10:21 11/10/2023

Nhiều địa phương muốn khai thác thế mạnh ẩm thực để phát triển du lịch

Tường Bách

Ẩm thực là một trong những yếu tố quan trọng góp phần định vị thương hiệu du lịch, phản ánh bản sắc văn hóa của cộng đồng địa phương. Do đó, việc xây dựng chiến lược quảng bá ẩm thực để thu hút khách quốc tế là cần thiết…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du khách thường chi trung bình 1/3 chi phí chuyến đi cho ẩm thực. Ðồng thời, hơn 80% đơn vị, tổ chức du lịch khi được khảo sát đều xác định, du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến, là động lực quan trọng cho phát triển du lịch.

Việc tạo ra các sản phẩm du lịch mới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu đa dạng của cộng đồng, của du khách là hết sức cần thiết trong thời điểm ngành du lịch các quốc gia cạnh tranh căng thẳng như hiện nay. Từ đó, du lịch ẩm thực đang là hướng đi mới mẻ được các địa phương trong tỉnh, doanh nghiệp lựa chọn.

KHÁNH HÒA

Ngành du lịch Khánh Hòa hiện đang đẩy mạnh việc phát huy giá trị văn hóa vào hoạt động du lịch. Bên cạnh những điểm tham quan di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng ở TP. Nha Trang, một số đơn vị lữ hành đã xây dựng tour khám phá văn hóa, ẩm thực ở thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm… Điển hình, công ty Cổ phần Hai Lúa Ninh Hòa vừa giới thiệu đến cộng đồng làm du lịch ở Khánh Hòa tour du lịch “Ăn nem, bún nóng Ninh Hòa/Xem lăng Bà Vú, dâng hoa Phủ đường".

Theo đó, trong hành trình khám phá di sản Ninh Hòa, theo chân hướng dẫn viên, du khách ghé vào các "lò" nem, trải nghiệm gói nem chua với người dân ở Ninh Hiệp; đến vườn rau xanh mát ở làng quê Ninh Đông xem nông dân trồng rau sạch… Du khách cũng sẽ được thưởng thức những món ăn truyền thống nổi tiếng, như: nem, gà Ninh Hòa... Thú vị hơn, khách có thể tự tay hái những cọng rau tươi rói để ăn món bún lá cá dầm, giải khát bằng nước dừa Vạn Thiện (phường Ninh Đa) với vị ngọt lành, theo chân ngư dân đi thả lưới, làm bánh xèo…

Nhiều địa phương muốn khai thác thế mạnh ẩm thực để phát triển du lịch - Ảnh 1

Bà Christina Nguyễn, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Zazen Travel cho biết, hàng năm, Khánh Hòa đón lượng khách du lịch rất lớn. Tuy nhiên, các đơn vị lữ hành chủ yếu khai thác các tour du lịch tham quan biển đảo, các điểm du lịch nổi tiếng ở TP. Nha Trang, còn lại các di tích lịch sử văn hóa ở các địa phương khác chưa được khai thác nhiều.

Chính vì vậy, công ty muốn xây dựng những tour du lịch khám phá văn hóa, ẩm thực để làm phong phú hơn sản phẩm du lịch Khánh Hòa. Đây cũng là cách để níu giữ khách ở lại lâu hơn bởi rất nhiều du khách không chỉ muốn “lướt qua” mà còn muốn “nếm thử”, “sống thử” cùng văn hóa địa phương.

QUẢNG NAM

Cũng như vùng đất Khánh hòa, xứ Quảng không thiếu món ăn ngon. Giữa tháng 9/2023, Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Quảng Nam đã đón chứng nhận món ăn tiêu biểu Việt Nam cho mỳ Quảng, cao lầu và bánh tráng đập. Trước đó, các món ăn như bê thui Cầu Mống, cơm gà Hội An hay gà tre đèo Le cũng từng lọt vào tốp các món ăn đặc sản Việt Nam. Chưa kể, lâu nay các món ăn như hoành thánh, cao lầu, bánh mì… luôn được gợi ý là những trải nghiệm nhất định phải thử của du khách khi đến Hội An.

Nhưng thực tế, các ý tưởng sáng tạo mới mẻ về du lịch ẩm thực là khá hiếm hoi. Đề án tái cơ cấu du lịch Hội An được triển khai trong thời kỳ Covid-19 xác định du lịch ẩm thực là một trong số các loại hình được ưu tiên thúc đẩy và sắp xếp lại nhưng đến nay chưa có nhiều chuyển động. Theo bà Trịnh Diễm Vy, Giám đốc Công ty Tổ chức sự kiện ẩm thực Hội An, nguyên nhân sâu xa của vấn đề chưa hình thành được hệ thống ẩm thực đa dạng phục vụ du lịch đến từ việc sản phẩm nông nghiệp địa phương.

Nhiều địa phương muốn khai thác thế mạnh ẩm thực để phát triển du lịch - Ảnh 2

Hiện Quảng Nam đang kiên trì mục tiêu phát triển du lịch xanh thích ứng với bối cảnh mới hậu đại dịch. Sản phẩm “bữa ăn không rác thải” tại nhà hàng The Field (xã Cẩm Thanh, TP.Hội An) có lẽ là “lá cờ đầu” để cụ thể hóa nỗ lực này trong lĩnh vực ẩm thực. Như chia sẻ của quản lý đơn vị này, các món ăn hoàn toàn dân dã như chính thế hệ ông bà ta hàng trăm năm trước từng chế biến. Chỉ khác ở cách sắp đặt và nắm được một số thói quen trong ăn uống của khách quốc tế là có thể tạo ra “bữa tiệc đồng quê” với giá trị cao.

CAO BẰNG

Cao Bằng không chỉ nổi tiếng với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, hùng vĩ, còn thu hút du khách bởi những món ăn đặc trưng, gắn liền với văn hóa bản địa của cộng đồng các dân tộc: Tày, Nùng, Mông, Dao… Mùa nào thức đấy, các món ăn luôn tươi ngon và đậm đà dư vị với rau rừng, cá suối, thịt lợn đen, gà đồi… Đặc biệt, nhiều sản vật, ẩm thực Cao Bằng đã lọt top 100 món ăn, đặc sản quà tặng Việt Nam như: xôi trám, coóng phù, bánh cuốn, chè lam, áp chao, miến dong Phja Đén, hạt dẻ Trùng Khánh...

Với nền ẩm thực phong phú, kết hợp hài hòa giữa ẩm thực dân tộc truyền thống, ẩm thực đường phố và ẩm thực vùng miền, Cao Bằng có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch ẩm thực. Hiện nay tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực nhằm khai thác, quảng bá nét đẹp văn hóa ẩm thực; chú trọng tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức của người dân về phát huy giá trị của các sản phẩm đặc sản truyền thống; không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ, thực đơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu của thực khách.

Nhiều địa phương muốn khai thác thế mạnh ẩm thực để phát triển du lịch - Ảnh 3

Năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Hội thi sáng tạo ẩm thực du lịch “Món ngon miền non nước” với mục đích định vị thương hiệu du lịch từ ẩm thực; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị kinh doanh du lịch, nhà hàng, khách sạn, homestay, làng du lịch cộng đồng... 

BÌNH THUẬN

Sở hữu các món ăn miền biển đa dạng, độc đáo nhưng vẫn có nét đặc sắc riêng có, không thể nhầm lẫn, Bình Thuận đang đẩy mạnh phát huy lợi thế về văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong lĩnh vực du lịch, ẩm thực không đơn thuần chỉ là việc cung cấp dịch vụ ăn uống thông thường mà còn là một sản phẩm du lịch để thông qua đó du khách khám phá, tìm hiểu nét văn hóa nơi mình đặt chân đến. Do đó, xây dựng sản phẩm du lịch một cách bài bản, sáng tạo, có sự liên kết và chú trọng đổi mới hình thức… là cách làm đang được các điểm du lịch ở Bình Thuận thực hiện.

Những món ăn “ẩn chứa” riêng một tiêu chuẩn ẩm thực đặc trưng của Bình Thuận như: Mực một nắng, tôm biển, lẩu thả, cá lồi xối mỡ, gỏi cá, bánh căn, bánh xèo... (Phan Thiết); cua huỳnh đế, cá liệt dầu, nhum biển (Tuy Phong); ếch òn, dông khu Lê (Bắc Bình); cua mặt trăng, ốc nhảy, hải sâm (Phú Quý)... Cứ thế, ẩm thực “ngon” đã vươn xa, gây “thương nhớ” với du khách và làm tự hào văn hóa ẩm thực của Bình Thuận. Và càng không thể thiếu các đặc sản làm quà, như: Thanh long, mủ trôm, nho, cốm sữa... do thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Bình Thuận.

Nhiều địa phương muốn khai thác thế mạnh ẩm thực để phát triển du lịch - Ảnh 4

Mỗi điểm đến của Bình Thuận đều có những đặc sản đặc trưng riêng của mình, điều mà mỗi người dân Bình Thuận có thể làm và làm tốt là kể cho du khách nghe “câu chuyện” phía sau mỗi một món ăn của quê hương mình để du khách có thể hiểu hết được giá trị của ẩm thực; để mỗi khi đến Bình Thuận du khách không chỉ có thể “thưởng thức” mà còn “lưu” vào hành trình. Làm được như vậy thì văn hóa ẩm thực mới có thể trở thành một động lực phát triển của du lịch Bình Thuận như mục tiêu đề ra.