và xây dựng các hướng dẫn cho những công ty du lịch và nhà điều hành lưu trú," thông cáo của cơ quan này cho biết.
Hồi đầu tháng 5 này, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cũng đã thông báo trong một bài phát biểu ở London (Anh) rằng, ông sẽ cho ban hành biện pháp kiểm soát biên giới tại Nhật Bản phù hợp với các nước khác vào tháng 6, nhưng không có thêm chi tiết nào được đưa ra, bao gồm cả thời điểm nước này sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới cho khách du lịch quốc tế.
Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, du khách quốc tế đến Nhật Bản đã giảm từ gần 32 triệu lượt vào năm 2019 xuống chỉ còn 250.000 lượt vào năm 2021. Tuy nhiên, khác với cảnh các doanh nghiệp lữ hành và người dân hối thúc chính phủ mở cửa ở nhiều nước, những đơn vị làm dịch vụ du lịch Nhật Bản lại thuận theo chính sách hiện nay. Rất ít người làm du lịch Nhật Bản đứng lên phản đối quy định này, còn đa số người dân thì bày tỏ thái độ ủng hộ. Có thể nói, người dân Nhật không nóng lòng muốn mở cửa biên giới.
Nguyên nhân được cho là bởi một vài năm trước khi đại dịch xảy ra, sự gia tăng nhanh chóng của khách du lịch đã khiến các điểm đến nổi tiếng, chẳng hạn như cố đô giàu văn hóa Kyoto, luôn ở trong cảnh đông đúc và náo nhiệt quá mức. Người dân ở Kyoto vui mừng cho biết “sự yên tĩnh đã dần trở lại” trong thời gian đại dịch. Do lối sống khác biệt, tại không ít các địa phương, người dân luôn than phiền về những nhóm du khách nước ngoài thiếu nhã nhặn và ồn ào.
Về mặt kinh tế, ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, nhiều người dân Nhật Bản vẫn vô cùng yêu thích các hoạt động du lịch trong nước. Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, tổng giá trị du lịch nội địa trong năm 2019 của nước này lên tới 21,9 nghìn tỷ yên (167 tỷ USD) so với 4,81 nghìn tỉ yên đến từ du khách quốc tế. "Dữ liệu của Cơ quan Du lịch Nhật Bản cho thấy khách du lịch trong nước đã chi tiêu gấp 5 lần so với khách du lịch nước ngoài trong năm 2019. Vì vậy lệnh cấm đối với du khách nước ngoài không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi," Giám đốc điều hành hệ thống Hoshino Resorts cho biết.
Bên cạnh đó, theo tổ chức nghiên cứu PRB, cứ 3 người thì lại có 1 người trên 65 tuổi khiến Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi nhiều nhất trên thế giới hiện nay. Người cao tuổi thường định kiến với việc mở cửa cho du khách nước ngoài sẽ làm lây lan dịch bệnh. Và Nhật Bản là đất nước của những người cao tuổi nên tới giờ phút này chính phủ vẫn phải thắt chặt biên giới để bảo vệ họ cả về mặt thể chất và tâm lý.
Đại diện một công ty tour cho biết hiện đã có rất nhiều khách quốc tế tha thiết muốn quay trở lại Nhật đã liên hệ với công ty để mua tour. Nhưng người này nhận định hy vọng quay lại Nhật một cách thuận lợi sẽ chắc chắn hơn vào năm sau. Hiện tại, Nhật vẫn ưu tiên du lịch nội địa.