Nhiều chiêu lừa “chạy” giấy phép xây dựng, trúng thầu dự án
Điểm chung là các đối tượng thường “nổ” bản thân có mối quan hệ rộng, có thể “chạy” giấy phép xây dựng hay trúng đấu thầu để chiếm đoạt tiền của các bị hại.
Vừa qua, TAND TP Hà Nội đã xử phạt bị cáo Đàm Quang Tuấn (SN 1985, ở quận 1, TP HCM) mức án 11 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, năm 2021, thông qua quan hệ xã hội, Tuấn quen biết ông Hoàng Kim Đ. (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tuấn giới thiệu với ông Đ. về việc bản thân có nhiều mối quan hệ quen biết, có thể làm được nhiều việc.
Khoảng tháng 8/2021, ông Đ. có nhu cầu xin cấp phép xây dựng nhà ở với chiều cao 9 tầng tại thửa đất ở phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM.
Trước đó, vợ ông Đ. đã được UBND quận 7, TP HCM cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở. Khi vợ chồng ông Đ. làm thủ tục xin cấp giấy phép xây dựng căn nhà trên thì UBND quận 7 thông báo theo quy hoạch chỉ được xây dựng 6 tầng nên ông Đ. chưa làm thủ tục xin cấp giấy phép xây nhà.
Tháng 10/2021, bị cáo đến chơi nhà ông Đ. ở phố Hàng Vôi, Hà Nội. Khi nói chuyện, Tuấn nói nhiều mối quan hệ quen biết ở TP HCM có thể xin được giấy phép xây dựng nhà 9 tầng cho ông Đ.
Do cần tiền chi tiêu và trả nợ, Tuấn đưa ra mức chi phí 1,5 tỷ đồng, hứa sẽ "chạy" giấy phép nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của ông Đ. Bị cáo yêu cầu ông Đ. đưa trước 1 tỷ đồng, hẹn 3 tháng sau sẽ có kết quả. Khi xong việc thì ông Đ. đưa nốt 500 triệu đồng còn lại. Tin tưởng Tuấn nên ông Đ. đồng ý.
Ngày 8/11/2021, ông Đ. chuyển cho bị cáo Tuấn số tiền 1 tỷ đồng. Nhận được tiền, bị cáo nhiều lần rút tiền mặt chi tiêu cá nhân, trả nợ mà không hề thực hiện việc xin cấp Giấy phép xây dựng nhà cho gia đình ông Đ.
Hết thời hạn 3 tháng, không thấy có kết quả cấp phép xây dựng, ông Đ. liên hệ thì Tuấn lẩn tránh. Ông Đ. đòi lại tiền nhưng Tuấn không trả.
Đến ngày 6/5/2022, vợ ông Đ. đã tự nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng căn nhà trên và được UBND quận 7 cấp phép xây dựng đối với nhà ở riêng lẻ, được xây dựng tầng hầm, tầng lửng và 6 tầng.
Thời điểm này, ông Đ. biết Tuấn lừa đảo nên nhiều lần đòi tiền nhưng Tuấn không trả. Ngày 22/8/2022, ông Đ. tố giác hành vi của Tuấn ra cơ quan công an. Sau đó, bị cáo đã trả lại ông Đ. số tiền 200 triệu đồng, còn chiếm đoạt 800 triệu đồng.
Tương tự, trong vụ án Huỳnh Minh Bắc (SN 1964, ở xã Thanh Trù, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), cơ quan tố tụng cũng làm rõ, Bắc “nổ” có nhiều mối quan hệ, có thể giúp được nhiều việc nên ông Bùi Qúy Đ. (SN 1973, Hà Nội) tin tưởng.
Theo cáo trạng, vào năm 2019, tại các cảng biển trên cả nước tồn đọng số lượng lớn các container phế liệu (gồm nhiều chủng loại) được nhập vào Việt Nam nhưng không thông quan được do có vướng mắc về thủ tục, quy chuẩn môi trưởng; nhiều nhất tại cảng Cát Lái và cảng Hải Phòng
Thời điểm đó, Tổng cục Hải quan đã báo cáo, tham mưu cho Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ xin đường lối giải quyết đối với số container phế liệu tồn đọng lại. Chính phủ đồng ý phương án xử lý, trong đó có phương án xác lập quyền sở hữu toàn dân và bán đấu giá đối với số phế liệu này đảm bảo quy chuẩn về môi trường.
Ông Bùi Qúy Đ. biết được thông tin này trên các phương tiện truyền thông và nhờ Bắc giúp mua phế liệu thanh lý.
Do có ý định chiếm đoạt tiền nên Bắc đồng ý. Ông Đ. rủ thêm 3 người khác cùng tham gia để lo các về việc thủ tục, kho bãi tập kết và tìm nguồn tiêu thụ.
Khoảng đầu tháng 5/2019, nhóm ông Đ. đến gặp Bắc. Tại đây, Bắc yêu cầu nhóm ông Đ. phải đưa 2 tỷ đồng để đi quan hệ, đối ngoại, biếu lãnh đạo các bộ, ban ngành để việc đấu thầu thuận lợi. Bắc hứa hẹn trong vòng 1-2 tháng, nhóm ông Đ. sẽ trúng thầu.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, Bắc không thực hiện như đã thỏa thuận mà sử dụng tiền để trả nợ, chi tiêu cá nhân. Sau thời hạn 2 tháng, nhóm ông Đ. tìm Bắc hỏi kết quả thì Bắc nói mọi người chờ.
Đến ngày 27/8/2019, nhóm ông Đ. biết được thông tin Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ đồng ý đề xuất của Bộ Tài chính về việc xử lý phế liệu tồn đọng, trong đó có phương án bán đấu giá. Tuy nhiên, nhóm ông Đ. không thấy Bắc thông báo kết quả trúng thầu.
Lần này, nhóm ông Đ. hỏi thì Bắc nói chưa có kết quả. Sau đó, Bắc lẩn tránh và không trả lại tiền. Ngày 8/3/2023, Bắc bị bắt để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Công văn của Cục điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, “tính đến 15/4/2019 số container tồn đọng quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu chưa làm thủ tục hải quan là 9.362 container tồn phế liệu đang lưu giữ ở cảng biển thuộc Cục quản quan tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, hải Phòng, TPHCM, Đà Nẵng.
Qua xác minh, Cục Hải quan TPHCM, Hải Phòng cho biết, không có ai tên Huỳnh Minh Bắc liên hệ để làm thủ tục mua các lô hàng đấu giá.
Quá trình điều tra, gia đình của Bắc đã bồi thường 500 triệu đồng, còn chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng.