Nhiều công ty công nghệ lớn của Mỹ tạm ngừng xin thẻ xanh cho lao động nước ngoài
Các công ty công nghệ lớn đang tạm dừng nộp đơn xin thẻ xanh cho nhân viên ngoại quốc vì quy trình làm thẻ ngày càng phức tạp. Điều này không chỉ làm gia tăng mức độ cạnh tranh tìm kiếm cơ hội việc làm, mà còn khiến người lao động nước ngoài gặp nhiều khó khăn nếu muốn cư trú tại Mỹ…
PERM là chứng nhận lao động do Bộ Lao động Hoa Kỳ cấp phép cho một công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ thuê lao động nước ngoài làm việc lâu dài tại quốc gia này. Chứng nhận này được ban hành nhằm mục đích đảm bảo việc tiếp nhận lao động nước ngoài không ảnh hưởng đến cơ hội việc làm, tiền lương hoặc điều kiện làm việc của người lao động Mỹ. Các kỹ sư cần có giấy chứng nhận PERM trước khi nộp đơn xin thị thực lao động.
Làn sóng cắt giảm việc làm của Google, Amazon, Meta và các công ty công nghệ khác đã khiến quy trình PERM trở nên phức tạp hơn. Họ đã sa thải hàng loạt nhân viên trong thời gian vừa qua. Và khi cơn khát công nghệ kéo đến, họ đang tuyển dụng trở lại nhưng gặp nhiều thách thức để giải thích cho cơ quan chức năng vì sao cần tuyển kỹ sư nước ngoài. Bà Benach cũng nhận định: ”Đây là một quá trình rườm rà và gian khổ mà không một công ty nào muốn làm”.
Đầu năm nay, Google thông báo đến nhân viên rằng sẽ tiếp tục dừng hỗ trợ nhân viên ngoại quốc xin chứng nhận PERM cho đến ít nhất quý 1/2025, theo Business Insider. Trước đó, từ tháng 1/2023, Google đã dừng chương trình PERM, cùng tháng họ cũng sa thải 12.000 nhân viên.
Ava Benach, chuyên gia của Benach Collopy, một công ty luật nhập cư hàng đầu ở Washington DC, cho biết: “Các công ty công nghệ đang nối bước Google và ngừng làm thẻ xanh cho nhân viên. Google có sức ảnh hưởng rất lớn. Họ nổi tiếng luôn tạo điều kiện và đãi ngộ tốt nhất cho người lao động, vì vậy nếu Google lùi bước, họ cũng sẽ khiến các công ty công nghệ khác đắn đo và làm theo”.
ĐỘNG THÁI CỦA HAI ÔNG LỚN AMAZON VÀ META
Đầu năm nay, gã khổng lồ thương mại điện tử Amazon thông báo với nhân viên rằng họ sẽ tiếp tục tạm dừng hỗ trợ tất cả các hồ sơ PERM mới đến hết năm 2024.
Trong khi Amazon hay Google đã đóng băng các hồ sơ PERM của nhân viên, Meta vẫn tiếp tục hỗ trợ xin thẻ xanh cho các nhân viên quốc tế, tuy nhiên, tốc độ ngày càng chậm chạp. Một nhân viên tại Meta cho biết, để xin được thẻ xanh tại Meta hiện phải mất "một năm hoặc hơn thế".
Chẳng hạn như tại Meta, sau hàng loạt đợt sa thải, công ty này đã cắt giảm hơn 20% nhân lực. Hiện tại, công ty đã bắt đầu tuyển dụng trở lại, nhưng họ cũng khá khó khăn để giải thích với Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ tại sao lại cần lao động quốc tế. Một nhân viên Meta nói với Business Insider: “Thật khó để biện minh cho PERM sau khi sa thải mọi người".
Thế nhưng, cũng không loại trừ khả năng các công ty sẽ tích cực hỗ trợ nhân sự ngoại quốc làm PERM. Vì khi cơn khát nhân tài công nghệ đạt đến đỉnh điểm, quy trình PERM là một vũ khí hữu ích để sử dụng, theo Business insider.
Chuyên gia Ava Benach giải thích: “Khi các công ty cạnh tranh gay gắt để giành lấy nhân tài. Việc họ hứa hẹn sẵn sàng lấy thẻ xanh cho ứng viên là một đặc quyền tuyệt vời để thu hút những nhân viên công nghệ giỏi nhất".
Tuy nhiên, để nhập cư lâu dài, các nhân sự ngoại quốc vẫn có thể tìm kiếm cơ hội bên ngoài Thành phố New York. Vì việc xin thẻ xanh ở bên ngoài “thành phố mơ ước này” dễ dàng hơn và nhiều nhà tuyển dụng ở những khu vực này cũng đang tìm kiếm những tài năng công nghệ.
CÁC GÃ KHỔNG LỒ ĐÃ LÀM GÌ ĐỂ HỖ TRỢ NHÂN VIÊN KÉO DÀI THỜI GIAN LƯU TRÚ TẠI MỸ
Theo Business Insider, người phát ngôn của Amazon cho biết công ty đang làm việc với những nhân viên ngoại quốc để tìm ra “con đường nhập cư thay thế” nhằm kéo dài thời gian lưu trú của họ ở Mỹ.
Trong khi đó, một Nhân viên Meta lưu ý để vượt qua rào cản PERM, một số công ty đang chọn phân loại các ứng viên quốc tế là những người nộp đơn xin Miễn trừ vì lợi ích quốc gia. Vì vậy, theo dữ liệu từ Cơ quan Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ, số đơn đăng ký NIW (chương trình nhập cư dành cho người có tài năng và chuyên môn vượt trội) đã tăng vọt vào năm 2023.
Mới đây, Google đã gửi thư lên Bộ Lao động đề nghị xét duyệt thẻ xanh nhanh hơn. Trong đơn gửi đến Bộ Lao động, Google viết: “Chúng tôi dự đoán nhu cầu về vai trò kỹ sư AI, bao gồm kỹ sư phần mềm, kỹ sư nghiên cứu và nhà khoa học nghiên cứu, sẽ tăng đáng kể trong những năm tới. Những tiến bộ của AI mang lại nhiều hứa hẹn đáng kinh ngạc, nhưng việc thiếu các chuyên gia lành nghề có nguy cơ cản trở toàn bộ tiềm năng chung”.