08:22 17/07/2025

Nhiều địa phương thiết lập chính sách ưu đãi đột phá để phát triển nhân lực công nghệ cao

Bạch Dương

Trường Đại học Quy Nhơn mới đây thông tin sinh viên theo học nhóm ngành công nghệ cao sẽ được vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để đóng học phí và được tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất trong suốt thời gian học… 

TS. Đinh Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn, chủ trì họp báo.
TS. Đinh Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quy Nhơn, chủ trì họp báo.

Đó là một trong những nội dung trọng tâm trong Đề án phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao tỉnh Gia Lai giai đoạn 2025 - 2030. 

Tỉnh Gia Lai sẽ đẩy mạnh phát triển lĩnh vực công nghệ cao thông qua Đề án phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI, an toàn và an ninh mạng.

Đề án được thực hiện với mục tiêu đào tạo ít nhất 7.500 kỹ sư, cử nhân và chuyên gia trình độ cao, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. Đây là một trong những chiến lược trọng điểm của tỉnh để đón đầu xu hướng chuyển đổi số và phát triển công nghiệp công nghệ cao trên cả nước.

Trường Đại học Quy Nhơn đóng vai trò chủ lực trong thực hiện đề án, với hệ thống phòng thí nghiệm công nghệ bán dẫn dùng chung được đầu tư 120 tỷ đồng phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu chuyên sâu - một trong những phòng thí nghiệm hiện đại nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo nhà trường giới thiệu Đề án phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, AI, an toàn và an ninh mạng giai đoạn 2025 - 2030. Trong đó, trường tổ chức 4 ngành đào tạo về công nghiệp bán dẫn, AI, an toàn và an ninh mạng theo đề án, gồm: Kỹ thuật điện tử - viễn thông (chuyên ngành Thiết kế vi mạch), Vật lý kỹ thuật (chuyên ngành Công nghệ gia công, đóng gói và kiểm thử vi mạch), AI, Công nghệ thông tin (chuyên ngành An toàn - an ninh mạng).

Đồng thời, giới thiệu về chính sách ưu đãi, cơ hội việc làm dành cho sinh viên theo học các lĩnh vực này.

Cụ thể, sinh viên được vay vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để đóng học phí và được tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất trong suốt thời gian học. Trường hợp cam kết làm việc tại tỉnh tối thiểu 3 năm sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được tỉnh chi trả toàn bộ học phí. 

Bên cạnh đó còn có các chính sách học bổng của nhà trường, học bổng tài trợ từ doanh nghiệp đối tác, học bổng Vallet; hỗ trợ ký túc xá, thực tập tại các công ty công nghệ hàng đầu, được ưu tiên tuyển dụng theo chính sách của tỉnh…

Điều này cho thấy không chỉ những trung tâm lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng mới thiết lập những chính sách ưu đãi đột phá để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành công nghệ cao.

Bắc Ninh cũng là một ví dụ đáng chú ý, với loạt chính sách đi đầu để phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp bán dẫn kể năm 2024. Theo đó, cho đến năm 2030, Bắc Ninh sẽ hỗ trợ học phí cho học sinh, người lao động đã tốt nghiệp THPT tham gia học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp theo chương trình đào tạo chất lượng cao và nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo trên địa bàn từ 1.640.000 đồng/tháng/người – 2.940.000/tháng/người tùy theo bậc học và năm học khác nhau. 

Đặc biệt, nếu các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ ở ngoài tỉnh được tuyển dụng, tiếp nhận giảng dạy chương trình cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm sẽ được hỗ trợ kinh phí nhà ở 1 tỷ đồng. Trong khi đó, Thạc sĩ nam ngành công nghiệp bán dẫn được hỗ trợ 80 triệu đồng, thạc sĩ nữ được hỗ trợ 100 triệu đồng. 

Tháng 4 năm nay, Bộ Tài chính thậm chí đã công bố dự thảo tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (STEM), trong đó đề xuất sinh viên ngành STEM được vay vốn dưới 500 triệu không cần đảm bảo

Cụ thể , mức vốn cho vay tối đa đối với 1 người học bao gồm tiền sinh hoạt phí tối đa là 5 triệu đồng/tháng, toàn bộ tiền học phí phải đóng của người học (không phân biệt trường công, trường tư hay trường quốc tế). Khách hàng vay vốn dưới 500 triệu đồng không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Như vậy, ví dụ mức học phí phải đóng của người học là 50 triệu đồng/năm và thời gian học 4 năm thì tổng mức vay vốn tối đa lên tới 440 triệu đồng và không phải thực hiện bảo đảm tiền vay.

Chính sách cũng quy định rõ thời hạn giải ngân và trả nợ linh hoạt. Thời hạn giải ngân bắt đầu từ ngày sinh viên nhận khoản vay đầu tiên cho đến ngày kết thúc khóa học. Thời hạn trả nợ sau đó tính bằng đúng thời gian giải ngân kèm theo thời hạn ân hạn tối đa 12 tháng sau khi hoàn thành khóa học.

Như vậy, với một chương trình đào tạo kéo dài 5 năm, sinh viên có thể được giải ngân trong 5 năm, trả nợ trong 5 năm tiếp theo và có thêm 1 năm ân hạn, tổng cộng lên đến 11 năm.

Dự kiến, ngay sau khi Thủ tướng ký ban hành, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ công bố thủ tục và quy trình cho vay, triển khai trên toàn quốc. Gói tín dụng ưu đãi dành cho STEM được kỳ vọng sẽ mang đến cú huých mạnh mẽ cho chiến lược đào tạo nhân lực công nghệ của Việt Nam.